Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông (ngoài cùng bên trái) tham gia buổi họp báo. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tại cuộc họp báo Chính phủ chuyên đề ngày 30/6, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Formosa đã có nhiều tiền án gây ra đối với môi trường tại các nước mà doanh nghiệp này đầu tư mà vẫn lọt vào Hà Tĩnh. Tới đây quy trình thẩm định dự án thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam có gì thay đổi không?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết quá trình tham gia thẩm định dự án của Formosa vào năm 2008 như sau: Tại thời điểm đó, quy trình thẩm định dự án đầu tư nước ngoài và cấp phép đầu tư nước ngoài được tuân thủ theo Nghị định 108 hướng dẫn chi tiết về thực hiện Luật Đầu tư năm 2005. Theo quy định đó, thời điểm đó chúng ta đã phân cấp cho UBND tỉnh và các bộ, ngành liên quan của Trung ương có vai trò đóng góp ý kiến thẩm định.
Chúng tôi nhận được ý kiến của UBND tỉnh Hà Tĩnh hỏi về dự án này và theo chức năng nhiệm vụ, Bộ KH&ĐT đã có văn bản số 3871 ngày 29/5/2008 gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh góp ý về nhiều nội dung trong đó tôi xin đọc nội dung trích đúng nguyên văn của văn bản góp ý về phần môi trường như sau: “Phần đánh giá tác động môi trường của dự án còn sơ sài, chưa đề cập đến các yếu tố như nguồn gây tác động, đối tượng và quy mô bị tác động, đánh giá các tác động, biện pháp giảm thiểu tác động xấu, phòng ngừa sự cố môi trường. Đề nghị nhà đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nhà nước xem xét phê duyệt theo quy định hiện hành”.
Vậy là chúng tôi có thể khẳng định rằng ngay thời điểm đóng góp ý kiến thẩm định cho UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án, chúng tôi đã có cảnh báo.
Về chính sách đầu tư của chúng ta có gì thay đổi sau sự cố này, chúng tôi xin khẳng định chính sách đầu tư của Chính phủ Việt Nam là nhất quán và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, đúng các cam kết của chúng ta đưa ra với cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài.
Một sự kiện xảy ra là điều đáng tiếc và các cơ quan của Nhà nước, của Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm, coi đây là một bài học để rà soát theo từng chức năng nhiệm vụ của mình để bảo đảm việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.
Tôi xin nói lại, chính sách thu hút quản lý đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam gần đây nhất được thể hiện tại Nghị quyết số 103 của Chính phủ ngày 29/8/2013. Đây là nghị quyết được đưa ra sau hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và nghị quyết này đã đưa ra một số định hướng, trong đó định hướng chủ chốt là chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Tôi xin nhắc lại là thân thiện với môi trường. Đây là định hướng rất quan trọng trong Nghị quyết số 103 của Chính phủ. Ngoài ra các nội dung khác của Nghị quyết này quý vị có thể tham khảo trên website của Bộ KH&ĐT.
Chúng tôi xin khẳng định định hướng thu hút của Chính phủ là không đánh đổi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá và không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (thứ hai từ trái) chủ trì buổi họp báo. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trả lời hãng thông tấn AP về việc các cơ quan bảo vệ pháp luật có khởi tố vụ án để điều tra vụ án hình sự hay không? Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: Trước hết tôi rất hoan nghênh ý kiến của phóng viên AP của Mỹ tại Hà Nội. Các bạn biết khi có thông tin sự cố hải sản chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung thì các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam cũng có thái độ rất rõ ràng. Đó là quyết liệt chỉ đạo bằng được các cơ quan trong nước và yêu cầu có sự tham gia của các nhà khoa học ngoài nước. Trước hết tập trung đưa ra các biện pháp khắc phục ngay nhằm ổn định đời sống của ngư dân và nhân dân ven biển, kể cả vấn đề quan tâm đến hỗ trợ lãi suất, việc làm, tổ chức thu mua toàn bộ hải sản mà ngư dân đánh bắt, công bố sớm vùng hải sản đánh bắt an toàn và cảnh báo, dự báo những vùng đánh bắt không an toàn để người dân biết, tránh không sử dụng hải sản không đạt tiêu chuẩn.
Việc đấu tranh để tìm ra thủ phạm gây xả thải ra môi trường vừa qua của Formosa Hà Tĩnh là việc làm thể hiện thái độ rất cương quyết của Chính phủ Việt Nam. Quan điểm của Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam là xử lý nghiêm, không loại trừ bất cứ một cá nhân, tổ chức nào.
Tuy nhiên, các bạn biết, Việt Nam đang xây dựng một môi trường đầu tư để tạo hình ảnh Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và tham gia các nghị định thương mại và đang được các bạn bè quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao. Đó là ổn định chính trị, cải thiện môi trường đầu tư và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Việc kinh doanh, đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thành công chính là khẳng định môi trường đầu tư rất tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Formosa Hà Tĩnh đã nhận lỗi trước Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam và đã đưa ra 5 cam kết trách nhiệm bồi thường và không tái diễn vụ việc tương tự. Ở Việt Nam chúng tôi có câu “Đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh người chạy lại”. Như vậy, tôi muốn nói rằng, Chính phủ Việt Nam luôn luôn có thái độ rất rõ là xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật của Việt Nam nhưng đồng thời có chính sách hết sức khoan hồng, độ lượng, để thấy rằng các nhà đầu tư nước ngoài có vi phạm nhưng nhận lỗi trước Nhà nước và nhân dân Việt Nam thì sẽ xem xét. Nếu như các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật của Việt Nam thì pháp luật Việt Nam cũng bảo đảm cho các nhà đầu tư hoạt động đúng pháp luật và có hiệu quả, nhưng đồng thời cũng quy định rõ nếu vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm.
Việc nhận lỗi của Tập đoàn Formosa Hà Tĩnh cũng đã thể hiện thái độ trước việc vi phạm trên. Cho nên việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì đây là việc Chính phủ Việt Nam sẽ cân nhắc. Nếu như nhà đầu tư nhận lỗi trước nhân dân Việt Nam thì cũng mong rằng nhân dân Việt Nam có thái độ độ lượng và khoan hồng, thể hiện tấm lòng cao thượng của người dân Việt Nam./.