📞

Khi nọc độc có lợi cho sức khỏe

10:50 | 29/01/2013
"Không có chất độc, chỉ có liều thuốc độc" là câu nói của Paracelsus, nhà y học nổi tiếng của Thụy Sĩ. Và điều này đúng với nọc độc của các loài bò sát. Nếu được sử dụng đúng cách và đúng liều lượng, chúng không chỉ không gây hại mà còn có lợi cho con người.
Ảnh minh họa

Nguyên liệu quý để làm thuốc

Nọc của rắn và một số sinh vật khác như nhện và bọ cạp từ lâu đã được sử dụng trong y học. Nọc độc từ các loài bò sát đã được sử dụng để làm kháng huyết thanh cho vết rắn cắn trong nhiều thập kỷ qua bằng cách tiêm nó vào các động vật có vú như cừu và ngựa, và thu thập các kháng thể được tạo ra. Tirofiban là một loại chất chống đông máu được chiết xuất từ nọc rắn độc châu Phi, đồng thời cũng có tác dụng với những người bị đau thắt ngực hoặc đau tim. Exenatide là dạng tổng hợp của một loại hormone " exendin-4" có sẵn trong nước bọt của "quái vật" Gila, một loại thằn lằn độc Bắc Mỹ - một liệu pháp điều trị cho bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 2 vì nó làm tăng việc sản xuất insulin ở những người có lượng đường trong máu cao. Còn captopril, một loại thuốc giãn mạch máu được sử dụng rộng rãi để điều trị chứng tăng huyết áp, được sản xuất từ nọc độc của loại rắn đầu nhọn ở Brazil.

Gần đây nhất là hannalgesin, một chiết xuất đặc biệt từ nọc độc của "Vua" rắn cobra. Giáo sư Kini Manjunatha thuộc ĐH Quốc gia Singapore đang phát triển chất này làm thuốc giảm đau. Ông này cho rằng hannalgesin có hiệu quả hơn morphine từ 20 đến 200 lần. Hơn nữa, không giống như morphine, thường được tiêm, hannalgesin có thể được dùng bằng đường uống. Kini Manjunatha đang có kế hoạch để chạy các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên vào cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014. Trước đó, nhóm nghiên cứu tại Dược lý phân tử và tế bào của Pháp cũng từng phát hiện hợp chất giảm đau được chiết xuất từ nọc của loài rắn đen cực độc của châu Phi có tác dụng mạnh như một số loại thuốc phiện, kể cả moóc-phin. Ưu điểm của chúng là không gây nguy cơ về hô hấp cũng như các tác dụng phụ khác như những dược phẩm giảm đau phổ biến hiện nay.

Nọc rắn có thể chữa ung thư

Nọc độc rắn vốn cực kỳ phức tạp, bao gồm hàng trăm peptide (chuỗi axit amin), men và độc tố. Trong gần 3.000 loài rắn trên thế giới thì có khoảng 650 loài có nọc độc. Sự đa dạng của nọc rắn không chỉ thể hiện giữa các loài, mà thậm chí còn trong cùng một loài vì những lý do địa lý hay môi trường sống. Chính sự phong phú của nọc rắn đã tạo nên một nền tảng hấp dẫn đối với giới chuyên gia phát triển dược liệu, đặc biệt trong việc nghiên cứu các liệu pháp điều trị ung thư.

Trong một bài báo đăng gần đây trên tờ Toxicon, nhà nghiên cứu Stefan Hailey của ĐH Delaware (Mỹ) và các đồng nghiệp đã cho biết một chất đạm (protein) có tên là eristostatin chiết xuất từ nọc độc của rắn cát châu Á, có thể giúp hệ thống miễn dịch của con người chống lại khối u ác tính. Nhiều nghiên cứu cho thấy eristostatin ngăn chặn được các tế bào u ác tính xâm nhập gan và phổi ở chuột và hy vọng quy trình này có thể áp dụng với con người.

Ngoài ra, crotoxin, một chất đạm chiết xuất từ nọc độc rắn chuông Nam Mỹ, mặc dù chưa được chấp thuận cho sử dụng, có thể một ngày nào đó cũng sẽ được sử dụng để điều trị ung thư. Crotoxin có thể liên kết với protein trên tế bào ung thư và kích hoạt một cơ chế gọi là apoptosis gây tổn thương màng tế bào ung thư khiến nó tự tiêu diệt mình. Đây là công trình nghiên cứu của Công ty Công nghệ sinh học Celtic ở Dublin (Ireland) và sẽ được áp dụng với các bệnh nhân ung thư trong năm nay. Các nhà nghiên cứu tin rằng cơ chế này sẽ có hiệu quả với tất cả các khối u rắn.

Còn Tony Woods, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Nam Australia đã phát hiện một hợp chất từ nọc độc rắn có khả năng "bỏ đói" khối ung thư bằng cách phá hủy các mạch máu nuôi nó. Ông Woods cho biết, khối ung thư thực chất là một tập hợp mô, "vì thế, giống như các mô khác trong cơ thể, chúng ta có thể tác động đến sự phát triển của chúng bằng cách ngăn cản sự hình thành mạng lưới cung cấp máu hoặc gây gián đoạn hoạt động này", ông nói. Hợp chất mà nhóm của ông phát hiện từ một loại nọc rắn có khả năng phá vỡ liên kết giữa các tế bào thuộc lớp niêm mạc của mạch máu, gây rối loạn chức năng của mạch máu, khiến cho dòng máu tới nuôi khối u bị cản trở. Thế mạnh của những độc tố từ nọc rắn là có mục tiêu tấn công rất rõ ràng. Chúng không giống như liệu pháp hóa trị và một số loại thuốc, không thể phân biệt được tế bào ác tính và khỏe mạnh, và do đó thường gây nên các phản ứng phụ. Woods cho biết một cuộc thử nghiệm loại nọc tiềm năng trên động vật có thể sẽ diễn ra ngay trong năm nay và sau đó sẽ là trên cơ thể người.

Mai Anh