Nhỏ Bình thường Lớn

Khủng hoảng khí đốt

Cuộc khủng hoảng khí đốt nổ ra vào ngày 2/1/2009 không chỉ là trục trặc bình thường về thương mại hoặc kỹ thuật mà nguyên nhân sâu xa còn là sự xung đột về chính trị, khiến cả châu Âu đang hoảng loạn bởi tình trạng thiếu năng lượng vào đúng những ngày băng giá.

Nhằm ngày thứ 2 của năm 2009, các van của đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua ngả Ukraine đã bị khóa lại và sau đó 3 ngày không còn một chút khí đốt chảy qua tuyến này nữa do áp suất đột ngột bị tụt. Do cắt nguồn nguyên liệu quý hiếm này, cuộc sống toàn bộ khu vực Balkan, Bulgaria và Slovakia hầu như bị đảo lộn hoàn toàn. Nhiều nước như Czech, Hungary, Áo, Hy Lạp thiếu trầm trọng khí đốt. Hàng chục nước khác như Đức, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị tác động một phần. Nạn nhân bị khốn đốn nhiều nhất là Slovakia, chỉ một tuần sau khi khóa van dầu, nước này đã đứng bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng năng lượng thực sự. Nhiều nước khác, mặc dù có khối lượng dự trữ khá nhiều nhưng cùng lắm cũng chỉ chịu đựng được tối đa là 40 ngày nữa.

 

Trước tình hình phức tạp, đại diện của Ukraine và Nga đã ký lại hiệp định về cung cấp khí đốt. Phía Nga thông báo mọi điều khoản cam kết sẽ được tuân thủ đầy đủ vào sáng thứ 3, nghĩa là dòng khí đốt lại chảy tiếp tục. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng khí đốt vẫn chưa kết thúc. Chỉ sau vài giờ vận hành lại, dòng khí đốt lại ngừng chảy. Cả Nga và Ukraine lại tiếp tục đổ lỗi cho nhau.

 

Phía Nga thì cáo buộc Ukraine đã không chịu mở khóa van đường ống dẫn trên phần lãnh thổ của mình còn Ukraine thì thanh minh rằng họ không thể chuyển tải khí đốt vì chẳng có tí nào chảy từ Nga sang cả.  Chủ tịch của Ủy ban châu Âu Jose Barraso đã gọi điện cho Thủ tướng Putin để bày tỏ sự bất bình. Còn phía Ukraine thì yêu cầu phải có thêm 140 triệu khối để giữ được áp lực cần thiết bên trong đường ống. Phía Nga lại cho rằng số lượng này đã bị Ukraine lấy cắp.

 

Cuộc tranh cãi không có tiền lệ trong lịch sử quan hệ quốc tế chắc còn kéo dài. Nước Nga ngừng cấp khí đốt bởi cho rằng Ukraine đã sử dụng lượng khí đốt trung chuyển đáng ra phải dành cho châu Âu.

 

Nhiều nước châu Âu chưa bị tác động trầm trọng do van khí từ Ukraine bị đóng là do còn có nguồn cung từ Na Uy. Tuy nhiên, nếu nguồn này không đủ thì trước hết, họ phải cắt giảm khí đốt cho các khu công nghiệp tương tự như trường hợp của Slovakia. Cuộc khủng hoảng còn tác động đến cuộc sống của từng gia đình, nhất là để sưởi ấm vào mùa Đông, tuy nhiên, tác hại kéo dài bao lâu còn phụ thuộc vào thời gian khôi phục cung cấp khí. Cách khắc phục duy nhất chỉ là chịu khó tắm rửa bằng nước lạnh, ngừng đun nấu bằng bếp gas và chỉ được phép đốt lò sưởi vài giờ mỗi ngày. Theo các chuyên gia, hệ thống nhà máy cung cấp nhiệt phần lớn đã tính đến khả năng thiếu khí đốt và đã dự phòng hệ thống đun nóng bằng dầu. Hệ thống lò sưởi trong mùa Đông cũng đã có phương án kết nối bằng nguồn điện. Giá khí đốt dù khan hiếm cũng sẽ không tăng. Đại diện của Transgas thậm chí còn khẳng định sẽ giảm giá từ cuối tháng 4.

 

Ai cũng rõ, một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng khí đốt lần này là do Nga tăng giá bán. Năm ngoái, Ukraine chỉ phải trả 180 USD cho 1.000 khối khí, còn nay, Gazprom nâng giá lên 450 USD. Bên cạnh đó, Ukraine còn nợ Nga khoảng 600 triệu USD, đó là chưa kể những ràng buộc liên quan đến việc chuyển tải khí đốt sang châu Âu qua ngả Ukraine. Nếu tình trạng khủng hoảng chưa được khắc phục, các nạn nhân kế tiếp sẽ là CH Czech, Bulgaria, Hy Lạp, Romania, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ… Tuy nhiên, trừ Czech, các nước nêu trên đều phụ thuộc hoàn toàn từ nguồn khí do Nga cung cấp. Cuộc khủng hoảng khí đốt vẫn chưa thể kết thúc. Công ty Naftogaz của Ukraine đã thừa nhận rằng họ không đủ năng lực để đáp ứng các yêu sách vận chuyển quá cảnh do Gazprom nêu ra. Song, ai cũng hiểu rằng cuộc khủng hoảng này đâu phải chỉ do nguyên nhân an ninh năng lượng hoặc vấn đề kỹ thuật.

 

Phong Nhi