📞

Khoa học, kỹ lưỡng trong công tác nhân sự

ThS. Phan Thị Hồng 12:51 | 02/05/2024
Công tác cán bộ được Đảng xác định là khâu “then chốt”; là vấn đề mà nhân dân, dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Việc lựa chọn, bố trí nhân sự vì thế luôn được các thế lực thù địch lợi dụng để đưa ra đồn đoán, xuyên tạc với những thông tin xuyên tạc.
Việc lựa chọn, bố trí nhân sự luôn được các thế lực thù địch lợi dụng để đưa ra đồn đoán, xuyên tạc với những thông tin xuyên tạc. (Ảnh minh họa)

Nhận diện hoạt động chống phá

Gần đây, lợi dụng sự thay đổi về nhân sự của Đảng, các tổ chức phản động như Việt Tân, VOA tiếng Việt, Đài Á châu tự do (RFA), Chân trời mới Media… đồng loạt đăng tải các bài viết chống phá Đảng, đặc biệt là công tác tổ chức cán bộ.

Ngày 20/3/2024, trên trang Facebook của Việt Tân đăng tải các bài viết với nội dung xuyên tạc công tác nhân sự của Đảng là cuộc “đấu đá nội bộ, thanh trừng phe phái, triệt hạ lẫn nhau”; “không bảo đảm dân chủ”, “không thể lựa chọn” được người đủ năng lực và đạo đức để lãnh đạo đất nước. Chân trời mới Media rêu rao rằng “Đa số người dân không còn màng đến các cuộc đấu đá trong nội bộ Đảng”.

Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân phản động, cực đoan như VOA tiếng Việt, RFA, BPSOS, Nguyễn Văn Đài... cũng ra sức tuyên truyền xuyên tạc công tác nhân sự của Đảng là mất dân chủ; ca ngợi nền dân chủ phương Tây; cổ xúy tư tưởng đa đảng, kích động người người dân biểu tích chống phá chế độ.

Không khó để nhận thấy thủ đoạn lặp đi lặp lại các thông tin bịa đặt, những “câu chuyện nhân sự” nhằm câu “view”, câu “like”, giật tít giật gân, lập lờ đánh lận con đen, thu hút sự quan tâm, theo dõi dư luận để phục vụ cho mưu đồ chống phá.

Họ triệt để khai thác các tính năng của mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram… với độ tương tác rộng, chia sẻ nhanh chóng, dễ tiếp cận người dùng để đăng tải, chia sẻ những thông tin, luận điệu lệch lạc. Chúng tiến hành livetream, thảo luận về công tác nhân sự của Đảng; cài cắm thông tin xấu độc với thông tin chính thống hòng tạo ra sự nhiễu loạn, làm cho người dùng khó phân biệt đâu là “thật-giả”, “đúng-sai”.

Lợi dụng vi phạm của một số cán bộ, trong đó cán bộ cấp cao bị xử lý kỉ luật; một số cán bộ xin thôi giữ các chức vụ trong Đảng, bộ máy Nhà nước, số đối tượng phản động, cơ hội chính trị quy kết lựa chọn cán bộ “không đủ tiêu chuẩn”, xuyên tạc công tác nhân sự là “sự áp đặt từ trên xuống”, “sai ngay từ đầu”, là “hình thức, không thực chất”.

Đối tượng mà các thế lực thù địch hướng đến là một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân có nhận thức, hiểu biết chính trị hạn chế, nhằm kích động tâm lý hoài nghi từ đó lôi kéo người dân hình thành tư tưởng chống đối. Tuy nhiên, cũng đã có một số nhóm người tin vào thông tin đó, có những phát ngôn thiếu ý thức xây dựng, thậm chí a dua, hùa theo.

Mục đích của các thế lực thù địch là gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, thao túng tâm lý một bộ quần quần chúng nhân dân, làm giảm niềm tin với Đảng; hạ bệ uy tín, dần phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, xóa bỏ chế độ ở nước ta hiện nay.

Mặc dù những âm mưu, thủ đoạn này không mới, nhưng hết sức thâm độc, xảo quyệt, tinh vi nếu không hiểu về công tác nhân sự của Đảng, không có chính kiến và “sức đề kháng” trước “vi rút” tin giả, xấu độc, sẽ vô hình trở thành “con tốt”, “quân bài” của các thế lực thù địch.

Phát biểu tại Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo “Các phần tử xấu, cơ hội, thù địch cũng nhân dịp này tìm mọi cách xuyên tạc, tung tin, tác động, chia rẽ nội bộ ta hòng phá hoại công tác nhân sự nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung của chúng ta, rất thâm độc và nguy hiểm”.

Khoa học, kỹ lưỡng trong công tác nhân sự

Trong quá trình tự xây dựng, tự chỉnh đốn, Đảng ta luôn quan tâm, chú trong đến công tác cán bộ. Trong đó, công tác nhân sự là một bộ phận quan trọng, được thực hiện ở những thời điểm có tính quyết định, có ý nghĩa đặc biệt, đôi khi liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự phát triển của đất nước.

Do vậy công tác tuyển chọn cán bộ của Đảng, Nhà nước luôn được tiến hành một cách khoa học, kỹ lưỡng và theo quy trình nghiêm ngặt với những tiêu chuẩn cao về phẩm chất, đạo đức, năng lực và uy tín để có thể đáp ứng yêu cầu công việc, gánh vác trọng trách xây dựng, phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ mục đích cao cả của công tác cán bộ, đó là “xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao xung quanh người đứng đầu để đủ sức gánh vác trọng trách vinh quang nhưng rất nặng nề của mình là lãnh đạo hoàn thành sứ mạng lịch sử, nhiệm vụ chính trị của mình, tổ chức toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức phấn đấu, vượt mọi khó khăn, gian khổ, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; đất nước ta ngày càng phát triển; nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với niềm tin yêu và sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân”.

