📞

Không ngừng xích lại gần nhau hơn

14:59 | 01/06/2017
Cách nhau một đại dương, nhưng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao 22 năm trước đây không ngừng xích lại gần nhau hơn…", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết trong Thông điệp trên tờ The Washington Times.

Ngày 29/5, sau 17 giờ bay, chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ đã tới sân bay quốc tế John F. Kennedy ở thành phố New York, bắt đầu chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ để viết thêm một trang mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước. Chuyến đi, như lời Thủ tướng, là cơ hội để ông và các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam "gặp lại những người bạn cũ và làm quen với những người bạn mới, cùng chung tâm huyết là ủng hộ nhiệt thành quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dùng hình ảnh đôi giày để minh họa lợi nhuận của các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam. (Nguồn: VGP News)

Theo Thủ tướng, mối quan hệ này mới bước qua tuổi 20 - tuổi đủ bản lĩnh, sức trẻ, vượt qua nhiều thử thách và cũng tràn đầy khát vọng, hoài bão, vươn tới những mục tiêu cao đẹp.

Trong chuyến thăm kéo dài ba ngày với lịch trình hoạt động dày đặc tại hai điểm dừng chân là thành phố New York và thủ đô Washington D.C, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Donald Trump ngày 31/5. Theo The Washington Times, đây là dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng chia sẻ những lợi ích chiến lược và quan điểm chung đối với khu vực và thế giới.

Giới chức Hoa Kỳ đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra “đúng thời điểm” và là “cơ hội quan trọng” để chứng minh mối quan hệ song phương. Ông Anthony Nelson, Giám đốc Tập đoàn tư vấn Albright Stonebridge, nguyên Giám đốc phụ trách các vấn đề về Việt Nam thuộc Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (US-ABC), cho rằng chuyến thăm mang tính biểu tượng cao, là cơ hội để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tính tiên phong của Việt Nam trong ASEAN và vai trò của Việt Nam như một đối tác kinh tế và an ninh chủ chốt của Hoa Kỳ. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, sự xích lại gần nhau giữa hai nước một phần xuất phát từ tiềm năng của thị trường Việt Nam với 92 triệu dân, cùng vị thế không ngừng được nâng cao của Việt Nam trong ASEAN và tại các thể chế khu vực khác.

"Bằng sự can đảm vượt lên chính mình và tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, chúng ta đã vượt qua biết bao cam go, khó khăn, thách thức để đưa quan hệ từ cựu thù, thành bạn và nay là Đối tác toàn diện với động lực phát triển quan hệ mạnh mẽ… Những vết thương chiến tranh đang được hàn gắn bởi các hoạt động hợp tác tẩy độc chất dioxin ở các điểm phơi nhiễm và rà phá bom mìn chưa nổ. Sự giúp đỡ chân thành, không vụ lợi đó chính là những viên gạch chắc chắn để xây dựng sự hiểu biết, lòng tin, tạo nền tảng vững bền cho mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trường tồn trong nhiều thập kỷ tới".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thời điểm chín muồi

Các hoạt động nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước là ưu tiên trong lịch trình của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tại Hoa Kỳ, trong đó có cuộc gặp Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, dự Tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ, tiếp một số tập đoàn lớn…  Trong các sự kiện, Thủ tướng nhấn mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục là trọng tâm và động lực của quan hệ song phương, đóng góp vào tăng trưởng và tạo việc làm của cả hai nước. “Thành công của các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng chính là thành công của chúng tôi”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong cuộc Tọa đàm trước hơn 20 tập đoàn tài chính và doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, ngày 30/5 tại New York.

Thủ tướng cho rằng, tuy quy mô thị trường tài chính Việt Nam còn khiêm tốn nhưng tăng trưởng nhanh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp mới được cổ phần hóa. "Đây là thời điểm chín muồi để doanh nghiệp Mỹ với những thương hiệu, kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào tham gia mạnh mẽ hơn vào tiến trình tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam, nhất là tài chính ngân hàng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước...", lãnh đạo Chính phủ Việt Nam khẳng định.

