📞

Khủng bố ở Paris hay kỷ nguyên hậu 11/9

08:44 | 16/11/2015
Sau những vụ tấn công khủng bố ở Paris, những người Hồi giáo càng gia tăng nỗi sợ bị gắn liền với khủng bố và quan điểm của các nhóm cực hữu cũng có thể khơi thêm lòng hận thù.
Cảnh sát có vũ trang của Pháp tuần tra trên đường phố Paris. (Nguồn: EPA)

Một lần nữa, nỗi kinh hoàng lại bao trùm Paris. Những xác chết nằm la liệt. Sự hoảng loạn lan rộng. Bạn bè, người thân tìm cách liên lạc với nhau trong cơn chấn động. Cả nước Pháp chìm trong nỗi đau. Với người dân Pháp, năm 2015 đã khởi đầu với thảm kịch Charlie Hebdo và gần cuối năm thì diễn ra các cuộc tấn công thậm chí còn khủng khiếp hơn nhiều.

Rõ ràng, những vụ nổ và xả súng đã tấn công vào cả nước Pháp, gây tác động đến chính trị và sự gắn kết xã hội của đất nước này.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Lần gần đây nhất nước này ban bố tình trạng khẩn cấp là vào năm 2005, khi tình trạng bạo loạn diễn ra ở ngoại ô Paris giữa những thanh niên, những người Hồi giáo hoặc người nhập cư thế hệ thứ hai và lực lượng cảnh sát.

Paris hiện thời giống như đang trong vùng chiến và nỗi đau sẽ gợi ra cho người dân thêm nhiều câu hỏi: Tại sao chuyện này lại xảy ra? Hệ thống an ninh đã mất hiệu lực?… Điều này cũng sẽ dẫn đến những hệ quả chính trị khác, chẳng hạn như Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp có thể sẽ được lợi từ những biến cố trên.

Sau thảm kịch Charlie Hebdo, Thủ tướng Pháp Manuel Valls phát biểu trước Quốc hội rằng, Pháp đang trong tình trạng chiến tranh. Ông nhấn mạnh thêm rằng Pháp "không có chiến tranh với Hồi giáo" và đó là một tín hiệu đối với cộng đồng Hồi giáo lớn nhất châu Âu. Nhưng những lời đó đã không có tác dụng gì nhiều trong việc dập tắt những căng thẳng tiềm ẩn nảy sinh trong cộng đồng.

Còn quá sớm để nói về những điều đã xảy ra một cách chính xác – mặc dù truyền thông từng nhắc đến việc một kẻ tấn công đã hét lên: “Điều này là vì Syria!” trước khi nổ súng. Tổng thống Hollande đã nói về "những kẻ khủng bố" và khẳng định trên truyền hình quốc gia rằng: "Chúng tôi biết những người này là ai". Nhưng có điều, rõ ràng là các cuộc tấn công đã được chuẩn bị kỹ càng - tất cả diễn trong một đêm và tại các địa điểm khác nhau và tại những nơi tập trung đông người.

Bataclan là nơi hòa nhạc nổi tiếng, chỉ biểu diễn vào mỗi tối thứ Sáu. Cuộc tấn công khác xảy ra gần sân vận động Stade de France, nơi diễn ra một trận đấu giữa Pháp và Đức, có Tổng thống Hollande tham dự. Các mục tiêu đã được tính toán kỹ. Tất cả những manh mối đó gây tác động tâm lý mạnh và kéo dài.

Các chuyên gia an ninh đã từng cảnh báo, sau thảm kịch Charlie Hebdo thì các mối đe dọa từ những nhóm thánh chiến liên kết với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các tổ chức khác sẽ tăng lên. Nhưng khó có thể ngờ một cuộc tấn công cường độ mạnh như vậy lại xảy ra ngay giữa thủ đô của nước Pháp.

Những năm gần đây, Pháp – là một cường quốc quân sự - đã can dự sâu vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và thánh chiến, chủ yếu ở Sahel, châu Phi kể từ tháng Giêng năm 2013, khi quân đội nước này bắt đầu hoạt động ở Mali và sau đó là các quốc gia châu Phi khác. Hàng ngàn binh lính Pháp đã tiến hành các cuộc oanh tạc thường xuyên tại đây. Kể từ năm 2014, Pháp tham gia liên minh chống IS ở Iraq. Năm nay, Pháp đã gia tăng các nỗ lực không kích ở lãnh thổ Syria.

Pháp là một trong những nước châu Âu từ đó hàng trăm tân binh IS, thường sinh ra và học tập ở Pháp được, đã đi đến Syria. Chủ nghĩa cực đoan ngày càng phát triển. Điều này càng dễ nảy mầm trong bối cảnh một xã hội có tỷ lệ thanh niên tất nghiệp cao, đặc biệt là vùng ngoại ô, kết hợp sự đối xử phân biệt chủng tộc chống lại người Ả rập và người châu Phi.

Những tín đồ Hồi giáo ở Pháp sẽ ngày càng sợ bị gắn cho cái mác liên quan đến sự cuồng tín và khủng bố. Những nhóm cực hữu, vì dân có thể “đổ thêm dầu vào lửa”. Sau vụ Charlie Hebdo, hàng ngàn binh lính Pháp đã được triển khai trên toàn quốc để đảm bảo an ninh cho các trường học, nhà ga, cơ quan hành chính... Hồi đầu năm nay, những kẻ khủng bố nhắm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo và sau đó là một cửa hàng tạp hóa, giết chết các nhà báo, cảnh sát và những người Do Thái. Cuộc tấn công của chúng diễn ra trong thời gian khoảng 3 ngày.

Đứng trên bình diện châu Âu và cả phương Tây, những gì vừa xảy ra ở Paris chỉ mới là sự khởi đầu và nhiều người sẽ xem nó như là lời nhắc nhở đau thương về một thực tế rằng, chúng ta vẫn đang sống trong thời kỳ hậu kỷ nguyên 11/9.

Thảo Vy (theo Guardian)