Nhỏ Bình thường Lớn

Không phải lạm phát, đây mới là mối đe dọa thực sự với kinh tế Mỹ

Mối nguy hiểm lớn nhất mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt trong nhiều năm qua là lạm phát. Giờ đây, một vấn đề khác đang nổi lên, thay thế lạm phát, trở thành mối đe dọa thực sự: Thất nghiệp.
Thất nghiệp là mối đe dọa mới của nền kinh tế Mỹ. (Nguồn: Bloomberg)
Thất nghiệp là mối đe dọa mới của nền kinh tế Mỹ. (Nguồn: Bloomberg)

Ngay khi lạm phát hạ nhiệt, đèn vàng lại đang nhấp nháy trên thị trường việc làm vẫn còn mạnh mẽ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện phải đối mặt với nguy cơ mắc sai lầm khi giữ lãi suất quá cao trong thời gian dài. Đó là lý do tại sao một số nhà kinh tế mong muốn Fed giảm bớt "cuộc chiến" chống lạm phát, trước khi lãi suất cao có thể khiến khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM cho biết: “Đã đến lúc phải cắt giảm lãi suất. Lạm phát có thể không phải là mối quan tâm hàng đầu. Cán cân rủi ro đang dần nghiêng về phía tỷ lệ thất nghiệp cao".

Trong khi đó, ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics cho biết, thị trường lao động đang căng thẳng dưới sức nặng của chi phí vay cao.

Ông Zandi nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Mối nguy hiểm lớn nhất là sai lầm về chính sách: Fed giữ lãi suất quá cao trong thời gian dài. Ngay bây giờ, Fed đang phát tín hiệu cắt giảm lãi suất vào tháng 9".

Tin liên quan
Trung Quốc có đủ mạnh để soán ngôi Mỹ? Trung Quốc có đủ mạnh để soán ngôi Mỹ?

Ngay cả Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thừa nhận sự thay đổi đáng kể trong tính toán rủi ro. Ông nói trong tuần này: “Lạm phát tăng cao không phải là rủi ro duy nhất mà chúng ta phải đối mặt”.

"Các vết nứt đã bắt đầu xuất hiện"

Nói rõ hơn, thị trường việc làm không sụp đổ. Việc làm vẫn đang được tạo ra với tốc độ lành mạnh - nhanh hơn nhiều người dự đoán.

Tuy nhiên, "các vết nứt đã bắt đầu xuất hiện" - CNN đánh giá.

Theo các nhà kinh tế tại Công ty KPMG, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp lịch sử, nhưng đã tăng cao hơn đáng kể trong 3 tháng liên tiếp - “một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động có thể đang chuyển biến”.

Việc tuyển dụng đã chậm lại trong lĩnh vực giải trí và khách sạn, một lĩnh vực quan trọng được hỗ trợ bởi chi tiêu của người tiêu dùng. Tốc độ người lao động bỏ việc đã giảm đáng kể. Tỷ lệ người lao động được tuyển dụng cũng vậy.

Nhấn mạnh những thay đổi này, ông Powell nói với các nhà lập pháp rằng, các chỉ số gần đây “gửi một tín hiệu khá rõ ràng rằng điều kiện thị trường lao động đã hạ nhiệt đáng kể” sau hai năm.

“Đây không còn là một nền kinh tế quá nóng nữa", Chủ tịch Fed khẳng định.

Tất nhiên, đó chính xác là những gì Fed muốn đạt được khi bắt đầu chiến dịch tăng lãi suất lịch sử.

Nỗi lo sợ vào năm 2022 là thị trường việc làm nóng đến mức sẽ tiếp thêm nhiên liệu cho lạm phát tăng cao và giữ giá ở mức cao nguy hiểm, buộc Fed phải bắt đầu một cuộc suy thoái chỉ để dập tắt ngọn lửa lạm phát.

Và hiện tại, lạm phát quá nóng và thị trường việc làm quá dồi dào trong lịch sử không còn được coi là mối lo ngại lớn nữa!

Rủi ro hiện tại là Fed đang "tiêm thuốc" chống lạm phát vào một nền kinh tế không còn cần đến nó. Điều đó có thể biến một thị trường việc làm đang nguội lạnh trở thành một thị trường đóng băng.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ, thị trường việc làm đã bổ sung thêm 206.000 vị trí trong tháng 6/2024. Ông Powell nhận định: "Thị trường lao động không quá nóng và không quá lạnh - nó cân bằng".

Nhà kinh tế Brusuelas thì cho rằng, một thị trường lao động cân bằng với lãi suất quá hạn chế từ Fed sẽ không duy trì được sự cân bằng lâu dài. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.

Nhà kinh tế này nêu quan điểm: "Không nhất thiết có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt sắp xảy ra, nhưng một cuộc suy thoái sớm có thể xảy ra nếu Fed chờ đợi quá lâu để cắt giảm lãi suất".

Trong báo cáo công bố ngày 8/7, nhà kinh tế cấp cao Ken Kim của Công ty KPMG lưu ý rằng, tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tiến gần tới mức kích hoạt Quy tắc Sahm (Sahm Rule) - nghĩa là tín hiệu suy thoái xuất hiện khi mức bình quân hàng tháng trong kỳ 3 tháng của tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,5 điểm phần trăm hoặc hơn so với mức bình quân hàng tháng trong kỳ 12 tháng trước đó.

