Nhỏ Bình thường Lớn

Không phải IQ cao là… thông minh!

Nhiều người xưa nay vẫn nghĩ rằng chỉ số thông minh (Intelligence Quotient - IQ) phản ánh khả năng trí tuệ và mức độ thông minh của con người. Trên thực tế, những bài trắc nghiệm IQ chỉ có tác dụng kiểm tra khả năng tư duy logic và óc phân tích của mỗi người, mà không thể đánh giá một cách đầy đủ mức độ thông minh của họ.

Không phải cứ có chỉ số IQ cao là thông minh. Trí thông minh của con người là khái niệm vô cùng phức tạp, không thể kiểm chứng chỉ bằng một vài bộ câu hỏi trắc nghiệm.

Mỗi một con người là một thực thể kết hợp nhiều dạng biểu hiện khác nhau của trí thông minh mà tùy từng cá nhân sẽ có khả năng về mặt này nổi trội hơn mặt khác. Nói cách khác, trí thông minh của con người không chỉ là khả năng tư duy logic của các thiên tài toán học, mà còn có thể là khả năng thể hiện những cử chỉ, động tác điêu luyện của một vũ công, khả năng diễn đạt ngôn ngữ xuất thần của một nhà văn, nhà thơ hay khả năng hiểu thấu được tâm tư hoặc nỗi lòng của một người nào đó.

Bài trắc nghiệm IQ nhằm đo khả năng trí tuệ của con người được tác giả Hans Aizenk soạn ra từ thập niên 1940. Chỉ một thập kỷ sau, những bài trắc nghiệm này đã trở nên phổ biến khắp Châu Âu. Người ta tính điểm IQ của mình cả ở công sở lẫn những nơi tiệc tùng và câu nói cửa miệng: "Anh ta có chỉ số IQ thấp" thường được dùng để ám chỉ ai đó kém thông minh. Tuy nhiên, kết luận này xem ra không chính xác, vì điểm số IQ chỉ xuất phát từ một vài bài kiểm tra đã được tiêu chuẩn hóa để xác định một kỹ năng đặc biệt hay "nhóm yếu tố" như khả năng khẩu ngữ hay tư duy logic… Các bạn hãy tự kiểm nghiệm thông qua 5 giả thuyết và lập luận dưới đây:

Giả thuyết thứ nhất:

Điểm bài kiểm tra IQ của bạn phản ánh trí thông minh và năng lực của bạn.

Bài trắc nghiệm của Aizenk có một số câu hỏi phụ được thiết kế riêng để xác định điểm cho những lĩnh vực khác nhau như ngôn ngữ lưu loát hay suy  nghĩ sâu sắc và đa chiều… Kết quả của các câu phụ này sẽ được cộng vào câu hỏi chính để tìm ra chỉ số IQ trung bình của một cá nhân. Nói cách khác, một người có óc tưởng tượng tốt, nhưng tư duy kém logic, nhiều khả năng có điểm kiểm tra IQ tương đối thấp.

Giả thuyết thứ hai: Người nào có IQ cao hơn sẽ sáng dạ hơn.

Những người đạt điểm số cao trong bài trắc nghiệm IQ của Aizenk thường bị bỡn cợt là dùng thủ thuật trong khi làm bài kiểm tra. Thực tế, điểm số IQ đã chỉ rằng đó là người có khả năng phát hiện nhanh vấn đề mới. Điểm số thể hiện trình độ mà trong đó một người có thể quan sát và hiểu những điều đang diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, điểm số không liên quan gì đến suy nghĩ thực tế hay khả năng sáng tạo.

Giả thuyết thứ ba: Người có chỉ số IQ cao thường có nhiều cơ hội thành công trong cuộc sống.

Trong lời nói đầu của một trong những xuất bản phẩm về bài trắc nghiệm IQ của mình, Aizenk đã viết rằng những ai mong muốn thành công trong cuộc sống nên có sự kiên nhẫn và động lực mạnh mẽ để giành được chỉ số IQ cao. Một người được trời phú cho trí thông minh, nhưng thiếu lòng quyết tâm để đi tới thành công, có thể mất cả cuộc đời để chờ đợi "phát súng khởi đầu". Vì vậy, người biết kết hợp giữa tính kiên nhẫn và động cơ hành động cũng được đánh giá cao, ngay cả khi không đạt được điểm số IQ cao.

Giả thuyết thứ tư: Chỉ số IQ trên 170 là thiên tài.

Điểm số cao nhất của các bài trắc nghiệm chỉ số IQ chuyên ngành là 144, chưa bao gồm điểm của các câu hỏi phụ về ngôn ngữ hay lập luận logic. Vì vậy, khi hoàn tất bài trắc nghiệm, thông thường điểm số IQ của họ có thể đạt từ 150-160 điểm, thậm chí từ 160-170 điểm… Tuy nhiên, bạn đừng vội mừng khi bài trắc nghiệm trên mạng của bạn đạt 171 điểm vì tất cả các bài kiểm tra được đăng tải trên Internet chỉ là những phiên bản đơn giản hoá của bộ câu hỏi Aizenk. Hãy ghi nhớ rằng "số điểm cực cao kia" của bạn chỉ so với IQ của một đứa trẻ 10 tuổi. Thông thường, các bài trắc nghiệm chuyên nghiệp được bình thường hoá dựa trên cơ sở cái gọi là "hiệu ứng Flynn" - tên nhà khoa học đã phát hiện ra rằng chỉ số IQ trên khắp thế giới đang giảm đi 3 điểm sau mỗi thập kỷ.

Giả thuyết thứ năm: Chỉ số IQ có giá trị vĩnh cửu.

Không nên lẫn lộn những khả năng trí tuệ thực sự và điểm số các bài trắc nghiệm IQ. Những khả năng thực sự có thể biến đổi phụ thuộc vào trạng thái tinh thần, yếu tố sức khoẻ và thậm chí cả lòng tự trọng. Ai đó có thể làm bài trắc nghiệm IQ mà không hiểu nội dung câu hỏi do khả năng dịch kém hay bị mất tập trung ở phần giữa bài trắc nghiệm, rồi bỏ qua luôn phần mình đã nắm chắc. Ngược lại, cũng có người trở thành một thí sinh trắc nghiệm chuyên nghiệp và luôn đạt điểm cao do rút kinh nghiệm từ những lần trắc nghiệm trước.

Huỳnh Hạnh (Theo Medportal, Pravda)