Tham dự lễ khởi công có đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đại diện các nhà đầu tư Nhật Bản.
Lễ khởi công Khu công nghiệp diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 44 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Hình ảnh tại lễ khởi công. |
Khu công nghiệp Thăng Long-Vĩnh Phúc đặt tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, được xác định là một trọng tâm trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc, có diện tích 213 ha, được chia làm 2 giai đoạn với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 70,1 triệu USD. Tiến độ hoàn thành xây dựng hạ tầng và khu xử lý nước thải giai đoạn 1 của dự án là 18 tháng kể từ ngày giao đất và đến tháng 12/2024 hoàn thành toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ của khu công nghiệp.
Đây cũng là khu công nghiệp thứ 3 của Sumitomo tại Việt Nam, là dự án thứ 26 do các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Vĩnh Phúc, nâng tổng số vốn đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh này lên 795,8 triệu USD.
Khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động, dự kiến sẽ thu hút 79 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký khoảng 1,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 lao động. Các ngành nghề, lĩnh vực thu hút đầu tư là các ngành công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường; ưu tiên các dự án có công nghệ kỹ thuật cao như sản xuất các loại động cơ, công nghiệp phụ trợ; sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, sản xuất phụ kiện điện tử, linh kiện bán dẫn…
Để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc đã ứng 100% vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất sạch cho nhà đầu tư. Đây là cách làm mới, phù hợp với điều kiện của tỉnh, qua đó mang lại niềm tin, sự chia sẻ giữa chính quyền và nhà đầu tư. Chỉ trong một thời gian ngắn, thủ tục đầu tư được hoàn thiện nhanh chóng. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vượt tiến độ 6 tháng.
Tính đến hết tháng 8/2017, cả nước đã có 328 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên là 96.300 ha. Chỉ tính riêng trong 8 tháng năm 2017, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được được 638 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 10,6 tỷ USD. Cùng với đó là 520 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là hơn 132.000 tỷ đồng.
Riêng tại Vĩnh Phúc, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 18 khu công nghiệp, quy mô 5.228 ha và đã có 12 dự án phát triển hạ tầng tại 11 khu công nghiệp được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh cũng được triển khai tích cực, hiệu quả. Chỉ số "Cải cách hành chính" (PAR INDEX) năm 2016 tăng 29 bậc lên vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số "Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh" (PCI) liên tục nằm trong TOP 10 cả nước từ 2004 đến nay.
Với những giải pháp toàn diện, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm đến thành công của các nhà đầu tư, là điểm sáng trong thu hút đầu tư của cả nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ khởi công. |
Địa phương cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của chính quyền các cấp tỉnh Vĩnh Phúc và các nhà đầu tư trong việc triển khai nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, sớm đưa Khu công nghiệp Thăng Long-Vĩnh Phúc vào hoạt động.
Theo Phó Thủ tướng, để bảo đảm tăng trưởng một cách bền vững, toàn diện và bao trùm, tiếp tục phát triển công nghiệp là một động lực quan trọng, các cấp lãnh đạo, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc cần tiếp tục ưu tiên để cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh.
“Trước hết, rà soát lại chiến lược, quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, các khu đô thị, các sản phẩm, các ngành, lĩnh vực của tỉnh, gắn quy hoạch với tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc sản phẩm, tái cấu trúc nông nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Tỉnh cũng cần chủ động về quỹ đất cho đầu tư phát triển; tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch…
“Xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương; đúng quy định của pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp-dịch vụ tại địa phương.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
“Chính quyền phải đồng hành với doanh nghiệp, chủ động đến với doanh nghiệp, không bị động, vô cảm, ‘xin-cho’ với doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc đã ứng 100% vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất sạch cho nhà đầu tư. |
Xây khu công nghiệp cần quan tâm đời sống công nhân
Đối với Khu công nghiệp Thăng Long-Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng đề nghị trong quá trình xây dựng và hoạt động, chủ đầu tư, ban quản lý và mỗi doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định về môi trường, tuyệt đối không để xảy ra sự cố trong quá trình xây dựng, hoạt động sau này. “Tôi mong muốn trong tương lai, Khu công nghiệp Thăng Long-Vĩnh Phúc sẽ trở thành hình mẫu về bảo vệ môi trường”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư bố trí đủ vốn, bảo đảm tiến độ, an toàn, chất lượng xây dựng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp để kịp thời phát hiện, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng.
“Doanh nghiệp cần ưu tiên đào tạo, sử dụng lao động tại chỗ; quan tâm đến đời sống của người lao động, đặc biệt cần có các chính sách phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu chủ đầu tư và các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp cũng cần có sự gắn bó mật thiết với nhân dân địa phương, phối hợp cùng chính quyền bảo đảm an sinh, xã hội; là cầu nối quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam và của tỉnh Vĩnh Phúc ra thị trường Nhật Bản và quốc tế.
Phó Thủ tướng đề nghị chính quyền, nhân dân địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, để các doanh nghiệp ngày càng gắn bó và đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để Tập đoàn Sumitomo phát triển thêm những khu công nghiệp mới tại Việt Nam cũng như tỉnh Vĩnh Phúc.
“Chính phủ Việt Nam cam kết luôn đồng hành với các nhà đầu tư, coi thành công của doanh nghiệp là thành công của mình, đồng thời sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, ngày càng hấp dẫn cho doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng khẳng định.