📞

Khủng hoảng Haiti: Tương lai vô định, triệu con mắt đổ dồn vào Sứ mệnh hỗ trợ an ninh đang 'bặt vô âm tín', Mỹ lên tiếng

Bảo Minh 09:53 | 13/03/2024
Sau việc Thủ tướng Haiti Ariel Henry cam kết sẽ từ chức khi Hội đồng chuyển tiếp được thành lập, tương lai chính trị của quốc gia Caribbean này vẫn chưa có hướng đi cụ thể, trong bối cảnh bạo lực băng nhóm tiếp diễn.
Bạo lực băng nhóm ở Haiti vẫn tiếp diễn trong bối cảnh xuất hiện khoảng trống quyền lực khi Thủ tướng Heny từ chức. (Nguồn: Reuters)

Ngày 12/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller bày tỏ tin tưởng Haiti sẽ thành lập Hội đồng chuyển tiếp trong khoảng từ 24-48 giờ tới và hội đồng này sẽ đồng ý bổ nhiệm Thủ tướng mới, mặc dù chính quan chức này cũng thừa nhận “không biết khi nào” điều đó xảy ra.

Theo kế hoạch, Hội đồng chuyển tiếp - đại diện cho nhiều thành phần khác nhau của xã hội Haiti - chịu trách nhiệm bổ nhiệm một thủ tướng lâm thời và thành lập hội đồng bầu cử lâm thời, nhưng thời gian biểu cho các hoạt động này phụ thuộc vào việc tái lập an ninh trong nước.

Trong khi đó, điều kiện an ninh tại Haiti vẫn rất đáng lo ngại khi băng nhóm có vũ trang tiếp tục kiểm soát sân bay và cơ sở hạ tầng quan trọng, có nguy cơ khiến khoảng trống quyền lực ở nước này chưa thể "lấp đầy" trong một sớm một chiều.

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres “ghi nhận” thông báo từ chức của Thủ tướng Haiti và kêu gọi tất cả các bên hành động có trách nhiệm hướng tới các thỏa thuận cho phép khôi phục các thể chế dân chủ của quốc gia Caribbean.

Ông Guterres cũng liên tục hối thúc cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp, bao gồm hỗ trợ tài chính ngay lập tức cho Sứ mệnh hỗ trợ an ninh đa quốc gia đang rất cần thiết.

Hiện, một số người hoan nghênh quyết định của ông Henry, nhưng vấn đề được dư luận quan tâm nhiều hơn là khi nào Sứ mệnh này sẽ được triển khai để giúp Haiti củng cố lực lượng cảnh sát và lập lại trật tự.

Hồi năm ngoái, Kenya tuyên bố sẽ dẫn đầu lực lượng cảnh sát đa quốc gia tại Haiti, song những vướng mắc về thủ tục pháp lý trong nước đã khiến kế hoạch triển khai Sứ mệnh bị đình trệ.

Ngày 12/3, Reuters đưa tin, Kenya tuyên bố hoãn triển khai 1.000 cảnh sát đến hỗ trợ Haiti do lo ngại thiếu vắng lãnh đạo quốc gia. Bộ trưởng Ngoại giao Keyna Korir Sing'Oei lý giải rằng, tình hình Haiti đã thay đổi “đáng kể” sau tuyên bố từ chức của Thủ tướng Henry.

Trước đó, hôm 9/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng có cuộc trao đổi với Tổng thống Kenya William Ruto về cam kết triển khai Sứ mệnh an ninh đa quốc gia nhằm khôi phục trật tự tại đất nước Caribbean, song cho đến nay cũng không có thêm động thái mới.

Trong khi đó, người phát ngôn Stéphane Dujarric của Tổng thư ký LHQ cảnh báo, nếu bạo lực tiếp diễn ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti thì khoảng 3.000 phụ nữ mang thai sẽ không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế thiết yếu.

Khủng hoảng chính trị và nhiều năm hạn hán khiến khoảng 5,5 triệu người Haiti (tương đương 50% dân số nước này) cần hỗ trợ nhân đạo từ bên ngoài. LHQ ước tính, cần 674 triệu USD trong năm nay để hỗ trợ quốc gia Caribbean, nhưng đến nay mới chỉ huy động được 2,5% tổng số tiền.

Chính phủ Haiti hiện đã gia hạn thêm 1 tháng tình trạng khẩn cấp ở khu vực thủ đô Port-au-Prince từ ngày 7/3 do bạo lực từ các băng nhóm vũ trang đang kiểm soát phần lớn thành phố.