Nhỏ Bình thường Lớn

Tuổi già vui khỏe

Các bạn phương Tây của tôi đến các gia đình Việt Nam đều rất thích kiểu sinh hoạt ông bà ở với một người con. Họ tiếc là truyền thống ấy nhiều gia đình không giữ được, nhất là ở thành thị, do hoàn cảnh vật chất và sự phát triển chủ nghĩa cá nhân theo hướng "tiêu thụ" của phương Tây. Họ cho là nếu mọi nhà cùng như vậy, người già ở ta sẽ như ở nước họ, hoàn toàn tự do cá nhân nhưng bơ vơ cô đơn, không còn được hưởng và được đóng góp thường xuyên tình cảm vào một tập thể quý giá là gia đình hai ba thế hệ.
Ảnh minh họa.

Từ sau chiến tranh, nhất là sau đổi mới, với đời sống vật chất tương đối khá hơn, một phong trào tự phát ở các hội và câu lạc bộ đã giúp thêm người già ở ta, nhất là cán bộ hưu trí, tìm thấy cái vui thực sự như hội cờ, câu lạc bộ thơ, câu lạc bộ thư pháp... Sự phát triển này cũng nằm trong sự phát triển xã hội dân sự trên phạm vi thế giới.

Phố phường nào cũng có các nhóm hoạt động kiểu câu lạc bộ, đa dạng và phong phú. Có những nhóm họp ở hang cùng ngõ hẻm, hầu như không có tên nhưng hoạt động rất có bề sâu, bổ ích thiết thực cho người già.

Một buổi sáng mùa thu, do có người giới thiệu, chúng tôi xin đột nhập cuộc họp tổ tâm giao sức khoẻ ở phòng họp tổ dân cư số 7b phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội. Cuộc sinh hoạt hàng tháng hôm đó có độ hai chục vị cao tuổi, đa số đã nghỉ hưu. Ông tổ trưởng là Lê Hữu Hà (cháu sáu đời cụ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác), đã 81 tuổi, người xương xương, rất linh lợi tỉnh táo.

Câu lạc bộ ra đời từ một bài viết của ông Hà đúc kết kinh nghiệm: thể tạng yếu đuối của ông mà giữ được sức khoẻ bền bỉ phục vụ hai cuộc kháng chiến trong nam ngoài bắc, từ tuổi 16. Bài viết ấy đã lọt vào mắt xanh của Hội đồng họ Lê và Trung tâm văn hoá người cao tuổi. Ông được khuyến khích đứng ra tập hợp bạn bè, người quen, họ hàng, lập ra tổ tâm giao sức khoẻ. Gọi là tổ cho khiêm tốn vì câu lạc bộ còn mang tính chất gia đình, tự cấp, không có quỹ dồi dào. Vậy mà hoạt động rất nghiêm túc, lý thú, thiết thực do tôn chỉ mục đích rõ ràng; các thành viên đều nhiệt tình và có người hiểu biết về y học. Mỗi lần họp là một lần trao đổi cụ thể về kinh nghiệm giữ sức khoẻ và chữa bệnh, dựa vào lý thuyết Đông y (Lê Hữu Trác) và Tây y (Nguyễn Khắc Viện), kể cả các bài thuốc dân gian. Chúng tôi được dự một cuộc họp thật hào hứng và mang lại nhiều kiến thức cụ thể. Lướt qua một số tư liệu của tổ, chúng tôi xin trích lược một số điểm lý thú đã được giới thiệu và thảo luận:

- Thấu triệt quan điểm toàn diện về sức khoẻ: Theo tổng kết của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, cần bảo đảm ba yếu tố liên quan đến nhau: Sinh học (ăn uống, luyện tập, thuốc thang, môi trường...); Tinh thần: tư tưởng, tâm hồn, tình cảm, lòng tin, tự kỷ ám thị, tâm linh... và Quan hệ: gia đình, xã hội, bạn bè thân thuộc...

Ta nói đến bảo vệ sức khoẻ và trị bệnh, thường chỉ nghĩ đến yếu tố thứ nhất, như vậy là cắt đứt cuộc sống, bớt hiệu quả, vì ba yếu tố trên liên quan mật thiết đến nhau. Tổ thảo luận đưa ra một số thí dụ áp dụng thuyết này.

-Tăng cường khí cho cơ thể rất quan trọng. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cho rằng thở là điều quan trọng số một đối với sức khoẻ. Ông tổng kết phương pháp thở bụng bằng bài vè sau đây: Thót bụng thở ra/ Phình bụng hít vào/ Hai vai bất động. Êm, chậm, sâu, đều/ Tư thế ung dung/Bình thường qua mũi/ Khi gấp qua mồm/ Đứng ngồi hay nằm/ Ở đâu cũng được/ Lúc nào cũng được. Bí quyết là thở bằng bụng!

-Nhịn ăn để dưỡng sinh và chữa bệnh. Loài vật khi có bệnh thường nhịn ăn, khỏi mới ăn! Có lẽ để cho cơ thể tự điều chỉnh! Ở tổ tâm giao sức khoẻ, có người nêu kinh nghiệm: mỗi tháng nhịn ăn ngày rằm và mùng một thì thể trạng rất tốt.

Các tư liệu của tổ tâm giao sức khoẻ cũng phổ biến một số cách chữa bệnh dân gian tuy chẳng có lý luận gì, song có hiệu quả. Xin kể câu chuyện về vợ một bác sĩ bị ho hàng tháng, không thuốc nào khỏi. Sau đó, bà khỏi ho nhờ áp dụng bài thuốc dân gian: trộn ba thứ (1 củ nghệ giã nhỏ, 5 lá trầu không, 2/3 bát nước sôi để nguội) để lắng xuống rồi uống mỗi lần 2 - 3 thìa canh. Chuyện chữa răng cho Tây: Một chuyên gia người Anh đang làm việc, bị cơn đau răng dữ dội. Một nhân viên nữ ra đường hái một ít búp bàng non, rửa sạch, bảo ông nhét vào hàm răng, vừa ngậm vừa làm việc. Ông ta ở cơ quan đến chiều và hết nhức răng. Ngậm rượu ngâm búp bàng chữa đau răng rất tốt.

Thiết nghĩ, tuổi già rất cần thiết tăng giao lưu xã hội để trao đổi những trải nghiệm, không nên sống cô đơn mà làm giảm đi sức sống vui khoẻ của mình!

Hữu Ngọc