TIN LIÊN QUAN | |
10 sự kiện tiêu biểu ngành Công Thương năm 2019 | |
Thỏa thuận Mỹ - Trung Quốc: Bóc ngắn, cắn dài |
Yếu tố chi phối xuyên suốt năm 2020 đối với an ninh kinh tế toàn cầu sẽ vẫn là cuộc chiến giành vị trí số 1 trong trật tự thế giới mới giữa Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: Sourcingjournal) |
Hết những “viễn cảnh tươi sáng hơn” của năm ngoái, Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) năm nay tại Washington, Mỹ đưa ra nhiều cảnh báo tiêu cực đối với nền kinh tế thế giới. Sự đồng thuận gần như tuyệt đối không còn được dành cho những dự báo khả quan, thay vào đó, giới điều hành cũng như giới quan sát đồng loạt lo ngại về hàng loạt thách thức, tăng trưởng toàn cầu đối mặt với bấp bênh và ảm đạm.
Thương mại không còn là động lực
Tăng trưởng đang chậm lại, đầu tư suy giảm, hoạt động sản xuất ảm đạm, thương mại suy yếu, các cú sốc được cho là có thể ập đến bất cứ nền kinh tế nào, vào bất cứ lúc nào. Nhiều nền kinh tế cùng rơi vào trạng thái “chậm dần đều” hoặc mấp mé bờ vực suy thoái.
Không quá khó để chỉ ra những nguyên nhân đẩy kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng, ngoài nguy cơ bất ổn địa chính trị toàn cầu như Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), hay những điểm nóng liên quan đến Trung Đông, “nút thắt” nghiêm trọng nhất hiện nay là “dòng chảy” thương mại bị bóp nghẹt bởi các cuộc chiến thuế quan.
Theo Báo cáo cập nhật của IMF, tăng trưởng thương mại toàn cầu trong hai năm trở lại đây đã thấp hơn tăng trưởng kinh tế toàn cầu, với tổng mức trao đổi hàng hóa trong năm 2019 được dự báo chỉ tăng 1,9%. Đây là hiện tượng lần đầu tiên xảy ra sau nhiều thập niên bùng nổ toàn cầu hóa, cho thấy thương mại không còn là động lực của tăng trưởng. Thách thức này sẽ rất lớn, bởi thương mại có liên quan chặt chẽ đến đầu tư và lòng tin doanh nghiệp, giới đầu tư quốc tế có xu hướng trì hoãn, đóng băng các kế hoạch đầu tư do môi trường bất trắc.
Bất đồng thương mại đang diễn ra ở mức độ gay gắt nhất, trong đó ngoài nút thắt lớn nhất giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới còn có các cặp căng thẳng khác như Nhật - Hàn, Mỹ - EU, Ấn - Mỹ… Trong khi đó, chính Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng đang rơi vào khủng hoảng, không có khả năng tiếp tục thúc đẩy nghị trình tự do hóa thương mại và nguy cơ chính thức bị vô hiệu hóa đang đến rất gần.
Thương mại đang tiếp tục có nguy cơ trở thành “con tin” của những tính toán chính trị, bị chính trị hóa, bị chi phối bởi một số trào lưu đang nổi lên - như chủ nghĩa bảo hộ hay tư tưởng dân túy.
Ảm đạm và bấp bênh
Ở thời điểm cận kề năm 2020, các tổ chức kinh tế lớn như OECD, WTO, IMF, WB, ADB... đều đã công bố dự báo kinh tế toàn cầu của riêng mình. Dù các cách tiếp cận hay phân tích khác nhau thì vẫn có một điểm chung là tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm mới tiếp tục “suy giảm” và “bấp bênh”.
Tất nhiên, với vô số nguyên nhân ở trên, giới chuyên gia cho rằng, an ninh kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và sự bất ổn có thể còn kéo dài sang cả năm 2021. Trong đó, một năm mới được dự báo sẽ chứng kiến các điều chỉnh chiến lược và chính sách của các cường quốc thế giới nhằm mục tiêu tự bảo vệ.
