📞

Không tin tưởng vào lãi suất âm, Fed tính ‘bổn cũ soạn lại’ từ thời Đại suy thoái 2008

12:17 | 23/11/2019
TGVN. Dù ý tưởng lãi suất âm là điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi ngân hàng trung ương này thực hiện trong thời gian qua, nhưng trong Biên bản cuộc họp chính sách tháng Mười do Fed vừa công bố, các quan chức đã bác bỏ ý tưởng đưa lãi suất chuẩn xuống mức âm.         
Mức lãi suất hiện tại đã được điều chỉnh đủ tốt để hỗ trợ tăng trưởng và có khả năng sẽ vẫn được duy trì như vậy. (Nguồn: Bloomberg)

Không cần thiết phải cắt giảm lãi suất

Hồi tháng Mười, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn lần thứ ba trong năm nay, đưa mức lãi suất này xuống khoảng 1,5-1,75% và đảo ngược bốn lần tăng của năm ngoái với mục tiêu củng cố nền kinh tế đang “hạ nhiệt”, cũng như mang lại một biện pháp "bảo hiểm" trước những nguy cơ tiềm năng.

Biên bản nhấn mạnh mức lãi suất hiện tại đã được điều chỉnh đủ tốt để hỗ trợ tăng trưởng và có khả năng sẽ vẫn được duy trì như vậy miễn là triển vọng nền kinh tế vẫn giữ nguyên. Tính đến hết ngày 20/11, các thị trường hiện đang đặt cược vào khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất cho tới tháng 5/2020.

Tổng thống Trump đã không ngừng tấn công ngân hàng trung ương của Mỹ và yêu cầu họ phải hạ lãi suất thấp hơn, thậm chí xuống mức âm. Ông viện dẫn lí do rằng, lãi suất tương đối cao của Mỹ khiến nước này gặp bất lợi trước các đối thủ yếu hơn ở châu Âu và châu Á.

Tuy nhiên, theo các thành viên thuộc Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) thuộc Fed, những bằng chứng về lợi ích của lãi suất âm – khi người cho vay phải trả tiền cho người đi vay thay vì ngược lại – đã tỏ ra khá “trái chiều” tại các quốc gia nơi chính sách này đã được tiến hành.

Biên bản cuộc họp cho biết, tất cả những quan chức tham gia nhận định rằng, lãi suất âm hiện tại không phải là “một công cụ chính sách tiền tệ hấp dẫn” ở Mỹ. Theo những quan chức này, một chính sách như vậy sẽ chỉ được áp dụng trong "phạm vi giới hạn", trong khi nó không mang lại lợi ích rõ ràng cho các quốc gia khác đã từng áp dụng và có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường đối với hoạt động cho vay ngân hàng và chi tiêu hộ gia đình.

Các thành viên của FOMC cũng nhấn mạnh, lãi suất âm còn có thể dẫn tới "sự phức tạp và biến dạng đáng kể" cho hệ thống tài chính của Mỹ. Tuy nhiên, họ không loại trừ rằng có thể phát sinh tình hình khiến họ thay đổi quan điểm này.

Theo giới quan sát, biên bản cuộc họp tháng Mười cho thấy rõ ràng rằng, Fed không chỉ không muốn sử dụng lãi suất âm khi nền kinh tế Mỹ đang duy trì đà tăng trưởng, mà còn rất hoài nghi về việc sử dụng chúng ngay cả trong thời kỳ suy thoái.

Nhà kinh tế Roberto Perli thuộc công ty tư vấn tài chính Cornerstone Macro cho biết, từ biên bản cuộc họp này, Fed đã tạo ấn tượng mạnh mẽ rằng họ sẽ “bổn cũ soạn lại” những động thái từng diễn ra trong giai đoạn Đại suy thoái hồi năm 2008, mặc dù nhiều thành viên nhận ra rằng sức mạnh của các công cụ sẽ thấp hơn trước đây.

