VAST được thành lập năm 1975, là tổ chức đầu tàu trong hệ thống khoa học và công nghệ (KHCN) quốc gia. Viện đi đầu cả nước trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao như toán học, vật lý, công nghệ nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới, vệ tinh viễn thám, công nghệ vũ trụ…; đồng thời đào tạo nhân lực trình độ cao cho đất nước.
Viện có 52 đầu mối, hơn 4.000 cán bộ viên chức, trong đó có gần 220 giáo sư và phó giáo sư, 840 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học. Hiện nay, Viện duy trì hợp tác với 19 viện hàn lâm nổi tiếng trên thế giới. Đặc biệt về công nghệ vũ trụ, Viện đã triển khai hợp tác với các cơ quan hàng không lớn trên thế giới như Cơ quan Hàng không quốc gia Hoa Kỳ (NASA), Cơ quan Hàng không Pháp (CNES), Cơ quan Hàng không vũ trụ Liên bang Nga (ROSCOSMOS).
Thủ tướng tin tưởng rằng sứ mệnh lớn nhất của VAST trước hết là làm sao không để trí tuệ và nền khoa học Việt Nam thua kém trên sân nhà. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu) |
Năm 2016, Viện công bố trên 2.000 công trình khoa học. Trong gần 1.000 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế thì có trên 740 công trình đăng trên các tạp chí uy tín đạt chuẩn ISI, số lượng đứng đầu cả nước.
Năm nay, Viện đã thực hiện 1.070 hợp đồng KHCN với kinh phí trên 233 tỷ đồng, trong đó gần 850 hợp đồng là đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Viện cũng có 9 công nghệ đã được chuyển giao vào sản xuất và đời sống thông qua các hợp đồng và công nghệ.
Biểu dương các kết quả mà VAST đã đạt được, Thủ tướng đánh giá, số nghiên cứu của Viện được đăng trên các tạp chí quốc tế tăng từ 15-20% là sự tiến bộ lớn. Viện đã chủ trì nghiên cứu xác định nguyên nhân cá chết tại các tỉnh miền Trung, xác định cơ sở khoa học góp phần chứng minh các sai phạm của Formosa Hà Tĩnh. Nhiều nghiên cứu đã đóng góp vào những vấn đề nóng, những sự cố ở các vùng miền, với đời sống kinh tế-xã hội.
Trong 30 năm đổi mới, các thế hệ nhà khoa học của Viện có nhiều đóng góp vào những thành tựu KHCN Việt Nam, đem về vinh quang cho Tổ quốc và nền khoa học nước nhà, trong đó, Thủ tướng nêu 3 nhà khoa học nổi tiếng của Viện là Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa; Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu; Giáo sư, Viện sĩ Đặng Vũ Minh.
Không để trí tuệ Việt Nam thua kém trên sân nhà
“Tôi tin tưởng rằng sứ mệnh lớn nhất của VAST trước hết là làm sao không để trí tuệ và nền khoa học Việt Nam thua kém trên sân nhà, để từ đó chúng ta có thể hội nhập vào chuỗi giá trị tri thức toàn cầu một cách chủ động với tinh thần khai phóng, phát huy cao độ lòng tự tôn dân tộc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Thủ tướng nêu rõ.
Vì vậy, đã đến lúc Viện cũng như các cơ quan nghiên cứu khoa học trên cả nước cần nhìn lại, suy ngẫm và hành động theo tinh thần, quan điểm nổi tiếng của một nhà lý luận, nhà khoa học với bề dày hoạt động thực tiễn, đó là cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật.
Trước các ý kiến cho rằng, nền khoa học Việt Nam vừa yếu, vừa thiếu, Thủ tướng nhấn mạnh, “điều đó đòi hỏi chúng ta nhìn thẳng vào các thành quả và các tác động thực tiễn của KHCN Việt Nam trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước”. “Thiếu ở đây chắc hẳn là thiếu thể chế, cơ chế quản lý phù hợp, thiếu vốn đầu tư chỉ là thứ yếu. Yếu ở đây chắc hẳn là có yếu tố con người, đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, các nhà kỹ thuật của chúng ta đông, nhưng các kết quả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng còn khiêm tốn, kể cả tư vấn chính sách”.
Việc nhiều nhà sản xuất đứng trước các vấn đề liên quan đến công nghệ, cải tiến thiết bị, chủ yếu là tìm đến các nhà sản xuất và đơn vị tư vấn nước ngoài là một thực tế cần suy nghĩ, là thách thức và yêu cầu mà các nhà khoa học cần khắc phục, rút kinh nghiệm.
Thủ tướng cho rằng, không ít đề tài nghiên cứu còn nặng tính lý thuyết, chỉ góp phần làm dày thêm các tủ lưu trữ tại các thư viện lớn. Nghiên cứu là cần thiết, nhưng không gắn với thực tế, không đáp ứng yêu cầu của thực tế thì tự mình thua trên sân nhà. Chúng ta cứ mải mê nghiên cứu những vấn đề cao siêu, mà không lưu ý những vấn đề đơn giản của thực tế để đứng nhìn các doanh nghiệp Việt Nam phải chi trả những khoản tiền lớn cho nước ngoài, cho những vấn đề mà không phải trong nước không giải quyết được.