Dùng hình ảnh đôi giày để nói về lợi nhuận nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam, Thủ tướng cho biết, với 138 triệu đôi xuất khẩu mỗi năm, nếu một đôi giày đó có giá 100 USD, phía Việt Nam chỉ hưởng lợi 22 USD, còn 78 USD là Hoa Kỳ hưởng. Vì thế, ông tin tưởng trong chuyến thăm này, sẽ có thêm nhiều hợp đồng được ký, tạo ra khối lượng thương mại theo hướng cân bằng hơn, phát huy lợi thế của mỗi bên. “Cánh cửa luôn mở rộng, những cơ hội hiện hữu, Việt Nam luôn chào đón và khuyến khích các bạn đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh…", Thủ tướng nói.

Có một tín hiệu đáng mừng là lãnh đạo các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn của nền kinh tế lớn nhất thế giới tham dự Tọa đàm đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Ông Charles Kaye, thuộc tập đoàn Warburg Pincus, khẳng định: "Chúng tôi đang xem xét các cơ hội đầu tư vào ngành sản xuất và dịch vụ, bởi Việt Nam có lực lượng lao động giỏi và giá nhân công hợp lý". Đại diện KKR Global Institute tiết lộ, hãng dự định đầu tư hơn 9 tỷ USD vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam – nơi có dân số trẻ, GDP tăng trưởng cao và sức cạnh tranh toàn cầu hấp dẫn.

Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam với kim ngạch thương mại 50 tỷ USD năm 2016. Nước này cũng là một trong những đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam với 835 dự án và tổng vốn đăng ký trên 10,2 tỷ USD.

Cùng với các thành quả đáng tự hào của hơn 20 năm quan hệ ngoại giao trên nhiều lĩnh vực, các kết quả cụ thể của chuyến thăm, như lời Thủ tướng, sẽ "đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ, ổn định, lâu dài…", không chỉ vì lợi ích của nhân dân hai nước, mà còn vì cả lợi ích của Cộng đồng ASEAN, của hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres chào mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ. (Nguồn: TTXVN)

Điểm nhấn đa phương

Đáng chú ý, chuyến đi Hoa Kỳ lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra vào dịp kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ - tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Dịp này, Thủ tướng đã hội đàm với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, ngày 30/5 (theo giờ New York). Thủ tướng khẳng định, là thành viên có trách nhiệm của LHQ, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào công việc chung của tổ chức, trong đó có việc vừa hoàn thành nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền, đang đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng kinh tế-xã hội và Hội đồng chấp hành UNESCO, dự kiến sẽ ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam đã quyết đị̣nh là một trong mười nước đi đầu thực hiện sáng kiến của LHQ về ứng phó với El Nino và La Nina.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Tổng Thư ký ủng hộ và thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp ở̉ Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tổ̉ng Thư ký Guterres ghi nhận và nhấn mạnh vai trò của ngoại giao phòng ngừa, giải quyết xung đột, tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Tổ̉ng Thư ký́ đánh giá cao những đóng góp tích cực của Việt Nam tại các cơ chế LHQ cũ̃ng như việc tiếp tục tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.

Cách đây 40 năm, lần đầu tiên, quốc kỳ̀ Việ̣t Nam được kéo lên tại trụ sở LHQ. Thời khắc thiêng liêng ấy đã đánh dấu sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất, mở ra thời kỳ Việt Nam bước vào hội nhập quốc tế. Kể từ đó, quan hệ giữa Việt Nam và LHQ ngày càng phát triển và vị thế của quốc gia Đông Nam Á ngày càng nâng cao. Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của LHQ về hòa bình, an ninh quốc tế. Việt Nam là thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học năm 1998; một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996; thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị năm 1996…