Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát lệnh khởi công dự án.
Nhà máy sản xuất gỗ ván ép MDF, HDF giai đoạn 1 có công suất 120.000 m3/năm và gỗ ván thanh, công suất 2.400 m3/năm, tổng vốn đầu tư 1.441 tỷ đồng.
Dây chuyền chính của Nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, tự động hóa ở mức cao nhằm bảo đảm sản phẩm xuất xưởng đạt chất lượng cao, giá thành hợp lý, bảo đảm các chỉ tiêu về môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, tiết kiệm tối đa nguyên liệu, nhiên liệu, điện năng.
(Ảnh: VGP/Thành Chung) |
Dự kiến Nhà máy sẽ đi vào sản xuất trong quý IV/2019.
Dự án nhằm phát huy lợi thế và khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu phía tây Hà Tĩnh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lâm sản cho người dân trong vùng; phù hợp với quy hoạch phát triển rừng sản xuất phục vụ chế biến lâm sản tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế về rừng, đất rừng sản xuất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn và miền núi; tăng giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa lâm nghiệp, góp phần tăng nguồn thu ngân sách tỉnh, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế lâm nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng sản phẩm chế biến sâu và xuất khẩu lâm sản.
Nhà máy sử dụng khoảng trên 110 lao động địa phương, đồng thời góp phần bảo đảm việc làm cho hàng trăm hộ gia đình có đất thuộc vùng nguyên liệu rộng 40.000 ha.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho biết sản phẩm gỗ ván ép sản xuất ở Vũ Quang có khả năng cạnh tranh với sản phẩm gỗ ván ép nhập ngoại. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đề nghị UBND huyện Vũ Quang tạo mọi điều kiện cho dự án triển khai thuận lợi, đề xuất với nhà đầu tư phương án tuyển dụng lao động trên địa bàn để đào tạo phục vụ dự án.
Ông Đặng Quốc Khánh cũng yêu cầu nhà đầu tư đề cao trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các hạng mục công trình theo quy hoạch được duyệt, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào hoạt động. Khi dự án hoạt động, phải làm tốt việc liên kết với người dân, đặc biệt là liên kết trồng rừng sản xuất. Bên cạnh đó, dự án phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư và ưu tiên sử dụng lao động địa phương, đặc biệt là nhân dân trong vùng.
Hiện nay việc đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất gỗ ván MDF, HDF, gỗ ván thanh phát triển mạnh ở Việt Nam, nhất là các khu vực có sẵn vùng nguyên liệu. Việc phát triển loại hình gỗ này góp phần khai thác hiệu quả các sản phẩm từ lâm nghiệp, giảm thiểu phụ thuộc vào việc khai thác và sử dụng gỗ, bảo vệ môi trường sinh thái.