“Các nhà khoa học Việt Nam có thể là các nhà khoa học tốt, nhưng chưa chắc là các nhà tư vấn tốt”, Thủ tướng bày tỏ. Đây là vấn đề cần thay đổi tư duy, kỹ năng và cả văn hóa làm việc để bắt kịp thực tế, cũng như thích ứng với cơ chế thị trường.
Bốn yêu cầu
Do vậy, thời gian tới, Thủ tướng nêu 4 yêu cầu đối với VAST.
Một là, song song với nghiên cứu khoa học cơ bản, cần dành thời gian, nguồn lực thỏa đáng để nghiên cứu áp dụng các thành tựu khoa học vào thực tiễn; phải tạo lên mối liên kết hữu cơ giữa nghiên cứu KHCN với sản xuất kinh doanh và khởi nghiệp, đồng thời giảm dần tình trạng các doanh nghiệp trong nước đang bỏ ra các chi phí lớn thuê các đơn vị tư vấn KHCN ở nước ngoài mỗi khi cần cải tiến hoặc sản xuất thiết bị và phụ tùng.
“Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, mà trước hết là thể chế cũng như là luật pháp, thì việc chúng ta dành nguồn lực này để áp dụng thực tiễn là rất quan trọng. Thể chế nào ràng buộc chúng ta chỗ này? Viện và các nhà khoa học có thể lo cho doanh nghiệp, lo cho khởi nghiệp nhiều hơn nữa trong nghiên cứu. Vì sao quan tâm cho doanh nghiệp như thế? Vì doanh nghiệp giải quyết lao động, tạo thu ngân sách, giải quyết việc làm, tăng GDP. Khoa học phải hướng theo hướng này để phục vụ sự phát triển”, Thủ tướng nêu rõ.
Hai là, KHCN cũng đã được Đảng, Nhà nước xác định là nền tảng, động lực phát triển đất nước. Nhưng đến nay, vai trò đó chưa được phát huy đúng với tiềm năng của người Việt Nam. Làm sao để thực hiện tốt chủ trương này, hướng đi ra sao, đầu tư như thế nào? Những điều này đòi hỏi Viện phải tiến hành các nghiên cứu định tính và định lượng, xây dựng đề xuất thích hợp với Chính phủ.
(Ảnh: VGP/Quang Hiếu) |
Thứ ba, về đào tạo, Viện không ngừng nỗ lực để khẳng định chất lượng đào tạo trong bối cảnh KHCN đang tác động nhanh chóng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội.
Thứ tư, Viện cũng cần tinh gọn bộ máy, áp dụng phương thức quản lý phù hợp để thu hút và giữ chân nhân tài, sáng tạo ra các sản phẩm và ý tưởng có tính ứng dụng cao, phục vụ người nông dân, cộng đồng doanh nghiệp, góp phần cụ thể, thiết thực vào sứ mệnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang đặt ra một cách cấp bách. “Nhiều khi tầng nấc hành chính cản trở sự phát triển, mà đây là cơ quan khoa học thì tổ chức, bộ máy càng cần khoa học hơn để phục vụ sự phát triển đó”, Thủ tướng chia sẻ.
… và 5 ‘đặt hàng’
Tại hội nghị này, Thủ tướng nêu 5 “đặt hàng” đối với VAST. Đó là, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, nhằm nâng cao giá trị và giảm lãng phí đất đai và tài nguyên quốc gia.
Đề xuất các giải pháp KHCN trong việc theo dõi kiểm soát và xử lý môi trường, cũng như khắc phục hậu quả và thích ứng tối ưu với các thách thức của biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu áp dụng KHCN trong việc sản xuất hàng hóa, chú trọng yếu tố thân thiện môi trường, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Áp dụng KHCN vào chế biến sâu, bảo quản lương thực, thực phẩm, mở rộng chuỗi giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam, nâng cấp vị thế của nền nông nghiệp Việt Nam ở nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành, lĩnh vực then chốt của quốc gia, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, sản xuất các dược liệu thế hệ mới, công nghệ nano…
Nhấn mạnh nhiệm vụ khởi nghiệp là quan trọng, Thủ tướng mong muốn từ những nghiên cứu, ý tưởng khoa học của VAST, sẽ có những nhà khởi nghiệp thành công ở trong nước và quốc tế. Ngay trong lòng của Viện cũng có các nhà khởi nghiệp xuất sắc.
Thủ tướng cũng đề nghị hai Viện Hàn lâm (về KHCN và Khoa học xã hội) cần phối hợp chặt chẽ, là đối tác tương tác, gần gũi như “răng với môi”, phải có sự tương tác, hỗ trợ để cùng phục vụ sự phát triển của kinh tế-xã hội đất nước, nhất là về những vấn đề xã hội bức xúc.
Cho biết, theo dự toán ngân sách 2017, VAST được ngân sách cấp 1.661 tỷ đồng, Thủ tướng mong muốn, từ nguồn ngân sách này, cùng với tinh thần yêu khoa học, lòng đam mê, nghiên cứu sáng tạo, tinh thần tự tôn dân tộc, “Chính phủ và nhân dân chúng ta kỳ vọng Viện cùng với các nhà khoa học sẽ vượt qua mọi khó khăn để nâng cao hàm lượng chất xám của nước Việt trên từng dây chuyền, trong từng sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, qua đó, khẳng định trí tuệ Việt Nam trên sân chơi toàn cầu trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.