📞

Không có địa chấn

15:42 | 22/01/2016
Sau hai trận thua ở vòng bảng, đội tuyển U23 Việt Nam đã không còn cơ hội đi tiếp tại Vòng chung kết giải U23 châu Á. có thể thấy các cầu thủ trẻ của chúng ta đã trưởng thành qua từng trận đấu song sân chơi châu lục vẫn là "chiếc áo quá khổ"...

Đội tuyển U23 Việt Nam còn quá nhiều điều cần học hỏi.

Không thể "một tấc lên trời"

Lần đầu tiên vươn ra "biển lớn", dĩ nhiên, ai cũng có thể dự đoán về thành công của các chàng trai Việt Nam. Chính vì vậy, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chỉ muốn các cầu thủ tận dụng cơ hội này để rèn giũa, tích lũy kinh nghiệm và cố gắng có một chiến thắng trong ba cuộc đối đầu với những "ông lớn" Australia, UAE và Jordan.

HLV Toshiya Miura từng lạc quan tuyên bố sẽ đưa đội tuyển vào đến tứ kết như cách ông từng gây "sốc" ở Asiad 2014 (giúp đội tuyển Olympic Việt Nam vào đến giai đoạn knock-out). Nhưng rơi vào bảng D với các đối thủ nặng ký, cửa vào tứ kết với tư cách là một trong hai đội đầu bảng hầu như là không thể. Vì thế, không ít người phải giật mình khi nghe ông thầy người Nhật nói vậy.

Nếu so sánh với các đối thủ cùng bảng đấu thì việc các học trò của ông Miura giành được điểm và kết thúc "cuộc chơi" ở vị trí thứ ba đã là thành công. Đánh giá về đội tuyển U23 Việt Nam, HLV đội tuyển nữ Mai Đức Chung nhận xét: "Dù không phải là bảng tử thần nhưng các đội U23 Jordan, Australia và UAE đều thuộc những nền bóng đá mạnh và phát triển hơn. Cơ hội để U23 Việt Nam có điểm là rất khó. Từng đánh bại U23 Iran đến 4-1 tại Asiad 17 nên lúc này các cầu thủ Việt Nam không còn là "ẩn số". Các đội sẽ không có thái độ chủ quan trước đội bóng của ông Miura".

Thất bại của sự non nớt và sai lầm

Đội tuyển U23 Việt Nam đã thất bại cả hai lượt trận đầu tiên, để thủng lưới năm lần, ghi được một bàn và chính thức nói lời chia tay với giải đấu. Lý giải về thất bại của U23 Việt Nam, HLV Miura dường như có ý bào chữa rằng: "U23 Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm thi đấu ở cấp châu lục vì là đội trẻ nhất giải".

Chưa cần biết lời bào chữa của vị thuyền trưởng người Nhật đúng hay sai nhưng có thể thấy, chính sự non nớt của ông trong việc xây dựng lối chơi, áp dụng sơ đồ chiến thuật, sử dụng nhân sự…đã khiến các cầu thủ thi đấu lóng ngóng, bị động và tất yếu là không mang lại hiệu quả.

Phải thừa nhận điểm sáng của HLV Miura là phát hiện tài năng, cải thiện đáng kể nền tảng thể lực và tinh thần thi đấu của cầu thủ. Nhưng những ưu điểm đó không thể khỏa lấp được sai lầm mà ông mắc phải trong thời gian dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam. Thay vì xây dựng một lối chơi và đội hình ổn định, ông lại thường xuyên xới tung đội hình và tiến hành thử nghiệm, kể cả ở giải đấu chính thức. 

Ở trận ra quân (gặp U23 Jordan), HLV Miura bất ngờ sử dụng đội hình 4-3-3 vốn lạ lẫm với các cầu thủ Việt Nam. Có vẻ như ông muốn sử dụng ba tiền đạo để "lấy công bù thủ". Nhưng kết quả, suốt 90 phút trận đấu, các cầu thủ gần như không cầm được bóng và triển khai lối chơi. Công Phượng bị chia cắt với phần còn lại. Đặc biệt, tiền đạo xứ Nghệ luôn phải nhận bóng trong tư thế quay lưng về phía khung thành đối phương. Đó là chưa kể, bộ ba tấn công Công Phượng-Văn Toàn-Thanh Bình luôn "đói bóng" vì những đường chuyền dài vô cùng thiếu chính xác từ các đồng đội.

Trong trận thứ hai gặp U23 Australia, HLV Miura trở lại với sơ đồ chiến thuật 4-4-2 quen thuộc và đưa Đức Huy, Mạnh Hùng vào sân ngay từ đầu. Nhờ thay đổi đó, các cầu thủ có thể chơi sòng phẳng với đối thủ. Nếu không bị trọng tài tước mất một quả phạt đền thì kết quả trận đấu đã khác. Tuy nhiên, hàng công tiếp tục "tịt ngòi" và hàng phòng ngự vẫn bộc lộ sự hớ hênh và yếu kém trong khâu tổ chức phòng thủ, khiến đội phải trả giá bằng hai bàn không gỡ.

Đội tuyển U23 Việt Nam thất bại âu cũng là điều bình thường bởi trình độ và đẳng cấp của bóng đá Việt Nam còn ở mức thấp. Chỉ có điều, trên cơ sở nền tảng thể lực và tinh thần thi đấu mà ông Miura gây dựng được, nếu có chiến thuật hợp lý, khoa học, đội bóng của chúng ta chắc chắn sẽ làm được nhiều hơn.

Có lẽ đã đến lúc nói lời chia tay với vị HLV người Nhật đầy cá tính này!