📞

Khó tiên lượng khả năng trả nợ của Hy Lạp

19:24 | 11/02/2015
Kết thúc chuyến công du châu Âu mà không đạt kết quả như mong muốn, Thủ tướng và Bộtrưởng Tài chính Hy Lạp đã chưa thể thuyết phục giảm nhẹ gánh nặng nợ cho đất nước. Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE) đã ngừng cấp thêm tiền cho các ngân hàng Hy Lạp kể từ 11/2, Đức từ chối đàm phán lại nợ của Hy Lạp. Thị trường chứng khoán Hy Lạp đã mất hơn 9,4% ngay mở đầu phiên giao dịch sáng nay, nhất là cổ phiếu của các Ngân hàng nước này bị sụt giá mạnh từ 12-14%.
Chính phủ mới của Hy Lạp đang nỗ lực vận động giảm gánh nặng nợ.

Gánh nặng nợ

Hiện tổng nợ công của Hy Lạp đã lên tới trên 320 tỷ Euro, tương đương 175% GDP (nợIMF 32 tỷ Euro, Cơ chế bình ổn châu Âu (MES) 141,8 tỷ Euro, BCE 27 tỷ Euro, Đức 55 tỷ Euro, Pháp 44 tỷ Euro, Italy 40 tỷ Euro…). Từ 11/2010, Hy Lạp buộc phải rời thị trường vốn vì lãi suất cao và phải cầu cứu châu Âu. Theo yêu cầu do bộba chủ nợ (Troika) gồm BCE, IMF và EC đưa ra, Hy Lạp phải chấp nhận cải cách kinh tế và thắt lưng buộc bụng để đổi lại chương trình cứu trợ trị giá 240 tỷ Euro từ châu Âu. Cuối năm 2011, Eurozone đã buộc phải tái cơ cấu lại nợ tư nhân của Hy Lạp, theo đó các chủ nợ tư nhân phải chấp nhận mất từ 50%-70% giá trị trái phiếu kho bạc Hy Lạp giữ (115 tỷ Euro).

Nhận cứu trợ, nợ công của Hy Lạp tăng nhanh, từ 130% GDP năm 2009 lên 175% GDP năm 2014, GDP quay lại mức của năm 2004, thất nghiệp lên tới 27%... Áp lực trả nợ đè nặng lên ngân sách, khiến chính phủ không còn tiền để chi cho tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện chính sách xã hội. Riêng trong năm 2015, Hy Lạp sẽ phải trả 31 tỷ nợ đến hạn trong đó của IMF 9 tỷ, BCE 7 tỷ, các Ngân hàng Hy Lạp 15 tỷ.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, châu Âu đã khá ưu ái đối với Hy Lạp. Tổng chi phí trả nợ của Hy Lạp chỉ chiếm 2,6% GDP, thấp hơn của Bồ Đào Nha 5%, Italy 4,7%, Ai Len 4,1%, gần bằng mức của Pháp 2,2% GDP và Đức 1,9% GDP. Hy Lạp không phải trả lãi cho khoản nợ 141,8 tỷ Euro của MES. Năm 2012, eurozone đã ân hạn cho Hy Lạp thêm 10 năm không phải trả lãi (2013-2023), kéo dài thời gian cho vay đến 32 năm. Mãi đến năm 2023, Hy Lạp mới phải trả lãi và cũng chỉ đúng bằng lãi suất mà MES đi vay (trung bình 1,5%). Theo tính toán, những ưu đãi này tương đương với một khoản viện trợ không hoàn lại 8,6 tỷ Euro, tức là 4,7% GDP của Hy Lạp, và nước này chỉ phải trả gốc vào năm 2045.

Việc xóa nợ cho Hy Lạp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách quốc gia các nước châu Âu, trong đó có cả những nước nghèo hơn cũng phải cho Hy Lạp vay (Bồ Đào Nha, Slovakia, Lettonia) và dư luận đều bất bình vì chính quyền Hy Lạp hoạt động không hiệu quả, để thất thu thuế trong thời gian dài, nạn tham nhũng, quan liêu và chi tiêu sai định hướng (ưu tiên chi cho quân sự hơn chi cho y tế)…

Đàm phán tái cơ cấu lại nợ công

Chính phủ mới của Đảng cánh tả cấp tiến Syriza không yêu cầu xóa nợ mà chỉ muốn chấm dứt chương trình cứu trợ hiện nay để đàm phán trực tiếp với các chủ nợ châu Âu (không đàm phán với Troika) về một chương trình mới, thực tế hơn, khả thi hơn: thay nợ bằng các loại trái phiếu mà lãi được gắn với tăng trưởng kinh tế và trái phiếu vĩnh cửu. Hiện tại, đa phần các nước châu Âu đều đồng ý tái cơ cấu lại nợ để tránh việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone, nhưng không nước nào đồng ý xóa nợ cho Hy Lạp, chỉ ưu tiên giữ chương trình hiện nay, trong đó sẽ xem xét việc giãn nợ và giảm lãi suất.

Pháp, Italy đều đồng ý cần thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm. Tổng thống Pháp nhất trí các biện pháp thắt lưng buộc bụng hiện nay đã vượt quá sức chịu đựng của người dân Hy Lạp. Ghi nhận thiện chí của Hy Lạp muốn ở lại Eurozone, Pháp muốnđối thoại, sẵn sàng kêu gọi các công ty Pháp đầu tư vào Hy Lạp, chia sẻ kinh nghiệm cải cách thuế, tổ chức bộ máy và cải cách nhà nước nhưng nhấn mạnh Hy Lạp cần phải tuân thủ các quy tắc của EU.

BCEđang trong bối cảnh sắp thực hiện gói nới lỏng định lượng, mua lại nợ quốc gia trị giá 60 tỷ Euro/tháng, tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn, không xóa nợ,ngừng rót tiền cho các ngân hàng Hy Lạp vì Hy Lạp không đạt được thỏa thuận với các đối tác. Đức là nước duy nhất không chấp nhận mọi hình thức đàm phán lại nợcủa Hy Lạp và kiên quyết bảo vệ chính sách thắt lưng buộc bụng. Với việc Đức, chủ nợ song phương lớn nhất và là nước có ảnh hưởng quan trọng đối với BCE và EU, không đồng ý đàm phán lại nợ khiến cho khả năng giải quyết nợ của Hy Lạp trong thời gian tới trở nên khó tiên lượng.

P.V (Theo ĐSQVN tại Pháp)