📞

Không chủ quan, lơ là với dịch HIV/AIDS

13:00 | 26/11/2017
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tình hình dịch HIV/AIDS trên thế giới và Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực nhưng nếu chủ quan, lơ là thì đại dịch hoàn toàn có thể quay trở lại.

Sáng 26/11, tại Hải Dương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm đã dự lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12) năm 2017.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần tiếp tục kiên trì trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, không được chủ quan, lơ là.

Chủ đề  “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020” của Tháng hành động nhằm nhấn mạnh xét nghiệm HIV sớm là điều kiện cần thiết để đạt mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình, hướng đến 90% trong đó được điều trị thuốc kháng virus (ARV) và 90% kiểm soát được lượng virus ở mức thấp.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam điểm lại sự xuất hiện của dịch HIV/AIDS cách đây 35 năm đã gây hoảng loạn cho nhiều quốc gia do lây nhiễm nhanh và không có thuốc chữa trị.

Tại Việt Nam, HIV/AIDS được phát hiện cách đây 25 năm với 250.000 trường hợp nhiễm và khoảng 92.000 người tử vong. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, nhân dân và sự hỗ trợ quý báu của cộng đồng quốc tế, năm 2017 là năm thứ 9 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được khống chế, giảm cả ba tiêu chí. Giảm số người nhiễm HIV  mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS.

Việt Nam đã triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV. Nhiều mô hình hiệu quả của thế giới được ứng dụng tại Việt Nam như điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; điều trị thuốc ARV ngay cho người nhiễm HIV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4; triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng...

Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có khoảng gần 10.000 trường hợp mới nhiễm HIV được phát hiện tại Việt Nam. Lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục ngày càng chiếm chủ yếu dẫn đến việc kiểm soát dịch càng trở nên khó khăn hơn.

Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2017.

Thiếu hụt nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống HIV/AIDS cũng là thách thức của Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Chỉ tính riêng nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS ở giai đoạn trước đây, đặc biệt là thuốc điều trị ARV, có tới 90% kinh phí do các tổ chức quốc tế tài trợ, và hiện nay là khoảng 30%. Chính phủ Việt Nam đã dành thêm ngân sách cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS...

Theo Phó Thủ tướng, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, số người nhiễm và tử vong vì HIV/AIDS không còn là con số lớn. Tình hình ngày càng tốt hơn nhưng nếu lơi lỏng, không nỗ lực thì đại dịch HIV/AIDS hoàn toàn có thể quay trở lại.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Liên Hợp Quốc. Đó là đến năm 2020 90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng của mình (tỷ lệ này ở Việt Nam hiện khoảng 75%); 90% số người nhiễm HIV được phát hiện sẽ được điều trị bằng thuốc ARV (hiện tỷ lệ này ở Việt Nam là 50%); 90% số người được điều trị sẽ kiểm soát được mức độ virus ở mức thấp, có cuộc sống bình thường, hoà nhập với cộng đồng.

Để đạt được mục tiêu này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục kiên trì trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, không được chủ quan, lơ là.

“Có nhiều con đường lây nhiễm HIV/AIDS nhưng hai nguy cơ lớn nhất là ma tuý và mại dâm, vì vậy, vận động một cuộc sống lành mạnh là yêu cầu đầu tiên. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc HIV/AIDS là một căn bệnh. Tất cả những người nhiễm hoặc có nguy cơ lây nhiễm tuyệt đối không bị kỳ thị, được thông cảm, giúp đỡ, điều trị và tôn trọng”, Phó Thủ tướng lưu ý và kêu gọi các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể cùng toàn xã hội chung tay để thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Liên Hợp Quốc.

Các bộ ngành, địa phương phải làm thật tốt các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn về phòng, khám, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS; trong phòng, chống ma tuý, mại dâm.

* Sau lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cùng nhân dân, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang thành phố Hải Dương diễu hành, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2017.