Đảng ta chủ trương lựa chọn cán bộ, đảng viên xứng đáng, có đủ đức đủ tài để gánh vác nhiệm vụ cách mạng. Việc thay đổi công tác nhân sự của Đảng là cần tiến hành đúng thời điểm với phương châm cán bộ “có vào, có ra, có lên, có xuống” nhằm đáp ứng được yêu cầu của công việc, nhiệm vụ chính trị và phẩm chất đạo đức. Phương châm này đã được thực hiện trong nhiều năm gần đây, nhận được niềm tin, kỳ vọng rất lớn của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, sự thay đổi về nhân sự của các cấp, đặc biệt là những vị trí quan trọng, cơ yếu luôn là dịp để các thế lực phản động lợi dụng, vin vào chống phá một cách quyết liệt.

Thực tế công tác cán bộ đã bảo đảm được tính dân chủ, chặt chẽ, đồng bộ, khách quan, minh bạch; có nhiều nội dung đổi mới đối với từng nhóm chức danh; đồng thời, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu trong công tác giới thiệu, đề xuất và thẩm định nhân sự quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.

Đảng đã lựa chọn, tạo dựng nên đội ngũ cán bộ mang trong mình phẩm chất kiên trung với Đảng, tận hiếu với nước, với dân; xứng đáng là người “công bộc”, “đầy tớ” của nhân dân; có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nhiều cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hy sinh vì lợi ích chung, thích ứng với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đội ngũ cán bộ chiến lược, giữ vị trí quan trọng ở các cấp có năng lực, phẩm chất, uy tín, trình độ chuyên môn giỏi; có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Nhiều cán bộ là tấm gương sáng, tiêu biểu trong lời nói và hành động được cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu mến, học tập và noi theo.

Cán bộ trong quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đều phải được đào tạo qua 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ cấp chiến lược. Đại biểu dự Đại hội XIII đều là những cán bộ tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín được bầu chọn từ các cấp.

Để chuẩn bị cho Đại hội XIV, Đảng ta đã làm từ rất sớm, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII (ngày 8/10/2023) đã quyết định thành lập Tiểu ban Nhân sự do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng Tiểu ban với nhiệm vụ xây dựng Phương hướng công tác nhân sự, giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031...

Công tác lựa chọn cán bộ được tiến hành từng bước, theo quy trình khoa học, chặt chẽ, thận trọng, bài bản để chọn ra những hạt nhân tiêu biểu, có đủ phẩm chất, năng lực bầu vào các chức danh chủ chốt của Đảng; hoàn toàn không phải là một sự “sắp xếp hình thức”, “thanh trừng, đấu đá nội bộ” như sự suy đoán vô căn cứ, xuyên tạc của số đối tượng phản động, cơ hội chính trị.

Việc một số cán bộ được bầu vào các chức danh của cơ quan lãnh đạo của Đảng sau này trong quá trình công tác vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước đó là do cá nhân đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không thể đổ lỗi cho công tác nhân sự “sai ngay từ đầu” như những gì các thế lực thù địch rêu rao, xuyên tạc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng chủ trì phiên họp của Tiểu ban, ngày 13/3. (Nguồn: TTXVN)

Phát biểu tại Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo “Các phần tử xấu, cơ hội, thù địch cũng nhân dịp này tìm mọi cách xuyên tạc, tung tin, tác động, chia rẽ nội bộ ta hòng phá hoại công tác nhân sự nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung của chúng ta, rất thâm độc và nguy hiểm”. Để ngăn chặn, đấu tranh với những thông tin sai trái, xuyên tạc công tác cán bộ, lựa chọn nhân sự của Đảng, Nhà nước, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, phát huy vai trò của cơ quan chức năng, truyền thông, báo chí trong tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ. Kịp thời, chủ động cung cấp thông tin chính thống, chính xác định hướng dư luận, nhất là trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, những vấn đề xã hội quan tâm, đáp ứng nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân theo quy định, tránh để thông tin giả, thông tin không chính thống lan truyền trên mạng xã hội; chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thiết lập và sử dụng nhiều diễn đàn trên mạng xã hội để tuyên truyền, phản bác, loại bỏ các thông tin sai lệch, vô căn cứ.

Hai là, cần có biện pháp phát huy quyền và trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ; coi trọng công tác giáo dục tư tưởng, rèn luyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý “vừa hồng, vừa chuyên”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực công tác tốt, dân chủ, khoa học; kiểm soát tốt quyền lực trong công tác cán bộ. Đề cao vai trò nêu gương của người cán bộ nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; trách nhiệm càng cao càng phải gương mẫu, nêu gương mọi lúc, mọi nơi, từ suy nghĩ cho đến hành động. Từ đó, hạn chế, tiến tới triệt tiêu cơ hội các thế lực thù địch lợi dụng sai phạm của cán bộ, đảng viên để xuyên tạc, chống phá.

Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác, tự đề kháng; không tiếp tay, không lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng. Cần phải chọn lọc thông tin chính thống, phân tích đúng sai, tránh a dua theo những thông tin xuyên tạc, bịa đặt; kiên quyết đấu tranh đẩy lùi mọi ý đồ xuyên tạc, vu khống của số đối tượng xấu.

Bốn là, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn việc tán phát những thông tin giả, tin sai sự thật và xử lý nghiêm minh các trường hợp đưa tin giả, tin sai sự thật theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4/8/2017, Bộ Chính trị ban hành về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, để trở thành lãnh đạo, quản lý ở các vị trí khác nhau, cán bộ phải đáp ứng đầy đủ 05 tiêu chuẩn chính bao gồm: chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; trình độ; năng lực, uy tín và sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm.