📞

Khởi nghiệp công nghệ tại Cộng hòa Chad

08:00 | 08/01/2018
Tuy giá cước Internet ở Cộng hòa Chad cao nhất châu Phi, nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản nhiệt huyết và mong muốn thay đổi cuộc sống của giới trẻ tại quốc gia này.

Tại một cửa hàng tạp hóa ở Kabalaye, một quận đông đúc và nhộn nhịp tại thành phố N’Djaména, người dân xếp hàng dài để mua thẻ điện thoại. Hassan, một thanh niên 17 tuổi, đã dành dụm đủ 2.000 CFA franc (khoảng 3 euro) để có được vài phút quý giá ngắn ngủi “lướt” Facebook và kiểm tra hộp thư điện tử mà cậu chưa có điều kiện truy cập suốt 3 tuần liền.

Chỉ 3% dân số có Internet

Mức giá cước cho dịch vụ Internet tại Cộng hòa Chad được xem là đắt nhất châu Phi. Người dùng phải trả tới 12.000 CFA franc (tương đương 18 euro) để có 1 gigabyte dữ liệu. Đây quả thực không phải con số nhỏ khi lương tối thiểu của người dân chỉ đạt mức 60.000 CFA franc (khoảng 90 euro). Trên thực tế, theo số liệu mới nhất của Internet Live Stats, dưới 3% dân số ở Chad có thể truy cập Internet.

Giá cước Internet cao không làm nản lòng các startup công nghệ tại Chad. (Nguồn : BBC)

Lý do đẩy giá cước Internet lên cao ngất ngưởng như thế này một phần là do từ đầu năm 2017, người dân phải trả thêm thuế để sử dụng mạng, khiến giá tăng thêm 16%. Ngoài ra, Chad không có đường dây cáp quang ngầm riêng. Các công ty viễn thông của Chad phải ký hợp đồng sử dụng chung đường cáp quang với nước bạn Cameroon. Hệ quả là các startup (khởi nghiệp) về công nghệ, những người có thể đem tới đột phá cho đất nước, lại không có đất "dụng võ". Đây thực sự là điều đáng tiếc.

Tinh thần sáng tạo không ngừng

Nair Abakar, 26 tuổi, là một gương mặt nổi trội trong số doanh nhân trẻ tại Chad. Anh và một số người bạn đã chung tiền phát triển một ứng dụng mang tên "Darna" (“quốc gia của tôi” theo tiếng Ả Rập). Ứng dụng này đưa ra gợi ý về các địa chỉ đi chơi, mua sắm, ăn uống, khách sạn tại thủ đô N'Djamena. Chỉ với một ứng dụng, Abakar không chỉ giúp riêng những người không biết đến thành phố này, mà còn giúp ích cho cả những chủ hộ kinh doanh muốn đẩy mạnh công việc và lợi nhuận của mình. Ba năm sau khi ra mắt, ứng dụng Darna đã được tải xuống hơn 14.000 lần trên các cửa hàng ứng dụng của Android và Apple.

Không dừng lại ở đó, Nair Abakar còn nảy sinh rất nhiều ý tưởng mang tính đột phá khác. Cùng với người bạn thời thơ ấu Abdelkerim Idriss, con trai của Tổng thống Cộng hòa Chad Idriss Déby Itno, Abakar còn lập ra tổ chức Africa Campus, cơ sở đầu tiên tại châu Phi giúp đơn giản hóa quá trình đăng ký học đại học. Chàng trai nằm trong top 35 người sáng tạo trẻ tuổi của khu vực Pháp ngữ năm 2017 cho biết: “Mục tiêu của tổ chức này là giúp cải thiện việc định hướng ngành học cho học sinh, sinh viên nhằm tránh mất nhiều thời gian tìm hiểu khi lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho mình”. Khó khăn là vậy, nhưng Abakar vẫn vui vẻ lạc quan nói : “Thị trường công nghệ kỹ thuật số tại Chad vẫn còn rất mới mẻ. Chúng ta cần phải đầu tư thời gian và tiền bạc để sáng tạo, đấu tranh để dần dần đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này”.

Cùng chung lòng nhiệt huyết với Nair Abakar, Falmata Awada và Zam-Zam Djorkodé, là hai lập trình viên ở độ tuổi 20 với đam mê công nghệ, đang cùng nhau thiết kế một ứng dụng giúp hạn chế nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh. Dự án này đã được nhận bằng khen tại cuộc thi Chad Talents diễn ra vào tháng 11 năm ngoái ở N’Djamena.

Họ cho biết: “Ở Chad, hàng ngàn phụ nữ tử vong khi sinh con và rất nhiều trẻ em chết trước khi lên năm. Tuy vậy, những ca tử vong này đều có thể được phòng ngừa bằng tiêm vaccine, đến tư vấn bác sĩ thường xuyên và nâng cao nhận thức. Chúng tôi tin rằng những công nghệ mới có thể giải quyết vấn đề này”.

Ứng dụng chưa có tên này đang và sẽ đi cùng các bà mẹ trong cuộc sống hàng ngày. Zam-Zam Djorkodé giải thích cách hoạt động của ứng dụng: “Hồ sơ của bệnh nhân sẽ được lưu trữ trên mạng. Vì vậy việc quản lý hồ sơ, quản lý thời gian khám bệnh, tiêm vaccine và phổ biến thông tin y tế sẽ dễ dàng hơn”. Do  rất nhiều phụ nữ Chad có điện thoại smartphone, nhưng lại không đủ tiền để truy cập mạng, nên ứng dụng này được thiết kế để có thể sử dụng được với tốc độ mạng thấp và những thông báo về sức khỏe sẽ được gửi trực tiếp qua tin nhắn SMS.

Cho dù có đam mê và tham vọng thế nào, song việc thiếu tài chính, ít sự hỗ trợ thì nhiều ý tưởng dù tuyệt vời cũng chỉ dừng lại ở ý tưởng. Thực tế, năm 2014, Tổng thống Chad Idriss Deby Itno đã thành lập Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông châu Phi (CATI), nhưng đời sống công nghệ của người dân, những người luôn háo hức được “mở cửa ra với thế giới” qua Internet cũng chỉ khá hơn đôi chút.

Ngồi trên băng ghế đối diện hàng tạp hóa ở quận Kabalaye trong tiếng nhạc ồn ào từ các quầy bar, Hassan đã đọc xong các thư điện tử được gửi đến hộp thư của mình. Dù hơi buồn, nhưng trong câu nói của cậu vẫn có đôi chút hy vọng: “Ở đây, việc có mạng Internet, dù thế nào đi chăng nữa, cũng rất quan trọng!” 

(theo Le Point Afrique)