Ông Kim cũng chỉ ra rõ, lĩnh vực dịch vụ - động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Mỹ - đột nhiên có dấu hiệu suy yếu.

“Lạm phát không còn là mối lo ngại chính nữa. Đối với Fed bây giờ, một mối lo khác ngang bằng với mối lo lạm phát là khả năng thị trường việc làm và hoạt động trong nền kinh tế suy giảm nhanh chóng. Mục tiêu của Fed là đưa nền kinh tế hạ cánh mềm, nhưng rủi ro hạ cánh cứng đang xuất hiện", ông Kim khẳng định.

(Nguồn: Medium)
Lĩnh vực dịch vụ - động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Mỹ - đột nhiên có dấu hiệu suy yếu. (Nguồn: Medium)

Lạm phát không biến mất

Tất nhiên, chi phí sinh hoạt cao vẫn là mối quan tâm của người Mỹ.

Mặc dù tỷ lệ lạm phát đã chậm lại đáng kể từ mức 9% vào tháng 6/2022, nhưng vẫn có một hiệu ứng "lăn cầu tuyết" đau đớn sau hơn hai năm tăng giá mạnh. Người Mỹ đang trả nhiều tiền hơn cho hàng tạp hóa, tiền thuê nhà và bảo hiểm so với trước Covid-19.

Và đương nhiên, vẫn còn những rủi ro về mặt lạm phát.

Xung đột ở Trung Đông vẫn tiếp diễn, đặt ra mối đe dọa tiềm tàng đối với hoạt động sản xuất năng lượng trong khu vực. Điều tương tự cũng đúng với xung đột Nga-Ukraine - nơi các nhà máy lọc dầu nằm sâu trong nước Nga đã bị tấn công bởi máy bay không người lái.

Cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ cũng có thể sẽ gia tăng mối lo về lạm phát. Một số nhà kinh tế học lo ngại, chương trình nghị sự kinh tế của cựu Tổng thống Donald Trump - cắt giảm thuế, đàn áp nhập cư và tăng thuế - sẽ "thúc đẩy" lạm phát .

Nhìn từ quá khứ

Nếu Fed cắt giảm lãi suất sớm, ngân hàng này có thể kích thích nhu cầu từ người tiêu dùng và doanh nghiệp. Điều đó có thể thúc đẩy lạm phát và làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Ông Powell và các đồng nghiệp hiện phải đối mặt với một quyết định khó khăn và họ không muốn lặp lại sai lầm trong quá khứ.

Vào những năm 1970, Fed tăng lãi suất và nhanh chóng hạ lãi suất trước khi lạm phát bị đánh bại. Lạm phát bùng phát trở lại và buộc Fed phải thực hiện những bước đi quyết liệt hơn nữa.

Ông Gregory Daco, kinh tế trưởng công ty tư vấn EY cho rằng, việc ông Powell tập trung nhiều hơn vào các rủi ro hai mặt (nếu giữ lãi suất cao quá lâu) là đáng hoan nghênh, dù hơi muộn. "Fed nên cắt giảm lãi suất vào tháng 7 nếu không các doanh nghiệp có thể sớm tăng cường sa thải khi nền kinh tế chậm lại", ông Gregory Daco gợi ý.

Có tiền nhưng không được phép tiêu, nước Đức đang mắc kẹt, nền kinh tế 'ọp ẹp', đây chính là lý do

Có tiền nhưng không được phép tiêu, nước Đức đang mắc kẹt, nền kinh tế 'ọp ẹp', đây chính là lý do

Đức có nhiều dư địa tài chính hơn hầu hết các quốc gia khác, chỉ là họ không cho phép mình sử dụng nó. Việc ...

Trung Quốc có đủ mạnh để soán ngôi Mỹ?

Trung Quốc có đủ mạnh để soán ngôi Mỹ?

Ý tưởng Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới được các nhà hoạch định chính sách và kinh ...

Kinh tế Nga: Bội thu từ dầu khí, thấy động lực tích cực bền vững, thâm hụt ngân sách tăng hơn 38%

Kinh tế Nga: Bội thu từ dầu khí, thấy động lực tích cực bền vững, thâm hụt ngân sách tăng hơn 38%

Bộ Tài chính Nga thông tin, doanh thu từ dầu khí đạt 5,698 nghìn tỷ Ruble, tăng 68,5% so với cùng kỳ năm ngoái, phần ...

Mối tình duyên nợ Nga-Ấn Độ đáng để Thủ tướng Narendra Modi 'đi trên dây'

Mối tình duyên nợ Nga-Ấn Độ đáng để Thủ tướng Narendra Modi 'đi trên dây'

Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế thời chiến của Nga, ngược lại New Delhi cần Moscow ...

Azerbaijan nêu lý do muốn gia nhập BRICS

Azerbaijan nêu lý do muốn gia nhập BRICS

Ngày 11/7, phát biểu tại cuộc họp toàn thể của Diễn đàn Nghị viện BRICS ở St. Petersburg (Nga), Chủ tịch Quốc hội Azerbaijan Sahiba ...

(theo CNN)