Nhỏ Bình thường Lớn

Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai: Phấn đấu thành vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh

Baoquocte.vn. Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Lào Cai là KKTCK đa ngành, một trong những trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và vùng Tây Nam-Trung Quốc... Cùng với sự phát triển của tỉnh, KKTCK Lào Cai đã có những bước phát triển ấn tượng, xứng đáng là “hạt nhân kinh tế” vùng Tây Bắc.
Toàn cảnh Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành. (Nguồn: Báo Lào Cai)
Toàn cảnh Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai. (Nguồn: Báo Lào Cai)

Vùng kinh tế động lực chủ đạo

Từ khi được thành lập và đi vào hoạt động năm 2001 đến nay, Khu KTCK Lào Cai ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong vị thế “cầu nối” của Lào Cai trên tuyến hành lang kinh tế động lực, cửa ngõ thông thương của các tỉnh miền Bắc Việt Nam với vùng Tây Nam của Trung Quốc.

Phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn năm 2020-2025 của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI chỉ rõ: “Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và đẩy mạnh liên kết kinh tế; phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh, phát triển KKTCK, đẩy mạnh liên kết kinh tế vùng, khu vực trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang Đông - Tây”.

KKTCK Lào Cai đi vào hoạt động từ năm 2001, đến nay được quy hoạch, xây dựng điều chỉnh theo Quyết định 1627/QĐ-TTg ngày 23/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu, tính chất: Xây dựng KKTCK Lào Cai thành vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh, là KKTCK đa ngành, điểm đột phá về kinh tế của Lào Cai và các tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ; là một trong những trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và vùng Tây Nam-Trung Quốc...

KKTCK Lào Cai có diện tích 7.989 ha, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với cặp cửa khẩu cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc), là cửa ngõ giao thương thuận lợi nhất giữa Việt Nam, các nước trong khu vực ASEAN với Vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.

Đồng thời, đây cũng là cặp cửa khẩu duy nhất có đủ các loại hình vận tải: đường sắt, đường bộ cao tốc, đường thủy và tương lai gần là đường hàng không.

Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai gồm Cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu, Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành và Ga Đường sắt Quốc tế Lào Cai với hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, văn minh, hiện đại, đủ điều kiện trở thành nơi trung chuyển hàng hóa lớn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN với thị trường Trung Quốc.

So với các địa phương khác trong cả nước, KKTCK Lào Cai có nhiều lợi thế đặc biệt. Là cửa khẩu duy nhất ở phía Bắc Việt Nam nằm trong lòng một thành phố trực thuộc tỉnh, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có cả hệ thống dịch vụ của một thành phố phục vụ cho nhu cầu giao lưu kinh tế - thương mại, xuất nhập khẩu. Đây cũng là một trong những vùng đệm quan trọng nhất của Khu vực Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) đã đi vào hoạt động từ năm 2010.

Những năm qua, Lào Cai xác định phát triển KKTCK là một không gian kinh tế rộng lớn, có tính liên vùng đa chức năng, trong đó, khu cửa khẩu quốc tế Lào Cai là khu vực hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch.

Giai đoạn 2001-2020, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Lào Cai tăng bình quân trên 15%/năm.

Năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này đạt 3,23 tỷ USD, tăng gấp 15,38 lần so với năm 2001.

Hiện nay, thường xuyên có gần 600 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, góp phần phát triển kinh tế biên mậu.

Cũng trong giai đoạn 2001-2020, trung bình hằng năm có gần 1,5 triệu lượt người tham gia hoạt động xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2020, trong KKTCK Lào Cai đã có 240 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 16 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có những dự án lớn như Nhà máy Luyện đồng Bản Qua (3,9 nghìn tỷ đồng); các dự án Logistics, kho bãi hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng...

Đặc biệt, giai đoạn từ 2011-20120, thu ngân sách qua cửa khẩu đạt trên 1.900 tỷ đồng/năm; tổng thu nộp ngân sách qua cửa khẩu chiếm gần 30% thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Hướng tới mô hình khu kinh tế phát triển toàn diện

Năm 2021, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, vị trí, vai trò Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai tiếp tục được phát huy với thời cơ và vận hội mới. KKTCK Lào Cai được điều chỉnh mở rộng, với nhiều chính sách mới; kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại hơn.

Với vị trí thuận lợi, KKTCK Lào Cai đã trở thành "hạt nhân kinh tế" của vùng Tây Bắc. Theo quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu KTKC Lào Cai được xây dựng, phát triển với mục tiêu chung là vùng kinh tế động lực, chủ đạo của địa phương và là 1 trong 8 KKTCK trọng điểm của quốc gia.

Bởi vậy, hoạt động của KKTCK Lào Cai không đơn thuần là một cực phát triển của vùng mà còn là trung tâm giao thương giữa các nước ASEAN và vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.

Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. (Nguồn: ĐT&KD)
Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. (Nguồn: ĐT&KD)

Hiện tỉnh Lào Cai đã và đang tiếp tục ưu tiên phát triển KKTCK theo hướng đề cao thương mại, dịch vụ, đầu tư xây dựng đô thị - công nghiệp tập trung, khu vui chơi giải trí, các khu chức năng khác và hình thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam.

Cùng với đó, các dịch vụ phục vụ hoạt động xuất - nhập khẩu, tài chính, ngân hàng, tạm nhập tái xuất, logistics… phát triển đa dạng.

Ông Ngô Quyền, Phó trưởng Ban KT-NS HĐND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, việc đổi mới quản lý KKTCK Lào Cai là tư duy định dạng lại mô hình phát triển kinh tế cửa khẩu thành mô hình khu kinh tế phát triển toàn diện. Trong đó không chỉ đẩy mạnh thông thương, phát triển dịch vụ theo chuỗi logistics mà phải phát triển KKTCK với tầm cỡ một đô thị lớn.

Theo đó, KKTCK Lào Cai được định hướng phát triển có đặc điểm mang tính rộng khắp, không bị giới hạn ở các hoạt động sản xuất và xuất khẩu, có tính tích hợp cao với phần còn lại của nền kinh tế Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung, đảm bảo sự kết nối hài hòa giữa hoạt động kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Với những thành tựu đạt được, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nói riêng và KKTCK Lào Cai nói chung đã góp phần thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, công nghiệp của tỉnh, đóng góp vào thành tích tốp đầu về Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm của địa phương.

Những định hướng phát triển trong giai đoạn mới sẽ là động lực để KKTCK Lào Cai có bước phát triển ấn tượng, khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của vùng Tây Bắc.

Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái - Sức bật quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội

Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái - Sức bật quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội

Là khu kinh tế trọng điểm quốc gia, nằm ở địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Móng Cái ...

Thế mạnh kinh tế cửa khẩu Quảng Ninh

Thế mạnh kinh tế cửa khẩu Quảng Ninh

Với 3 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu đang được khai thác hợp lý, phát huy được thế mạnh, kinh tế-xã hội Quảng Ninh nói ...