Sự hình thành nhanh chóng của bão Beryl một phần có thể do biến đổi khí hậu. (Nguồn: Al Jazeera) |
Theo Trung tâm cảnh báo bão quốc gia Mỹ (NHC), Beryl đã trở thành một cơn bão "siêu nguy hiểm" cấp 5. Bão di chuyển về phía Jamaica, khiến đường dây điện bị ngắt, nhà cửa hư hại và đường phố ngập lụt trên các đảo khác ở Đông Nam Caribe.
Beryl đã đổ bộ vào đảo Carriacou thuộc Grenada ngày 1/4. Trước đó, đảo Carriacou đã rơi vào mắt bão và hứng chịu tác động với sức gió duy trì trên 240 km/h. Theo NHC, các đảo lân cận gồm Grenada, Saint Vincent và Grenadines cũng đối diện “gió giật mạnh kinh hoàng và sóng biển dâng cao đe dọa tính mạng”.
Phát biểu họp báo, Thủ tướng Grenada Dickon Mitchell cho rằng “chỉ trong vòng nửa giờ, Carriacou đã bị san phẳng” và kỳ vọng sẽ không có thêm thương vong.
Chính quyền đã cử người đến các hòn đảo này vào ngày 2/7 để đánh giá tình hình.
Từ đảo Saint Lucia đến Grenada, đường phố ngập ngụa giày dép, cây cối, dây điện bị quật đổ cùng nhiều mảnh vỡ vương vãi.
“Lúc này, tôi thực sự đau lòng,” bà Vichelle Clark King chia sẻ khi nhìn cửa hàng của mình ở thủ đô Bridgetown của Barbados ngập trong cát và nước.
Trong khi đó, ngày 3/7, Mexico thông báo đã huy động hơn 8.500 binh sĩ thuộc nhiều lực lượng để hỗ trợ người dân phòng chống siêu bão Beryl dự kiến quét qua bán đảo Yucatan thuộc khu vực duyên hải miền Đông nước này vào đêm 4/7.
Hơn 3.800 binh sĩ quân đội và Vệ binh quốc gia, 4.700 nhân sự thuộc Bộ An ninh, Hải quân và Tập đoàn điện lực quốc gia cùng với hàng trăm phương tiện hỗ trợ, bệnh viện dã chiến đã được huy động đến bang Quintana Roo thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, các nhà chức trách Mexico cũng thiết lập 112 trạm tránh bão dã chiến cho gần 21.000 người dân tại địa phương này.
Ngày 29/6, Beryl trở thành cơn bão đầu tiên của mùa bão Đại Tây Dương năm 2024 và nhanh chóng mạnh lên thành cấp 4. Các chuyên gia cho rằng đây là trường hợp cực kỳ hiếm gặp với một cơn bão mạnh xảy ra vào thời điểm đầu mùa bão Đại Tây Dương (thường kéo dài từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 11).
Sự hình thành nhanh chóng này một phần có thể là do biến đổi khí hậu. Tình trạng nóng lên toàn cầu đẩy nhiệt độ ở Bắc Đại Tây Dương lên mức cao kỷ lục, khiến nước trên bề mặt biển bốc hơi nhiều hơn, tạo nên những cơn bão dữ dội với tốc độ gió cao hơn.
"Biến đổi khí hậu đang tạo điều kiện thuận lợi cho những cơn bão dữ dội hơn hình thành", Christopher Rozoff, nhà khoa học khí quyển tại Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia ở bang Colorado (Mỹ) nhận định.
Còn Andra Garner, nhà khí tượng học tại New Jersey, lưu ý rằng Beryl đã tăng từ cấp 1 lên cấp 4 chỉ trong vòng chưa đầy 10 giờ. Nghiên cứu của bà cho thấy trong 5 thập kỷ qua, do nhiệt độ nước biển tăng, khả năng các cơn bão yếu chuyển thành bão lớn chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ đã cao hơn gấp đôi.