📞

Khủng bố ở Đông Nam Á: Nguy cơ ngày càng rõ

07:00 | 12/08/2016
Những diễn biến gần đây cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng  đang có xu hướng mở rộng hoạt động tới khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là thách thức to lớn đe dọa hòa bình, ổn định khu vực.

Singapore rúng động

Ngày 5/8, quốc đảo nhỏ bé Singapore - vốn chưa từng hứng chịu một cuộc tấn công khủng bố nào trong nhiều năm qua - đã rúng động trước âm mưu tấn công bằng rocket nhằm vào khu du lịch Marina Bay. May mắn là điều này đã không xảy ra nhờ sự phát hiện và ngăn chặn kịp thời của nhà chức trách Indonesia.

Cảnh sát Indonesia đã bắt giữ 6 kẻ tình nghi đang âm mưu phối hợp với một thành viên IS nhằm tấn công Singapore bằng rocket từ Batam, một hòn đảo nằm cách Singapore khoảng 15km về phía Nam. Nếu như không có sự xuất sắc của lực lượng chống khủng bố Indonesia, chưa biết hậu quả xảy ra đối với Singapore sẽ lớn chừng nào.

Cảnh sát Singapore tăng cường các biện pháp an ninh sau khi âm mưu tấn công quốc đảo này bị phát hiện hôm 5/8. (Nguồn: Channel News Asia).

Cho dù âm mưu tấn công Singapore that bại, vụ việc cũng đã chứng tỏ một thực tế rằng, nguy cơ xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở khu vực Đông Nam Á có bàn tay dính líu của IS ngày càng rõ.

Vào đầu năm nay, IS đã đánh dấu sự xuất hiện tại khu vực khi chính Indonesia đã trở thành mục tiêu tấn công khủng bố. Ngày 14/1, IS đã thực hiện 7 vụ đánh bom liên hoàn và xả súng tại trung tâm thương mại Sarinah ở thủ đô Jakarta, làm 8 người thiệt mạng và 20 người khác bị thương.

Đến tháng Tư, IS tiếp tục cảnh báo Malaysia, Philippines và Singapore nằm trong số những mục tiêu tấn công tiếp theo. Mới đây nhất, IS công bố một video kêu gọi những kẻ thánh chiến đánh bom phá hoại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tổ chức ở Philippines vào năm tới, gây lo ngại rất lớn không chỉ cho ban tổ chức cuộc thi này mà còn đối với cả an ninh khu vực.

Địa bàn hoạt động mới

Trong bối cảnh các liên quân quốc tế chống khủng bố gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào IS ở Trung Đông khiến nhóm này phải hứng chịu nhiều tổn thất, các thủ lĩnh của IS buộc phải tìm kiếm địa bàn hoạt động mới. Chúng muốn tấn công khủng bố ở Đông Nam Á để quảng bá tổ chức của mình trong khu vực và thu hút thêm các phần tử cực đoan tại đây. Có một số thuận lợi để IS biến khu vực này thành địa bàn hoạt động mới của chúng.

Thứ nhất, Đông Nam Á là khu vực có đông người Hồi giáo sinh sống tại các nước như Indonesia, Malaysia, Philippines. Điều này dẫn đến lo ngại rằng những kẻ Hồi giáo cực đoan sẽ dễ dàng truyền bá tư tưởng và lôi kéo các tín đồ Hồi giáo chân chính đi vào con đường khủng bố.

IS đang mở rộng địa bàn hoạt động sang các nước Đông Nam Á. (Nguồn: AP)

Thứ hai, tại khu vực Đông Nam Á cũng đang tồn tại một số nhóm khủng bố Hồi giáo như Jemaah Islamiyah (ở Indonesia), Abu Sayap (ở Philippines)… Những nhóm này có thể sẵn sàng làm chân rết và gia nhập IS, tạo thuận lợi cho IS dễ dàng đặt chân và tiến hành hoạt động trong khu vực hơn. Theo báo The Star (Malaysia) ngày 7/8, khoảng 300 tay chân của Abu Bakar Bashir, cựu lãnh đạo tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah và là chủ mưu loạt vụ đánh bom đẫm máu ở Bali năm 2002, sau khi được ra tù đã đến đảo Batam, đảo Riau của Indonesia, để chuẩn bị xây dựng căn cứ mới cho IS tại nơi này.

Thứ ba, sức mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội có thể giúp IS thu hút thêm nhiều phần tử cực đoan đến từ các quốc gia Hồi giáo tại Đông Nam Á. Những bất ổn kinh tế, xã hội ở các nước trong khu vực là nguyên nhân khiến nhiều phần tử bất mãn có thể sẵn sàng gia nhập IS khi được chúng tuyển mộ.

Chiến lược của IS có thể là nhắm đến việc tạo ra một chi nhánh của tổ chức này ở Đông Nam Á, bắt đầu từ Indonesia, Malaysia, sau đó có thể lan sang Singapore và các nước khác, từ đó hỗ trợ cho các hoạt động của tổ chức này ở khu vực Trung Đông, hiện thực hóa âm mưu thành lập “Vương quốc Hồi giáo” (Caliphate). Nếu điều này thành hiện thực, đây sẽ là mối đe dọa to lớn đối với an ninh, ổn định không chỉ của khu vực Đông Nam Á mà còn trên phạm vi toàn thế giới.

Đứng trước thách thức trên, các nước Đông Nam Á cần nhận thức rõ hơn về nguy cơ cũng như tích cực đề ra các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nước đối tác khác để ngăn chặn khủng bố trong khu vực.

Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng AMM 49, diễn ra mới đây tại Lào, cũng đã nhấn mạnh đến mục tiêu chống bạo lực cực đoan, chủ nghĩa khủng bố cũng như các giải pháp nhằm xóa bỏ nguồn gốc sinh ra chúng. Hy vọng các nước trong khu vực sẽ đoàn kết, có các biện pháp hữu hiệu để khủng bố không có đất tồn tại và phát triển ở Đông Nam Á, duy trì hòa bình, ổn định khu vực.