Theo Sở Công Thương Quảng Ninh, 5 tháng đầu năm 2016 kim ngạch nhập khẩu đạt 890 triệu USD, tăng 5,4% cùng kỳ năm ngoái; trị giá hàng hoá tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan đạt 1,34 triệu USD, tăng 6% cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu giảm 1,6% so với cùng kỳ. Những con số trên cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn nhất định.
Xuất khẩu chủ lực gặp “hạn”
Kim ngạch xuất khẩu giảm là do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Trong đó, chủ yếu là do sự sụt giảm xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực như than, xăng dầu, hải sản đông lạnh… Giá và thuế suất xăng dầu giảm mạnh cũng tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Cụ thể, thuế suất ưu đãi đối với xăng từ 35% giảm xuống 20%, dầu D.O từ 30% giảm xuống 10%, dầu mazut từ 35% giảm xuống 10%... 5 tháng đầu năm, xuất khẩu xăng dầu giảm 29,8% so với cùng kỳ, chỉ đạt 5,75 triệu USD.
Hiện đại hoá công tác hải quan là một trong những nội dung trọng tâm được Quảng Ninh triển khai quyết liệt. (Nguồn: Quangninhport). |
Bên cạnh mặt hàng xăng dầu, than xuất khẩu cũng giảm rất mạnh do chính sách hạn chế xuất khẩu than của Nhà nước. Giá than của Việt Nam thường cao hơn giá than trên thị trường thế giới nên khó cạnh tranh. Hiện nước xuất khẩu than lớn như Indonesia, Australia, thuế xuất khẩu 0%, Trung Quốc 10%, Nga 5%, Mông Cổ 5-7%... Trong khi đó than xuất khẩu của Việt Nam chịu mức thuế suất 13% và chi phí sản xuất than của Vinacomin tăng mỗi năm từ 4-5% do điều kiện khai thác khó khăn đồng thời phải chịu nhiều loại thuế khác nhau. Điều này khiến cho kim ngạch xuất khẩu than 5 tháng giảm 80,5%, chỉ đạt 19,8 triệu USD.
Hàng chục cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, hội nghị kết nối với hàng trăm kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp được tỉnh Quảng Ninh giải quyết kịp thời đã thực sự là đòn bẩy, lực đỡ quan trọng để nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định, phát triển sản xuất. Trong đó, để hoạt động xuất khẩu phát triển bền vững, Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; hoàn thiện chính sách thương mại, tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa xuất khẩu; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ XNK hàng hóa và đẩy nhanh xã hội hóa dịch vụ logistics; đào tạo phát triển nguồn nhân lực...
Trong các giải pháp nêu trên, vai trò quyết định thuộc về nhóm giải pháp phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu đánh giá trên cơ sở khoa học để xác định rõ danh mục các mặt hàng xuất khẩu thực sự có tiềm năng, có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trong bối cảnh mới của thị trường thế giới nhằm định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục được chính quyền địa phương trợ giúp mạnh mẽ.
Cải cách từ “cửa” Hải quan
Cùng với việc tăng cường các hội nghị đối thoại để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, thì cải cách hiện đại hoá công tác Hải quan là một trong những nội dung trọng tâm được Quảng Ninh triển khai quyết liệt, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu.
Trước những tác động tiêu cực của tình hình kinh tế và chính sách thắt chặt biên mậu của Trung Quốc đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp XNK, Cục Hải quan Quảng Ninh đã tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết các thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho các doanh nghiệp. Theo đó, giai đoạn 2011-2015, Cục Hải quan tỉnh đã rà soát, đánh giá 8 nhóm thủ tục hành chính; 3 quy trình giám sát đặc thù tại khu vực cửa khẩu biên giới đường bộ; niêm yết công khai 182 thủ tục hành chính; xây dựng 184 văn bản tham mưu đề xuất với Lãnh đạo tỉnh những cơ chế quản lý phù hợp. Hải quan Quảng Ninh cũng đã triển khai thành công Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS); cơ chế một cửa quốc gia tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng biển Hòn Gai, Cẩm Phả, Vạn Gia và Cái Lân…
Từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, tỷ lệ tờ khai, kim ngạch và doanh nghiệp thông quan tự động tại Quảng Ninh đạt 100%. Hiểu được ý nghĩa và hiệu quả mang lại từ VNACCS/VCIS, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 99% doanh nghiệp tham gia sử dụng hệ thống. Đặc biệt, toàn bộ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, giao nhận tại Quảng Ninh chỉ cần khai báo thông tin đến cổng thông tin điện tử, dữ liệu sau đó sẽ được chuyển đi các cơ quan bộ, ngành có liên quan và kết quả trả về một đầu mối.
Bên cạnh đó, Hải quan Quảng Ninh đã tập trung đẩy mạnh phối hợp thu thanh toán với 28 ngân hàng thương mại và kết nối trực tuyến với Kho bạc Nhà nước trong thu thuế điện tử. Chỉ cần 15 phút sau khi doanh nghiệp nộp tiền tại ngân hàng, thông tin nộp tiền sẽ được chuyển sang cơ quan Hải quan, lập tức được thanh khoản, trừ nợ thuế và thông quan hàng hóa, đã góp phần không nhỏ vào hiện đại hóa công tác quản lý hải quan, công tác thu nộp thuế, giảm thiểu tình trạng cưỡng chế thuế không chính xác, giảm thời gian thông quan của doanh nghiệp.
Những giải pháp trên đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, vừa góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vừa giảm đáng kể thời gian làm thủ tục XNK, chỉ trong 1 đến 3 giây cho 1 lô hàng. Trong 5 tháng đầu 2016, Cục Hải quan Quảng Ninh đã làm thủ tục cho tổng số 788 doanh nghiệp, thu nộp ngân sách nhà nước được 5.446,5 tỷ đồng, đạt 45,4% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao (12.000 tỷ đồng).