Nga dừng vô thời hạn hoạt động của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 dẫn khí đốt sang châu Âu. (Nguồn: AA) |
G7 và Nga cùng tung chiêu
Ngày 2/9, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã thắt chặt thêm các “đinh vít" để củng cố vị thế địa chính trị đối với Đức và Liên minh châu Âu (EU) với thông báo rằng, đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) của doanh nghiệp này sẽ bị đóng cửa vô thời hạn.
Thông báo trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tổ chức cuộc họp báo, tuyên bố về đồng thuận giữa các quốc gia thành viên trong việc tìm cách áp đặt "giá trần” đối với dầu xuất khẩu của Nga.
Điều này đặt ra câu hỏi rằng, liệu thời điểm Gazprom đưa ra thông báo trên và thời điểm G7 có quyết định đối với dầu mỏ của Moscow có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Câu trả lời có lẽ là không.
Trước khi có tuyên bố trên của Gazprom, Dòng chảy phương Bắc 1 đã ngừng hoạt động để bảo trì, theo lịch trình được cho là chỉ kéo dài 3 ngày và sẽ hoạt động trở lại vào thứ Sáu (2/9).
Tuy nhiên, đến thời hạn chót, các quan chức Gazprom tuyên bố rằng, họ phát hiện một lỗi mới trong tuabin khí đang hoạt động cuối cùng còn sót lại của hệ thống và sẽ sửa chữa thiết bị này trước khi dây chuyền có thể được tái khởi động.
Các dòng khí đốt chảy qua hệ thống đường ống này thường được cung cấp bởi tổng cộng 6 tuabin khí, nhưng 4 tuabin đã ngừng hoạt động trong nhiều tháng qua và theo Reuters, một tuabin khác hiện vẫn còn ở Đức, sau khi được sửa chữa tại một cơ sở của công ty Siemens ở Canada.
Trước đó, Gazprom phàn nàn rằng, sự chậm trễ trong việc vận chuyển tuabin trên trở lại trạm nén ở Portovaya là do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp đặt đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.
Kể từ cuối tháng 7, Dòng chảy phương Bắc 1, bơm khí đốt từ Nga sang Đức, chỉ hoạt động với 20% công suất. Gazprom cho rằng, tình trạng này là do hệ thống đường ống chỉ có 1 trong 6 tuabin đang hoạt động.
"Các lệnh trừng phạt của Canada, EU, Anh và tình hình hiện tại không phù hợp với các nghĩa vụ hợp đồng hiện có của phía Siemens khiến việc giao tuabin cho trạm khí nén Portovaya là không thể", Gazprom thông báo. Portovaya là nơi có một trạm nén nằm ở đầu đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, làm nhiệm vụ dẫn khí đốt đến Đức.
Phản hồi tuyên bố dừng hoạt động vô thời hạn Dòng chảy phương Bắc 1, viết trên twitter, ông Eric Mamer, người phát ngôn chính của Ủy ban châu Âu (EC), khẳng định: “Việc Gazprom dừng hoạt động vô thời hạn Dòng chảy phương Bắc 1 với lý do ngụy biện một lần nữa cho thấy nhà cung cấp này không đáng tin cậy”.
Cuộc sống người dân châu Âu bị ảnh hưởng
Bất kể động cơ và thực tế của “trò chơi” này có thể là gì, động thái mới nhất của Gazprom đặt nước Đức vào tình thế nguy hiểm thực sự khi mùa Đông đến gần.
Theo dữ liệu mới nhất của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), tính đến ngày 3/9, các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức đã được lấp đầy 85,02%. Kho chứa khí đốt dưới lòng đất Rehden, vốn chưa đầy 1% vào tháng 4, hiện đã ở mức 69,54%.
Trước đó, Berlin thông qua các đạo luật sửa đổi bắt buộc nhà khai thác phải lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt lên đến mức 85% vào tháng 10 và 95% vào tháng 11 năm nay.
Đức hầu như dựa hoàn toàn vào nguồn khí đốt nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước, với Nga là nguồn cung lớn nhất. (Nguồn: edie.net) |
Tuy nhiên, trong khi giới chức Berlin ăn mừng trước thông tin các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên ở nước này đã được lấp đầy vượt tiến độ, điều đó liệu có giúp cho người dân Đức đỡ khó khăn hơn trong việc thanh toán các hóa đơn năng lượng?
Như trường hợp của Mỹ, kho chứa khí đốt tự nhiên chỉ được thiết kế để dự phòng cho những thời điểm khối lượng sản xuất hoặc nhập khẩu không thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại.
Do các chính sách của chính phủ, hiện tại, Đức hầu như chỉ dựa hoàn toàn vào nguồn khí đốt nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Và tất nhiên, Nga là nhà cung lớn nhất và gần như duy nhất đối với Berlin.
Kể từ khi ngành công nghiệp điện gió, vốn được ca tụng, bắt đầu thất bại hơn một năm trước, chính phủ Đức đã cố gắng tìm kiếm nguồn năng lượng nhập khẩu bổ sung để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và ngành công nghiệp. Và nỗ lực đó càng trở nên tuyệt vọng sau khi Nga quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Ngay sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa rằng, ngành công nghiệp khí đốt tự nhiên hóa lỏng của nền kinh tế số 1 thế giới sẽ hoạt động để đáp ứng phần lớn nhu cầu của Đức và châu Âu.
Tuy nhiên, ông Biden đưa ra lời hứa đó mà không thực sự kiểm tra thực tế với bất kỳ ai trong ngành này ở Mỹ. Sẽ mất nhiều năm xây dựng cơ sở hạ tầng với những khoản đầu tư hàng tỷ USD để ngành công nghiệp năng lượng Mỹ thực sự tạo ra sự khác biệt lớn nhằm thay thế nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Trong khi đó, chính quyền ông Biden cũng đóng vai trò đứng đầu G7 trong việc thúc đẩy khái niệm áp “giá trần” với dầu mỏ xuất khẩu của Nga. Tuy nhiên, bất chấp thỏa thuận được công bố hôm 2/9, nhóm này vẫn chưa tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về kế hoạch trên.
Do đó, người ta chưa biết các nhà lãnh đạo G7 sẽ thuyết phục ba đối tác mua dầu lớn nhất ngoài châu Âu của Nga là Trung Quốc, Ấn Độ và Iran như thế nào trong việc hợp tác nhằm giới hạn giá dầu.
Sự hợp tác như vậy sẽ là điều cần thiết cho bất kỳ thành công nào, nhưng dường như khó có được tiến hành khi cả Trung Quốc, Ấn Độ cùng với Nga đều là thành viên thuộc Khối các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS) ngày càng mạnh mẽ và Iran được cho là muốn tham gia liên minh này.
Người ta chỉ có thể tự hỏi liệu các nhà lãnh đạo G7 đã thực sự suy nghĩ về kế hoạch này để đưa ra kết luận hợp lý hay chưa, hay đây chủ yếu là một thông điệp mang tính phủ đầu.
Những gì chúng ta thấy ở đây chỉ là một trong số nhiều ví dụ về việc các biện pháp trừng phạt được cho là áp đặt lên Nga của các chính phủ phương Tây dường như phản tác dụng, gây tổn hại nhiều hơn cho người dân châu Âu, Canada và Mỹ. Trong trường hợp này, tất cả các kế hoạch dường như đang và sẽ khiến nước Đức và phần lớn phần còn lại của châu Âu chật vật hơn khi mùa Đông đến gần.