WEF Davos 2015 nhằm đạt được nhận thức chung toàn cầu về một bối cảnh mới, đòi hỏi sự tin tưởng lẫn nhau. |
Báo cáo Rủi ro toàn cầu được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố trước thềm Hội nghị thường niên cho thấy vấn đề địa - chính trị ngày càng ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2015. Đây cũng là lý do trước thềm Diễn đàn lần thứ 45 này, thay vì tập trung vào chủ đề kinh tế, WEF công bố một loạt thách thức lớn mà thế giới đang phải đối mặt. Theo đó, "Bối cảnh toàn cầu mới" được mô tả đầy rẫy phức tạp, sự kết nối ngày càng nhanh và đa tầng, cùng với những đổi thay nhanh chóng về môi trường địa chính trị. Thế giới đang phải đối mặt với những thách thức của thời đại, đòi hỏi các mô hình mới gắn kết giữa các chính phủ, các doanh nghiệp và xã hội dân sự để cùng giải quyết.
Bắt đầu từ lòng tin
WEF 2015 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dần thoát khỏi giai đoạn suy thoái, với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,3% trong năm 2014 và 3,8% trong năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về rủi ro kinh tế như tình trạng thiếu việc làm, các cuộc khủng hoảng tài chính,... Đúng như lời nhận xét của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, một số nền kinh tế chủ chốt vẫn còn vật lộn với tình trạng giảm phát, vẫn còn hơn 200 triệu người thất nghiệp. Nhiều nền kinh tế có nguy cơ bị mắc kẹt trong một giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài và ít tạo thêm việc làm.
Trong mỗi cuộc họp tại WEF lần này đều có những nét riêng biệt với mối quan tâm và chương trình nghị sự khác nhau. Nội dung Hội nghị WEF 2015 là thiết thực và tập trung thẳng vào những vấn đề mà thế giới đang đối mặt. Hội nghị đã chỉ ra mười nguy cơ hàng đầu thế giới trong vòng mười năm tới lần lượt là: nguy cơ xung đột quốc tế; tình trạng thời tiết cực đoan; thất bại của hệ thống quản trị quốc gia; khủng hoảng hay sự sụp đổ nhà nước; thất nghiệp; thảm họa thiên tai; thất bại trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu; khủng hoảng nguồn nước; gian lận hay đánh cắp dữ liệu; các vụ tấn công mạng.
Một điểm mới tại diễn đàn năm nay là vấn đề khoảng cách giàu – nghèo. Trước thềm Hội nghị, WEF đã đánh giá tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng về thu nhập là một nguy cơ hàng đầu đối với thế giới trong ba năm qua. Bên cạnh sự phát triển nóng, khoảng cách giàu - nghèo đã tăng đáng kể ở nhiều nền kinh tế mới nổi. Tình trạng bất bình đẳng ở Trung Quốc cao hơn 50% so với thời điểm trước khi cải cách, cao hơn so với các nền kinh tế thị trường tự do như Anh và Mỹ, và cao gấp đôi so với nhiều nền kinh tế thị trường khác. Tại các nước giàu, tình trạng bất bình đẳng cũng tăng vọt.
Với các phiên thảo luận hiệu quả, WEF 2015 phần nào đã giúp giới lãnh đạo chính trị, kinh doanh hiểu bối cảnh mới hơn từ đó có những hành động phối hợp thiết thực trong việc giải quyết những thách thức chung. Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab kỳ vọng, WEF Davos sẽ phục vụ cộng đồng quốc tế như một nền tảng cho hợp tác công - tư. Sự hợp tác này nhằm đạt được nhận thức chung về một bối cảnh mới, góp phần giải quyết những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt và do đó, đòi hỏi có sự tin tưởng lẫn nhau.
Nền kinh tế Internet
Chủ đề nóng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà lãnh đạo kinh tế tại WEF năm nay là xu hướng phân mảng của Internet, gây nguy cơ cản trở tự do hóa thương mại trong tương lai, trong bối cảnh Internet đang trở thành “xương sống” của nền kinh tế toàn cầu. Đối mặt với quy định riêng của mỗi nước, cần phải có nền tảng để duy trì độ mở của Internet và web không biên giới.
Theo CEO của tập đoàn viễn thông Vodafone, ông Vittorio Colao, sự phân mảng và khác biệt về quy định của các nước đã ảnh hưởng đến lưu lượng của mạng. Trong khi ngày càng có nhiều hoạt động kinh tế dựa vào Internet, từ du lịch cho đến dịch vụ tài chính, Internet đã cho phép doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nhỏ có thể tìm kiếm khách hàng ở nước ngoài.
Tập đoàn Boston Consulting Group dự báo rằng chỉ tính riêng các nước G20, nền kinh tế Internet sẽ đạt trị giá 4.200 tỷ USD vào năm 2016. Nếu đó là một quốc gia, thì nền kinh tế đó sẽ thuộc nhóm năm nước lớn nhất thế giới, hơn cả Đức.
Tuy nhiên, cho dù Internet đã trở nên rất cần thiết với cuộc sống hiện đại thì kết nối Internet đang đe dọa lợi ích từ quốc gia cho đến doanh nghiệp, như xâm phạm bản quyền hay tấn công mạng. Để hạn chế các vụ xâm phạm này, chính phủ các nước, tòa án và các nhà thực thi pháp luật đã tạo sức ép khoanh vùng quản lý và có thể dẫn đến địa phương hóa hay phân mảng Internet. Trên thực tế, nhiều nước như Brazil, Anh, Ấn Độ, Pháp và Mỹ cũng muốn quản lý chặt hơn Internet do các vấn đề khủng bố, an ninh mạng và bảo vệ trẻ em…
Theo Boston Consulting, điều đáng lo ngại là việc giới hạn về các hoạt động trực tuyến có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 2,5% mỗi năm. Vì vậy, chủ đề này cần được quan tâm đúng mức, như cách mà mọi người quan tâm đến các gói tự do thương mại. Minh Anh