📞

Khủng hoảng Haiti: Hy vọng về chính phủ mới 'tan thành mây khói', LHQ sơ tán nhân viên, Nga đổ lỗi cho Mỹ

Bảo Minh 09:30 | 14/03/2024
Kế hoạch thành lập chính phủ lâm thời ở Haiti dường như đã thất bại khi nhiều đảng chính trị bác bỏ kế hoạch thành lập Hội đồng chuyển tiếp để quản lý quá trình chuyển đổi.
Bạo lực băng đảng đang nhấn chìm Haiti, khiến tình trạng khủng hoảng ngày càng tồi tệ hơn. (Nguồn: Shutterstock)

Theo đề xuất của Cộng đồng Caribbean (Caricom), Hội đồng chuyển tiếp Haiti sẽ chịu trách nhiệm bầu ra thủ tướng lâm thời và Hội đồng bộ trưởng nhằm cố gắng vạch ra một lộ trình mới cho quốc gia Mỹ Latinh này, trong bối cảnh khủng hoảng trầm trọng do các băng nhóm vũ trang hoành hành.

Hội đồng chuyển tiếp sẽ gồm có 9 thành viên, 7 người trong số này đảm nhận chức chủ tịch luân phiên, trong khi 2 đại diện của khu vực tôn giáo và xã hội dân sự sẽ là quan sát viên.

Yêu cầu để trở thành thành viên của Hội đồng chuyển tiếp là phải từ bỏ tư cách ứng cử viên trong các cuộc bầu cử tiếp theo; không bị kết án, buộc tội về bất kỳ tội danh nào và ủng hộ Nghị quyết 2699 của Liên hợp quốc về việc triển khai Sứ mệnh Hỗ trợ an ninh đa quốc gia tại Haiti.

Theo kế hoạch, sau khi cơ quan nêu trên được thành lập, ông Ariel Henry sẽ từ chức thủ tướng.

Tuy nhiên, AP đưa tin, ngày 13/3, cựu thượng nghị sĩ và ứng cử viên tổng thống Mose Jean-Charles, người đã hợp tác với cựu thủ lĩnh phiến quân Guy Philippe, khẳng định sẽ không tham gia Hội đồng chuyển tiếp.

Cựu thượng nghị sĩ Guy Philippe, nhân vật đối lập được đặt nhiều kỳ vọng, cũng phản đối thỏa thuận thành lập Hội đồng chuyển tiếp và nhấn mạnh rằng, không người dân Haiti nào chấp nhận kế hoạch trên.

Cựu Đại tá Himmler Rébu, Chủ tịch đảng Đại Đoàn kết vì sự Phát triển của Haiti-một trong những tổ chức chính trị được đề nghị giữ một ghế trong Hội đồng Chuyển tiếp gồm 9 thành viên, cũng không ủng hộ đề xuất này.

Nhiều chính trị gia nổi tiếng khác của Haiti cũng từ chối tham gia vào Hội đồng Chuyển tiếp.

Các nhà lãnh đạo Caricom chưa đưa ra bình luận nào liên quan.

Trong bối cảnh đó, cùng ngày, người phát ngôn LHQ Stéphane Dujarric tuyên bố, tổ chức này sẽ giảm bớt sự hiện diện tại Haiti theo quy trình quản lý rủi ro an ninh song vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình.

Phản ứng với tình hình tại Haiti, cũng trong ngày 13/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh nguy cơ sụp đổ cao của nhà nước Mỹ Latinh này.

Bà khẳng định, nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng ở Haiti là sự can thiệp của Mỹ và công việc nội bộ của quốc gia Caribbean, bao gồm cả “kỹ thuật chính trị” như bổ nhiệm nhân sự.