Một lò bánh mì tại Saqqara, Ai Cập. (Nguồn: Reuters) |
Trên đường đến tiệm bánh, Mona Mohammed (43 tuổi) bất giác nhận ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine ở cách xa nơi cô sinh sống, rất có thể có liên quan đến mình.
Những tuần qua, cô hiếm khi để ý tin tức liên quan đến chiến sự, chỉ đến khi đi ngang qua khu phố Sayyida Zeinab, nơi tập trung tầng lớp lao động của thủ đô Cairo, cô nghe thấy nhiều lời phàn nàn, lo lắng về khả năng thiếu lương thực khi phần lớn lúa mì của Ai Cập hiện nay được nhập từ Nga và Ukraine.
Xung đột nổ ra, đồng nghĩa với việc số lượng lúa mì sẽ ít hơn và giá cả sẽ đắt hơn. Cuộc chiến nổ ra cũng đồng nghĩa với việc người dân Ai Cập đang phải “thắt lưng buộc bụng” do giá cả tăng cao sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho những ổ bánh mì, vốn là một trong những thức ăn chính trong bữa ăn hằng ngày.
“Không biết vật giá có thể tăng hơn bao nhiêu nữa?", cô Mohammed thở dài, trong lúc chờ lấy những ổ bánh mì được chính phủ trợ cấp tại một tiệm bánh.
Giá cả tăng cao, nguy cơ biểu tình
Việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, bắt đầu từ ngày 24/2, có nguy cơ gia tăng áp lực lên các nền kinh tế của một số quốc gia Bắc Phi, Trung Đông, vốn đang phải "gồng mình" gánh chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch, hạn hán và xung đột.
Như thường lệ, những người nghèo sẽ gặp nhiều khó khăn nhất khi chi phí thực phẩm tăng cao và việc làm ngày càng khan hiếm.
Tình trạng hiện tại khiến nhiều người liên tưởng đến khởi nguồn của sự kiện đau thương “Mùa Xuân Arab” năm 2011 khi giá bánh mì tăng cao đã khiến những cuộc biểu tình của người dân nghèo chống chính phủ bùng phát.
Tin liên quan |
Các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây có thể nhấn chìm đồng Ruble của Nga? |
Tại Ai Cập, quốc gia nhập khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, chính phủ đã phải tìm các nhà cung cấp thay thế. Vừa trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong ba thập niên làm cho giá lương thực tăng cao, chiến sự ở Ukraine cũng khiến tình trạng của đất nước Bắc Phi Morocco thêm bất ổn khi lạm phát gia tăng dẫn đến các cuộc biểu tình ở khắp nơi.
Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), từ tháng 4/2020 đến tháng 12/2021, giá lúa mì đã tăng 80%.
Bà Sara Menker, Giám đốc điều hành của Gro Intelligence - nền tảng trí tuệ nhân tạo chuyên phân tích khí hậu và cây trồng toàn cầu cho biết, hai khu vực Bắc Phi và Trung Đông, những khách hàng mua lúa mì lớn nhất của Nga và Ukraine, đang phải trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 20 năm qua.
Trong nhiều năm, các quốc gia như Ai Cập, Algeria, Tunisia hay Morocco đã không thể cung cấp đủ nguồn lương thực trong nước mà chủ yếu nhập khẩu thực phẩm từ bên ngoài. Số người bị thiếu dinh dưỡng ở các quốc gia Arab vì thế cũng tăng lên khi diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp và dân số gia tăng nhanh chóng.
Áp lực kinh tế từ Bắc Phi tới Trung Đông
Ishac Diwan, chuyên gia kinh tế tại Đại học Paris Sciences et Lettres dự đoán, khủng hoảng tại Ukraine có thể gia tăng áp lực kinh tế đối với Ai Cập, Tunisia, Jordan và Morocco, đồng thời cảnh báo riêng ngành ngân hàng của Ai Cập và Tunisia, vốn chiếm tỷ trọng lớn về nợ công của hai quốc gia này, có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nền kinh tế Ai Cập cũng phụ thuộc khá nhiều vào lượng khách du lịch từ Nga, nguồn thu chính giúp ngành du lịch nước này phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Lạm phát toàn cầu và các vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch đã làm tăng giá mì ống ở Ai Cập lên 1/3 so với tháng trước. Giá dầu ăn, thịt, mọi thứ đều tăng.
