Lãnh đạo Mỹ và Philippines thảo luận về Biển Đông bên lề Khóa họp 77 ĐHĐ LHQ. (Nguồn: AP) |
Hỗ trợ các vấn đề quan trọng ở Thái Bình Dương
Ngày 23/9, các nước tham gia sáng kiến Các đối tác ở Thái Bình Dương Xanh (PBP) đã nhất trí tăng cường hỗ trợ cho các quốc đảo Thái Bình Dương trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. PBP ra đời hồi tháng 6 vừa qua với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Anh, Australia và New Zealand.
Thỏa thuận trên đạt được khi ngoại trưởng các nước thành viên PBP tham dự cuộc họp đầu tiên do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ trì diễn ra ở New York (Mỹ), bên lề Khóa họp 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ).
Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết: "Chúng tôi đã nhất trí tăng cường hợp tác và hỗ trợ các quốc gia Thái Bình Dương". Trong khi đó, Điều phối viên về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell nhấn mạnh PBP nhằm mục đích mang lại cách tiếp cận tích cực để hỗ trợ các vấn đề quan trọng ở Thái Bình Dương.
Các quốc gia tham gia sáng kiến đã đưa ra 6 lĩnh vực trọng tâm trong việc hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương, như khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và ứng phó với thiên tai, cũng như bảo vệ môi trường.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết các lĩnh vực hợp tác cũng sẽ bao gồm cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông thông qua các dự án "giá cả phải chăng, an toàn, chất lượng cao, bền vững và minh bạch".
Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương vào tuần tới tại thủ đô Washington.
Thực hiện Sáng kiến Biển Đen
Cũng tại một sự kiện bên lề Khóa họp 77 ĐHĐ LHQ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã thảo luận về Sáng kiến Biển Đen, trong đó hai bên đều khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ thỏa thuận này.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết hai bên đã thảo luận việc thực hiện Sáng kiến Biển Đen ký kết hồi tháng 7 vừa qua nhằm loại bỏ những rào cản với hoạt động xuất khẩu các sản phẩm lương thực của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen và xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga. Tổng thư ký LHQ và Ngoại trưởng Nga đều nhất trí cần đảm bảo thực hiện đầy đủ thỏa thuận này.
Ngoài ra, hai bên còn thảo luận về quan hệ hợp tác giữa LHQ và Nga, các sáng kiến cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả của LHQ cũng như Ban thư ký tổ chức này. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh hai bên tái khẳng định cam kết chung trong việc duy trì vai trò điều phối trung tâm của LHQ.
Ngày 22/7 vừa qua, tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Nga và Ukraine đã ký các thỏa thuận, do Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ làm trung gian, theo đó đảm bảo tàu xuất khẩu nông sản được xuất phát từ các cảng của Ukraine trên Biển Đen và Nga cũng sẽ được đảm bảo vận chuyển lương thực và phân bón mà không đối mặt với các lệnh trừng phạt.
Mỹ, Philippines ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông
Trong cuộc hội đàm bên lề Khóa họp 77 ĐHĐ LHQ, ngày 22/9, lãnh đạo Mỹ và Philippines đã nhấn mạnh sự ủng hộ đối với tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông. Đây là lần gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Philippines Ferdinand Marcos.
Tuyên bố của Nhà Trắng sau hội đàm cho biết lãnh đạo 2 nước đã thảo luận về tình hình Biển Đông, đại dịch Covid-19 và năng lượng tái tạo.
Về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Biden và Tổng thống Marcos đều nhấn mạnh ủng hộ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, cũng như việc giải quyết hòa bình các tranh chấp tại khu vực này.
Trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đồng minh giữa hai bên. Tổng thống Biden nhắc lại cam kết của Washington về bảo đảm an ninh cho Philippines, trong khi Tổng thống Marcos đánh giá cao vai trò của Mỹ trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Ba Lan, Anh và Ukraine nhất trí tăng cường hợp tác ba bên
Bên lề Khóa họp 77 ĐHĐ LHQ, Ngoại trưởng ba nước gồm Ba Lan, Anh và Ukraine đã có cuộc gặp nhằm thảo luận về tăng cường hợp tác ba bên.
Tại cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau cùng những người đồng cấp Anh James Cleverly và Ukraine Dmytro Kuleba đã nhất trí cần làm sâu sắc hơn nữa hợp tác ba bên, trong đó có việc tăng cường khả năng phòng thủ và củng cố sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ba Lan và Anh là hai trong số các quốc gia hỗ trợ Ukraine cả về chính trị và quân sự trong cuộc xung đột hiện nay ở quốc gia Đông Âu này.