📞

Khi nhiên liệu sinh học ngồi ghế “bị cáo”

14:44 | 11/07/2008
Chưa đầy một năm trước, nhiên liệu sinh học còn được tôn vinh là sự thay thế thần kỳ cho các nhiên liệu hoá thạch gây ô nhiễm hay chiếc chìa khóa cho kỷ nguyên hậu dầu mỏ. Chỉ vài tháng sau cơn bão giá lương thực, loại năng lượng này bỗng trở thành “bị cáo”, thủ phạm làm trầm trọng nạn đói trên toàn cầu.

Mỹ và châu Âu vẫn còn tự hào vừa đổ hàng triệu USD để biến đổi cây ngô, đậu nành và đường thành ethanol và nhiên liệu sinh học, một phát minh được coi là lớn của nhân loại, giúp nền kinh tế giàu có của họ không còn phải lệ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch. Tuy nhiên, cũng thật không may khi tại Hội nghị Lương thực của LHQ ở Rome (Italy) hồi đầu tháng 6, dù ủng hộ hay phản đối, các quốc gia cũng đều phải thừa nhận nhiên liệu sinh học là một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay.

 

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được báo Anh The Guardian tiết lộ, nhiên liệu sinh học đã đẩy giá thực phẩm thế giới tăng đến 75%, cao hơn nhiều so với ước tính trước đây. Báo cáo do Don Mitchell, nhà kinh tế cao cấp của WB, thực hiện dựa trên phân tích chi tiết giá lương thực tăng khoảng 140% từ giữa năm 2002 đến tháng 2/2008. Theo báo cáo, nỗ lực tìm kiếm nhiên liệu sinh học của EU và Mỹ đã có tác động lớn nhất đến nguồn cung và giá lương thực. Từ tháng 4/2008, tất cả xăng dầu ở Anh phải thêm 2,5% nhiên liệu sinh học và EU dự định tăng mục tiêu này lên 10% vào năm 2020.

 

Một kết quả khảo sát khác của tổ chức từ thiện Oxfam International (Anh) cũng cho thấy nhiên liệu sinh học chiếm tới 30% nguyên nhân của sự tăng giá lương thực toàn cầu, đẩy hơn 30 triệu dân số vào cảnh đói nghèo. Theo phân tích của Robert Bailey, tác giả bản báo cáo, “các chính sách về nguyên liệu sinh học thực sự có thể giúp đỡ tích cực vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng nó lại khoét sâu thêm sự nghèo đói. Nhu cầu về nhiên liệu sinh học của các nước giàu đang đặt ra yêu cầu tăng cường sản xuất và dẫn tới lạm phát”. Ông ước lượng rằng, nếu tình trạng này còn tiếp tục, rất có khả năng sẽ có thêm 600 triệu người lâm vào cảnh đói nghèo vào năm 2025, làm xói mòn dần những mục tiêu xóa đói giảm nghèo mà Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ đã đặt ra.

 

Oxfam này cũng khuyến nghị các nước nghèo phải đặc biệt cẩn trọng khi tiếp cận nhiên liệu sinh học vì nó có thể đẩy nông dân ra khỏi mảnh đất sinh kế và làm tụt giảm nguồn cung lương thực. Xuất khẩu nhiên liệu sinh học sang châu Âu hay Mỹ là ngành kinh doanh hốt bạc hiện nay, nhưng tại nước xuất khẩu như Indonesia, hậu quả đã rõ. Dầu cọ vừa dùng chế biến dầu ăn vừa có thể sản xuất nhiên liệu sinh học. Khi Indonesia xâm nhập được vào thị trường Mỹ, họ đã dành ra 40% lượng dầu cọ sản xuất được cho chế biến nhiên liệu sinh học, dẫn tới hậu quả là giá dầu ăn tăng gấp 3 lần. Tình trạng tăng giá tác động trực tiếp đến túi tiền của chính những người sản xuất dầu cọ. Thế nhưng Indonesia và Malaysia vẫn có kế hoạch đẩy mạnh sản lượng để bảo đảm 20% nhu cầu của châu Âu.

 

Nhiên liệu sinh học hiện nay chủ yếu được sản xuất từ hai nguồn: mía và ngô. Từ mía, Brazil mỗi năm sản xuất được 19 tỷ trên tổng số 52 tỷ lít nhiên liệu sinh học toàn thế giới. Từ ngô, Mỹ sản xuất được 27 tỷ lít. Dạng tồn tại chủ yếu của loại nhiên liệu này là cồn ethanol có công năng thay thế được xăng. Để làm được nhiên liệu sinh học từ ngô và mía, Tổ chức Nông lương LHQ cho rằng thế giới đang phải chi 11-12 tỷ USD cho chính sách trợ cấp và bảo hộ thuế. 100 triệu tấn ngũ cốc cũng bị “tước” khỏi tổng cung lương thực thế giới để thỏa cơn khát của các phương tiện giao thông. Ở nhiều nơi đang thiếu đói, đặc biệt ở chính ngay cái nôi của nhiên liệu sinh học như Brazil cũng có nơi xảy ra tình trạng thiếu đói khiến các tổ chức nhân đạo buộc tội chiến lược nhiên liệu sinh học là một hành vi phi đạo đức. Theo tính toán của Oxfam, số ngũ cốc để sản xuất 1 lít nhiên liệu sinh học cho ôtô đa dụng tương đương với số ngũ cốc cho một người ăn đủ một bữa.

 

Ngay tại Mỹ, chuyên gia Mark Rosegrant của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, đã lập biểu đồ cho thấy nhiên liệu sinh học chiếm 30% nguyên nhân gây khủng hoảng lương thực toàn cầu. Ông Rosegrant nói: “Cần phải nhìn nhận thực tế là một diện tích đất đai lớn đã được bảo hộ chỉ để trồng ngô và mía cho sản xuất nhiên liệu thay vì để trồng lương thực cho con người”.

 

Các nước chủ xướng nhiên liệu sinh học đang vin vào hai lý do là giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giảm lệ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiên liệu sinh học từ mía ở Brazil có thể giảm được 80-90% lượng carbon so với xăng, nhưng loại từ ngô của Mỹ chỉ là 10-30%. Liệu có đáng để hy sinh nhu cầu cơ bản, thiết yếu vì các nhu cầu khác?

 

Viên Hòa (Theo Guardian, BBC)