Tờ Le Figaro đăng title lớn "Khủng bố Hồi giáo ở Orlando, kinh hoàng và thù hận" với hình ảnh những người thân nạn nhân đang đau khổ, dành hai trang lớn bên trong và bài xã luận cho sự kiện này. Trang nhất của tờ Libération cũng đăng bức ảnh chủ đề tương tự, với tựa đề "Orlando - Vết thương mới sâu hoắm".
Thông điệp: "Tâm trí chúng ta luôn ở bên những nạn nhân của vụ tấn công Orlando" được viết trên là cờ 6 màu - biểu tượng của cộng đồng LGBT. (Nguồn: AP) |
Trong bài xã luận "Một bước ngoặt cho Mỹ" của tờ Le Figaro, tác giả nhận định: 15 năm sau các vụ khủng bố ngày 11/9/2001, nước Mỹ lại rơi vào thực tế khó tin. Người ta vẫn biết những "con sói đơn độc" thường lợi dụng số vũ khí chiến tranh được lưu chuyển thoải mái để thực hiện những vụ thảm sát mà không vì một lý tưởng nào. Mặc dù xảy ra các vụ giết người hàng loạt mới đây tại Boston và San Bernardino, nhưng mối đe dọa Hồi giáo không được người Mỹ coi trọng như ở châu Âu.
Tuy nhiên, điều đó sẽ thay đổi sau vụ xả súng ở Orlando. Trong giai đoạn vận động bầu cử hết sức căng thẳng, gây chia rẽ trong xã hội, vụ tấn công của một thanh niên Hồi giáo nhằm vào những người đồng tính ở đã lật ngược hẳn thế cờ.
Chỉ còn 6 tháng nữa Nhà Trắng sẽ thay chủ. Tất cả những gì Tổng thống Barack Obama nói và làm sẽ có tác động lên cuộc chạy đua giành chức Tổng thống Mỹ. Việc ông Obama ngần ngại không muốn chỉ trích Hồi giáo sẽ được ứng cử viên Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump tận dụng khai thác. Ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ Mỹ Hillary Clinton, vốn hoan nghênh vị Tổng thống sắp mãn nhiệm đứng về phía mình, có thể phải giữ khoảng cách với chủ trương "lãnh đạo từ phía sau" (leading from behind) mà cái giá phải trả cao hơn hiệu quả.
Từ nay, Tổng thống Obama sẽ phải xem xét lại chiến lược và mục tiêu trong trận chiến chống lại tổ chức IS. Tại Mỹ, khủng bố Hồi giáo và việc kiểm soát vũ khí sẽ là những chủ đề chính trị chủ yếu được đem ra tranh luận.
Vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ vừa qua tại Orlando được nhiều báo Pháp nhận đình là "bước ngoặt" trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016. (Nguồn: Le Figaro) |
Bài phân tích có tựa đề "Một vụ thảm sát sẽ đánh dấu bước ngoặt trong chiến dịch tranh cử Tổng thống" được đăng trên tờ Le Figaro cho rằng, ứng cử viên Trump sẽ hưởng lợi lớn qua vụ này. Mặc dù thủ phạm sinh ra tại Mỹ, nhưng đòi hỏi tạm thời cấm người theo đạo Hồi nhập cảnh vào Mỹ của nhà tỉ phú này bỗng nhiên có vẻ được nhiều người dân chấp nhận.
Ông Trump và cánh hữu Mỹ cho rằng, ông Obama đã đánh giá thấp thách thức từ Hồi giáo cực đoan. Vụ thảm sát ở Orlando cho thấy, nước Mỹ không hề có an ninh tốt hơn châu Âu trước khủng bố Hồi giáo, và đây không đơn giản là vấn đề "kinh tế xã hội" như Tổng thống Mỹ đã hàm ý trong bài phát biểu sau các vụ khủng bố ở Paris, kêu gọi Pháp hãy giúp các cộng đồng thiểu số hội nhập tốt hơn. Sau các vụ xả súng ở Boston, Chattonooga, San Bernadino và nay là Orlando, cuộc tranh cãi sẽ còn sôi sục.
Theo tờ Le Figaro, tỉ phú Trump, vốn tự giới thiệu bản thân là người duy nhất có khả năng lập lại trật tự, có thể hưởng lợi. Chủ đề này sẽ làm người ta quên đi những lời lên án từ cánh tả là kỳ thị chủng tộc và cực đoan, và thậm chí còn có thể thu hút được một số cử tri Kitô giáo người Mỹ da màu và Mỹ Latin xưa nay vẫn ủng hộ đảng Dân chủ.