E.coli là từ viết tắt của Escherichia, là một tập hợp của hàng trăm vi khuẩn, và hầu hết là vô hại. Theo Giáo sư Michael Sadowski của ĐH Minnesota (Mỹ), E.coli chỉ là một ký sinh bình thường trong ruột của những loài máu nóng. Điều đó có nghĩa là con người, các loại gia súc và các động vật hoang dã đều mang các chủng E.coli ở trong ruột. Các chủng vi khuẩn của E.coli thậm chí còn thực hiện một số quá trình sinh hóa giúp tiêu hóa thức ăn.
Dù các khuẩn E.coli gây bệnh là rất hiếm, nhưng trong mấy thập kỷ gần đây, E.coli đã gây lo ngại cho sức khỏe khi người ta phát hiện một số chủng có thể sản sinh chất độc mạnh. Giữa những năm 1900, các nhà khoa học bắt đầu phát hiện các chủng E.coli gây ỉa chảy dễ dẫn đến tử vong. Không giống như E.coli thông thường, chúng sản sinh ra chất độc Shiga, lấy theo tên của người phát hiện là nhà vi khuẩn học Kiyoshi Shiga của Nhật Bản. Tiếp đó, các nhà khoa học còn phát hiện thêm chủng E.coli gây tán huyết ure (ảnh hưởng lên máu, thận, và nguy hiểm nhất là hệ thần kinh trung ương). Năm 1982 và 1993, tại Mỹ, E.coli độc được phát hiện trong hamburger. Tiếp đó, năm 2006, thủ phạm gây hai này lại xuất hiện trong rau xà lách, giá đỗ và thậm chí cả bột mì khiến hàng trăm người nhiễm bệnh. Và lần này, ban đầu "thủ phạm" được cho là dưa chuột xuất xứ từ Tây Ban Nha khiến việc xuất khẩu sản phẩm này gặp khó khăn.
Theo Medical News, phân tích gene ban đầu cho thấy chủng E.coli lần này có thể là một dạng đột biến của hai chủng gây hại nói trên, tạo thành một chủng mới "siêu độc". Hilde Kruse, một chuyên gia về an toàn thực phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, chủng E.coli này mang một vài đặc điểm khiến nó có độc lực mạnh và nguy hiểm hơn những chủng khác của khuẩn này mà chúng ta vẫn có trong ruột. Vi khuẩn này tạo ra các độc tố làm hỏng đường ruột, gây tiêu chảy có máu và suy thận. Viện nghiên cứu Gene Bắc kinh (Trung Quốc) thì cho biết, nó còn chứa một số gene kháng với thuốc kháng sinh.
Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha hiện đều đã có các trường hợp nhiễm bệnh. Mỹ cũng đang lo ngại cho sự an toàn thực phẩm của mình. Việc đối phó với E.coli gây độc càng khó khi các chuyên gia nhận định việc vi khuẩn trao đổi gene lần này là một điều không bình thường cũng như thật khó để có thể giải thích chủng mới này có nguồn gốc từ đâu. Thêm nữa, các nhà khoa học cũng chưa có câu trả lời tại sao người nhiễm bệnh do E.coli chủ yếu là phụ nữ ở độ tuổi gần 40.
Trong khi chờ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, nhiều nước đã ra khuyến cáo người dân cẩn thận trước nguy cơ nhiễm khuẩn độc E.coli. Theo đó, rửa tay là một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của E.coli qua thức ăn, nhưng rửa sạch có nghĩa là phải xả nước 20 phút bằng xà phòng và nước ấm sau khi xử lý thức ăn và đi vệ sinh. Các dụng cụ làm bếp và bề mặt bếp cũng phải được khử trùng. Thực phẩm được khuyến nghị lưu giữ trong tủ lạnh ở dưới 4 độ C. Khi đi mua sắm, không để thức ăn trộn lẫn vào nhau khi chưa được chế biến. Các thức ăn phải được nấu chín hoàn toàn. Và nếu còn lo lắng các loại rau có đủ sạch hay không, hãy nấu kỹ chúng!
Kim Chung