Hội nghị Bộ trưởng GCTF diễn ra bên lề Khóa họp 77 ĐHĐ LHQ. (Nguồn: Sada ElBalad English) |
Chống khủng bố, củng cố niềm tin vào chủ nghĩa đa phương
Ngày 21/9, Liên minh châu Âu (EU) đã tiếp quản cương vị đồng Chủ tịch Diễn đàn Chống khủng bố toàn cầu (GCTF) trong hai năm tới.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell chính thức tiếp nhận cương vị này từ Canada tại Hội nghị Bộ trưởng GCTF diễn ra bên lề Khóa họp 77 ĐHĐ LHQ.
Trên cương vị này, EU sẽ hợp tác chặt chẽ với đồng Chủ tịch GCTF Morroco cho đến tháng 3/2023 và sau đó là với Ai Cập. EU sẽ cùng các đối tác dẫn dắt GCTF thúc đẩy lĩnh vực phòng chống khủng bố quốc tế và củng cố niềm tin vào chủ nghĩa đa phương. Bên cạnh đó, EU chú trọng đảm bảo quyền con người, tôn trọng pháp quyền và bình đẳng giới, mở rộng ảnh hưởng của GCTF trên toàn thế giới.
Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng GCTF, ông Borrell đã công bố khoản đóng góp của EU bổ sung 18 triệu Euro cho Quỹ Hỗ trợ và Gắn kết cộng đồng toàn cầu (GCERF), trở thành thành viên đóng góp chính trong tổng số 30,5 triệu Euro dành cho Quỹ.
Cùng với quỹ của các đối tác lớn như Mỹ, GCERF sẽ hỗ trợ triển khai những chương trình cụ thể giúp các cộng đồng đang gặp rủi ro trên thế giới đối phó với chủ nghĩa cực đoan.
GCTF được thành lập năm 2011 với vai trò là một diễn đàn đa phương và có 30 thành viên. Diễn đàn cho phép các nhà hoạch định chính sách và các nhà hành pháp chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn, phát triển các công cụ và chiến lược để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực cũng như các mối đe dọa khủng bố.
Giải quyết mối quan tâm của châu Phi
Cũng trong ngày 21/9, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nêu rõ Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27), dự kiến diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập vào tháng 11 tới, sẽ giải quyết các mối quan tâm của châu Phi về khí hậu, bao gồm việc thực hiện các cam kết về khí hậu.
Ngoại trưởng Shoukry, người được chỉ địch là Chủ tịch COP27, đưa ra phát biểu trên tại cuộc họp của Ủy ban các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ châu Phi về biến đổi khí hậu (CAHOSCC), bên lề Khóa họp 77 ĐHĐ LHQ.
Ông nhấn mạnh COP27 cũng sẽ giải quyết các mối quan tâm khác của châu Phi về khí hậu, bao gồm cả quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, cũng như việc cung cấp nguồn tài chính khí hậu thỏa đáng cho các nước đang phát triển.
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry. (Nguồn: Ahram Online) |
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ai Cập nói thêm Hội nghị COP27, sự kiện toàn cầu về khí hậu lần đầu tiên được tổ chức tại châu Phi, sẽ theo đuổi một cách tiếp cận toàn diện để đảm bảo sự tham gia hiệu quả của tất cả các bên liên quan trong hành động khí hậu quốc tế, trong đó có khu vực tư nhân và xã hội. Ông cũng lưu ý châu Phi đang kỳ vọng vào CAHOSCC để tăng cường hành động của châu Phi liên quan đến biến đổi khí hậu.
Trong một diễn biến khác, phát biểu nhân Tuần lễ Khí hậu New York 2022, diễn ra tại New York (Mỹ) từ ngày 19-25/9, Đại diện cấp cao về biến đổi khí hậu của LHQ tại Ai Cập, ông Mahmoud Mohieldin cho biết các nước phát triển vẫn chưa thực hiện cam kết mà họ đưa ra tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ ở Copenhagen (Đan Mạch) nhằm tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho hành động khí hậu tại các quốc gia đang phát triển, mặc dù số tiền này, ngay cả khi được cấp đầy đủ, chỉ chiếm không quá 3% nguồn tài chính cần thiết cho hành động khí hậu.
Tại Hội nghị COP15, diễn ra ở Copenhagen cách đây 13 năm, các nền kinh tế tiên tiến đã cam kết 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nền kinh tế đang phát triển đáp ứng các mục tiêu về hành động khí hậu. Cam kết đã được Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 xác nhận và có hiệu lực một năm sau đó, với mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Nhấn mạnh vai trò khu vực tư nhân
Trong thông điệp qua video gửi tới Diễn đàn kinh doanh về phát triển bền vững lần thứ 7 bên lề Khóa họp 77 ĐHĐ LHQ ngày 21/9, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã nêu bật vai trò quan trọng của khu vực tư nhân, đồng thời hoan nghênh nỗ lực của ban tổ chức nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc đạt được Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Theo ông, thế giới đang phải vật lộn với nhiều cuộc khủng hoảng, trong đó có xung đột, biến đổi khí hậu và dịch Covid-19. Đời sống và sinh kế của người dân chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thời tiết cực đoan, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát phi mã và xu hướng bất bình đẳng ngày càng tăng.
Trước tình hình này, ông Guterres nhấn mạnh thế giới cần phải hành động ngay lập tức và khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tạo cơ hội cho thanh niên và phụ nữ, thúc đẩy mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái đất ở ngưỡng 1,5 độ C. Tổng Thư ký LHQ kêu gọi thế giới chung tay xây dựng các doanh nghiệp, nền kinh tế và xã hội thịnh vượng và có khả năng phục hồi tốt.
Song song các hoạt động trong khuôn khổ đa phương, bên lề Khóa họp 77 ĐHĐ LHQ, lãnh đạo nhiều cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Pháp đã tiến hành các cuộc hội đàm song phương riêng rẽ. Trong cuộc hội đàm Mỹ-Pháp, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận các vấn đề liên quan đến Ukraine cũng như các nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, hợp tác ở khu vực Thái Bình Dương… Tại cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố và hiện đại hóa liên minh an ninh của hai nước. Về phần mình, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã hoan nghênh lời kêu gọi của Tổng thống Biden về việc cải tổ LHQ. |