Đáng chú ý, trong 4 tháng qua, giá bánh mì đã tăng khoảng 50% tại nhiều tiệm bánh mì không được trợ cấp. Và theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), khoảng 1/3 dân số Ai Cập đang sống dưới mức 1,5 USD/ngày phải dựa vào bánh mì như nguồn cung cấp năng lượng chính.
Hôm 24/2, các quan chức chính phủ Ai Cập cho biết, quốc gia Bắc Phi này có đủ dự trữ ngũ cốc và lúa mì để đáp ứng nhu cầu trong nước cho đến tháng 11.
Trước đó, năm 2021, do giá lương thực nhập khẩu tăng, Tổng thống Abdel Fatteh el-Sisi đã tuyên bố Ai Cập sẽ tăng giá bánh mì trợ cấp trong năm nay, gây làn sóng phản đối trong công chúng.
Nông dân thu hoạch lúa mì tại Luxor, Ai Cập. (Nguồn: EPA) |
Một nhân viên làm việc tại lò bánh mì ở thủ đô Cairo than phiền: “Tất nhiên là tôi cảm thấy lo lắng. Lương của tôi không thay đổi, nhưng giờ lại phải chi tiêu nhiều hơn số tiền tôi kiếm được”.
Morocco, quốc gia có đến 45% lực lượng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế do tình trạng lạm phát trên toàn cầu, giá lương thực và dầu tăng cao cùng đợt hạn hán tồi tệ nhất trong ba thập niên qua.
Nhiều người dân đã mất dần kiên nhẫn với chính phủ khi phải vật lộn kiếm sống trong hai năm qua khi đại dịch làm suy yếu ngành du lịch siêu lợi nhuận một thời.
Tuần trước, chính phủ Morocco đã công bố kế hoạch trị giá 1 tỷ USD nhằm giảm bớt tác động của hạn hán thông qua việc cung cấp hỗ trợ tài chính, quản lý nước và cung cấp thực phẩm cho các đàn gia súc.
Dù vậy, các chuyên gia nhận định, các biện pháp này sẽ khó bù đắp được những lỗ hổng trong điều hành kinh tế khi phần lớn lượng lương thực đều phụ thuộc vào lúa mì nhập khẩu từ Nga và Ukraine.
Tại Trung Đông, tình cảnh của Lebanon cũng đang vô cùng bi đát khi nền kinh tế và hệ thống tiền tệ bị sụp đổ kể từ cuối năm 2019. Nước này đang nhập khẩu hơn một nửa lượng lúa mì từ Ukraine.
Bộ trưởng Kinh tế Lebanon nói với Reuters hôm 25/2: “Chúng tôi đã trao đổi với Ấn Độ và Mỹ về việc gia tăng nhập khẩu lúa mì”.
Tình trạng biến động tại Lebanon thời gian gần đây đã đẩy giá bánh mì lên cao. Theo thống kê của chính phủ, để giúp giảm thiểu tác động của suy thoái kinh tế, chính phủ nước này đã giảm trợ cấp đối với một loạt hàng hóa, bao gồm cả bánh mì.
Một số loại hàng hóa hiện có giá cao hơn từ 5 đến 9 lần so với thời điểm mùa Hè năm 2019.
| Các lệnh trừng phạt kinh tế có làm lung lay 'pháo đài kinh tế' Nga? Giữa bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine ngày một leo thang nghiêm trọng, các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh ... |
| Vừa gượng dậy sau đại dịch, kinh tế thế giới lại hứng chịu 'cú bồi' xung đột Nga-Ukraine Sau khi chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19, khiến giá hàng hóa và chi phí vận chuyển tăng vọt, chuỗi cung ứng ... |