Nhiều nước kêu gọi công dân hạn chế đến Trung Quốc. (Nguồn: TASS) |
Tính đến nay, trên thế giới đã có khoảng 25 quốc gia và vùng lãnh thổ bị lây nhiễm. Tính đến hết ngày 1/2, Trung Quốc có tổng cộng 14.411 ca nhiễm bệnh, tăng 2.590 người so với trước đó một ngày, trong đó 304 người đã tử vong do dịch virus corona. Đến sáng 2/2, số ca tử vong tăng lên 305 trường hợp, trong đó 304 ca ở Trung Quốc và 1 ca ở Philippines.
Tỉnh Hồ Bắc, trung tâm của dịch bệnh, đang bị cách ly để phòng dịch, với đường sá bị phong tỏa và giao thông công cộng ngừng hoạt động. Còn tại nhiều nơi khác ở Trung Quốc, chính quyền đã hạn chế các hoạt động kinh doanh và du lịch.
Hạn chế xuất nhập cảnh
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/1 đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp của dịch bệnh mà cả thế giới quan tâm ứng phó, nhưng nói rằng các hạn chế thương mại và du lịch toàn cầu là không cần thiết. Tuy nhiên, Singapore và Mỹ ngày 31/1 đã loan báo các biện pháp hạn chế người nước ngoài gần đây đã ở Trung Quốc vào lãnh thổ của họ.
Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi người dân tránh đến Trung Quốc hoặc hồi hương về Mỹ trong giai đoạn có dịch này. Biện pháp mới là kể từ tối 2/2, Washington cấm những người không phải là công dân Mỹ, đã ở Trung Quốc 14 ngày qua, nhập cảnh vào Mỹ. Còn nếu là công dân Mỹ, hành khách sẽ bị cách ly 14 ngày để được theo dõi tình trạng sức khỏe.
Ở Australia, Thủ tướng Scott Morrison cho biết nước này sẽ từ chối cho người nước ngoài đến từ Trung Quốc đại lục nhập cảnh bắt đầu từ ngày 1/2. Hai hãng hàng không Qantas Airways và Air New Zealand cho biết lệnh cấm du lịch buộc họ phải tạm dừng các chuyến bay thẳng đến Trung Quốc từ ngày 9/2. Ba hãng hàng không lớn của Mỹ ngày 31/1 thông báo họ sẽ hủy các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục.
Singapore và Mông Cổ tại châu Á, Italy ở châu Âu cũng ban hành biện pháp tương tự đối với hành khách không phải là công dân bản địa. Việt Nam, một nước láng giềng của Trung Quốc, chiều ngày 1/2 thông báo các hãng hàng không Việt Nam ngưng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.
Ngày 30/1, tân Thủ tướng Nga Mikhaïl Mischoustine thông báo đóng cửa các biên giới trên bộ với Trung Quốc. Hiện còn nhiều người lao động và du khách Trung Quốc vẫn đang ở trên lãnh thổ Nga.
Truyền thông Nga đưa tin Nga có hơn 4.000 km đường biên giới với Trung Quốc và biện pháp này sẽ có liên quan đến tổng cộng 5 vùng, đặc biệt ở Siberia và vùng Viễn Đông Nga. Chính phủ Nga nói rằng biện pháp có hiệu lực ngày 30/1 này sẽ mang tính tạm thời, nhưng không cho biết là đến khi nào. Bên cạnh đó, công dân Trung Quốc sẽ không thể xin visa điện tử để đến các tỉnh vùng Viễn Đông, thành phố Saint Petersburg, và vùng Kaliningrad.
Nhiều nước thuê bao máy bay để hồi hương công dân của họ. Hàng trăm người Hàn Quốc trở về nhà trên một chuyến bay thuê bao từ Trung Quốc vào ngày 31/1. 360 người Hàn Quốc được chở đến hai cơ sở tại thành phố Asan và Jincheon, cách thủ đô Seoul 80 km về phía Nam để được cách ly.
Cũng trong ngày 31/1, chuyến bay thuê bao thứ ba chở người Nhật Bản từ Vũ Hán trở về, nâng số người Nhật rời Trung Quốc về nước lên đến 565 người. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói Nhật Bản đang dàn xếp để đưa về nước tất cả công dân Nhật muốn từ Vũ Hán và những khu vực xung quanh trở về, nhưng chuyến bay thứ tư có phần chắc sẽ không được phái đi trong tuần này.
Một chiếc máy bay chở 83 người Anh và 27 công dân Liên hiệp châu Âu từ Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, đã đáp xuống Anh ngày 31/1. Những người Anh trở về sẽ được cách ly trong 14 ngày tại một cơ sở của Cơ quan Y tế Quốc gia ở Tây Bắc nước Anh.
Kazakhstan đã yêu cầu Bắc Kinh cho phép 98 sinh viên của họ rời khỏi Vũ Hán. Đức sắp di tản 90 công dân khỏi khu vực Vũ Hán. Chính phủ Tây Ban Nha và Hà Lan đang làm việc với Trung Quốc và Liên minh châu Âu để di tản công dân nước này.
Australia sẽ giúp một số công dân rời khỏi Hồ Bắc và cách ly họ trên đảo Christmas. Thủ tướng Scott Morrison không cho biết trong số 600 công dân Australia có tên ở Hồ Bắc sẽ có bao nhiêu người được hỗ trợ. Ông nói thêm là Australia cũng sẽ làm việc để giúp công dân New Zealand và công dân của đảo Thái Bình Dương.
Indonesia đang chuẩn bị di tản công dân khỏi Vũ Hán và sẽ cách ly những người này ít nhất 14 ngày khi họ trở về. Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi nói chính phủ đang làm việc với nhà cầm quyền Bắc Kinh về chuyện di tản. Bà cho biết có ít nhất 243 người Indonesia trong khu vực bị phong tỏa, đa số tại Vũ Hán.
Hỗ trợ Trung Quốc khống chế dịch
Trước tình trạng “bế quan tỏa cảng” của các nước, đặc biệt là của châu Á và Mỹ, chính quyền Trung Quốc khuyến cáo tránh “hành động hoảng hốt vô ích và các biện pháp quá đáng”. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh chỉ trích “các lời nói và hành động của một số quan chức Mỹ là không có cơ sở và không đúng với thực tế”.
Trung Quốc đang nỗ lực khống chế dịch. (Nguồn: En24) |
Sau khi Trung Quốc đề nghị hỗ trợ cho cuộc chiến chống chủng virus corona mới, Trung tâm Điều phối trong tình huống khẩn cấp (ERCC) thuộc Ủy ban châu Âu đã thông báo tới các nước thành viên EU và sau đó đã tiếp nhận được tổng cộng 12 tấn đồ bảo hộ y tế. Hiện số hàng này đã được vận chuyển tới Trung Quốc.
Trước đó, Đức đã chuyển 10.000 bộ trang phục bảo hộ y tế tới thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, để hỗ trợ lực lượng chức năng nước này trong quá trình triển khai, ứng phó với chủng mới của virus Corona ở vùng tâm dịch.