Nhìn chung, nền kinh tế Mỹ vẫn đang hoạt động khá tốt, với nguy cơ suy thoái kinh tế giảm dần trong những tuần gần đây. Fed dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm nay, cao hơn một chút so với mức tiềm năng 2% mà ngân hàng này từng đưa ra.

Dù còn nhiều rủi ro dành cho nền kinh tế, bao gồm những cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump đề xướng, các thành viên của Fed tin rằng, việc cắt giảm lãi suất sẽ không cần thiết trong thời gian tới, qua đó hạ thấp khả năng xảy ra những thay đổi lớn đối với triển vọng lãi suất của Mỹ trong trung hạn.

Đủ sức để chống lại chu kỳ suy thoái tiếp theo?

Trong khi tăng trưởng kinh tế đã chậm lại trong năm nay, những lo ngại rằng sự yếu kém của một số ngành công nghiệp có thể lan sang toàn bộ nền kinh tế đã không xảy ra. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn quanh mức thấp nhất của 50 năm và hoạt động chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm khoảng 70% của hoạt động kinh tế Mỹ, vẫn giữ vững.

Chính những diễn biến trái chiều đó đã khiến cho Fed ngày càng chia rẽ. Ngoài những người đã bỏ phiếu chống lại quyết định hạ lãi suất hồi tháng Mười, một số quan chức không có quyền bỏ phiếu khác kể từ đó đã bày tỏ thái độ phản đối quyết định trên.

Cuộc họp tại Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) thuộc Fed. (Nguồn: Forbes)

Biên bản cuộc họp nói rằng, một số quan chức nhận định việc nới lỏng chính sách lãi suất tại cuộc họp tháng trước là phù hợp với tình hình, khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục khá yếu ớt và những bất ổn thương mại ngày càng tăng.

Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách khác lại phản đối việc hạ lãi suất, viện dẫn rằng triển vọng của nền kinh tế vẫn thuận lợi, lạm phát đang quay trở lại ngưỡng mục tiêu 2%. Họ cũng đề cập giữa bối cảnh các tác động từ chính sách tiền tệ cần một thời gian để lan tỏa sang nền kinh tế, Fed nên dành thời gian để đánh giá hiệu quả kinh tế của những quyết định chính sách trước đây.

Các nhà hoạch định chính sách cũng tỏ ra không hào hứng với việc mua vào trái phiếu để điều chỉnh mục tiêu lãi suất dài hạn. Một số người cho rằng, làm như vậy có thể bị coi là can thiệp vào công việc quản lý nợ của Bộ Tài chính Mỹ, còn những người khác lo lắng điều đó có thể làm xáo trộn bảng cân đối của Fed.

Nhằm đáp ứng nhiệm vụ ổn định lạm phát và hướng thị trường việc làm tới ngưỡng toàn dụng lao động, các quan chức Fed đã tiến hành cuộc thảo luận rộng rãi về việc liệu ngân hàng trung ương này có nên thay đổi phương pháp tiếp cận lạm phát để đảm bảo chỉ số này không ở dưới ngưỡng mục tiêu 2% quá lâu.

Hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed tin rằng, cần phải thực hiện một số thay đổi để đảm bảo ngân hàng trung ương này đủ sức để chống lại chu kỳ suy thoái tiếp theo.

Tại cuộc họp tháng Mười, các quan chức Fed đã thảo luận về một số cách thức củng cố các công cụ chính sách hiện có của họ, bao gồm cách cải thiện chính sách hướng dẫn lãi suất tương lai – vốn được thiết kế để khuyến khích đầu tư và chi tiêu nhiều hơn so với những cách thức khác. Họ cũng thảo luận về cách thức hiệu quả nhất để hoạt động mua trái phiếu có hiệu quả cao nếu xảy ra đợt suy thoái mới.

Tuy nhiên, một số tỏ ra nghi ngờ liệu điều này có thực sự dẫn đến bất kỳ thay đổi sâu sắc nào trong cách Fed tiến hành các chính sách hay không khi hiện các quan chức vẫn chưa đi đến được bất kỳ kết luận nào.

(theo Reuters)