Yếu tố lớn và chi phối xuyên suốt nhất trong năm 2020 đối với an ninh kinh tế toàn cầu sẽ vẫn là cuộc chiến giành vị trí số 1 trong trật tự thế giới mới, giữa tham vọng “Ngôi vị số 1 thế giới của Trung Quốc vào năm 2035” và chiến lược “Nước Mỹ trên hết”. Bởi vậy, với các kịch bản rất khó đoán, kinh tế thế giới 2020 khó có thể bình yên.
Ở kịch bản dễ thở nhất, thương chiến Mỹ - Trung sẽ được kiểm soát. Sau khi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết, đàm phán giai đoạn 2 được kỳ vọng có thể xoa dịu các bất đồng mang tính cốt lõi. Kết quả đàm phán giai đoạn 2 dù mịt mù, nhưng ít ra, giới đầu tư và người tiêu dùng được củng cố thêm lòng tin, giúp thúc đẩy triển vọng kinh tế toàn cầu.
Nếu kịch bản trên không xảy ra, mọi thứ có thể sẽ tồi tệ hơn, mà theo cảnh báo của IMF là “giai đoạn giảm tốc đồng bộ”. Bởi ngay cả khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ký thỏa thuận sơ bộ, nguy cơ bất ổn vẫn còn nguyên, khi nhiều rào cản, biện pháp bảo hộ khác vẫn có thể được dựng lên và thực thi, đặc biệt là ở một số ngành then chốt và nhạy cảm.
Thương chiến Mỹ - Trung trong các kịch bản khác có thể biến tướng thành chiến tranh công nghệ, hay chiến tranh hỗn hợp... Khi đó, thỏa thuận giai đoạn 1 chỉ có ý nghĩa đình chiến để chuẩn bị cho cuộc đấu mới, mà hậu quả chắc chắn sẽ tồi tệ hơn. Thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ sẽ cản trở đầu tư nước ngoài và các chuỗi giá trị toàn cầu, nguy hiểm hơn khi các công cụ quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao... được viện tới.
Nhìn về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, giới chuyên gia Phố Wall đang chuẩn bị cho trường hợp ông Trump tái đắc cử. Ở nhiệm kỳ thứ hai, nhiều người tin rằng, Tổng thống Trump có thể sẽ nhắm tới các tổ chức thương mại đa phương toàn cầu, gây thêm áp lực cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong điều hành chính sách tiền tệ và mạnh tay hơn với các đối tác bị cho là gây nên sự “không công bằng” cho nước Mỹ.
Và trên thực tế, đến nay, thỏa thuận Mỹ - Trung giai đoạn 1 dù là thông tin tốt lành, nhưng chưa đủ để xóa bỏ tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại đối với kinh tế toàn cầu. Mà theo Tổng Giám đốc IMF Kristalia Georgieva, điều cần thiết hiện nay là “hòa bình thương mại”, chứ không phải là “đình chiến thương mại”, để thương mại có thể quay trở lại đúng vai trò là động lực kinh tế thế giới”.
| Nguyên nhân khiến Bắc Kinh 'im hơi lặng tiếng' về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 TGVN. Những cách tiếp cận mà giới chức Mỹ và Trung Quốc áp dụng trong việc đạt được một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ... |
| Kinh tế giảm tốc, Mỹ có nguy cơ phải đối mặt với một chặng đường chông gai TGVN. Nền kinh tế Mỹ khép lại năm 2019 với mức tăng trưởng được duy trì ở tốc độ vừa phải, nhờ sự hỗ trợ của ... |
| Mỹ - Trung sẽ ký thỏa thuận thương mại TGVN. Ngày 24/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tổ chức lễ ký kết thỏa thuận thương mại ... |