Khủng hoảng năng lượng: LNG là một trong những phương án mà châu Âu chọn để thay thế khí đốt Nga. (Nguồn: AP) |
Hiện giá khí đốt gần đây đã giảm do nhiệt độ ấm áp bất thường, kho dự trữ khí đốt dưới lòng đất của Liên minh châu Âu (EU) gần đầy và nhu cầu sử dụng thấp hơn bình thường. Tuy nhiên, một đợt lạnh bất thường trong mùa Đông có thể nhanh chóng gây ra vấn đề.
Ông Jaume Loffredo, một quan chức cấp cao về chính sách năng lượng tại Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu cho biết: “Có thể các nước châu Âu không có đủ khí đốt để vượt qua mùa Đông, đặc biệt là nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung năng lượng".
Chuyên gia Jack Sharples tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford thì cho rằng: "Châu Âu giống như một người đang cố gắng đi bộ trên một sợi dây treo giữa hai tòa nhà rất cao. Có một con đường thẳng từ bên này đến bên kia, nhưng không được phép xảy ra sai sót".
Khí đốt như một "vũ khí"
Châu Âu phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng liên quan: khủng hoảng khí đốt và khủng hoảng điện.
Nga - trước đây là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của châu Âu, đã cắt giảm nguồn cung để "trả đũa" các lệnh trừng phạt mà EU đặt ra với chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo trong một báo cáo hồi đầu tháng 10 rằng: “An ninh nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu đang đối mặt với nguy cơ chưa từng có khi Nga tăng cường sử dụng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên như một vũ khí".
Khí đốt chiếm khoảng 20% sản lượng điện của EU vào năm 2020. Trong khi đó, khoảng một nửa lượng khí đốt tiêu thụ ở châu Âu được sử dụng để sưởi ấm không gian trong mùa Đông.
Nguồn cung điện của châu Âu cũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán và các đợt nắng nóng trong mùa Hè, gây ra các vấn đề với việc sản xuất thủy điện và các nhà máy điện hạt nhân của Pháp.
Các nước EU đã đồng ý cắt giảm 15% nhu cầu khí đốt và đặt mục tiêu tiết kiệm điện trong giờ cao điểm để giải quyết vấn đề. Khối 27 thành viên cũng đang nỗ lực để kiểm soát giá cao, với hy vọng có thể xoa dịu tình hình trong những năm tới.
Các chính phủ đang nỗ lực để ngăn chặn sự thiếu hụt, lấp đầy kho chứa khí đốt của châu Âu ở mức trung bình trên 90% và thay thế việc nhập khẩu khí đốt từ đường ống của Nga bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), được giao dịch trên các tàu lớn.
Tuy nhiên, sự gia tăng nhu cầu khí đốt của châu Âu và châu Á, một phần do thời tiết, có thể tạo ra sự cạnh tranh hơn đối với nhập khẩu LNG và khiến giá tăng trở lại. Nếu nhu cầu sử dụng LNG không giảm, châu Âu có thể phải đối mặt với phương án phân phối khí đốt.
Học giả nghiên cứu toàn cầu Anne-Sophie Corbeau tại Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia (Mỹ) nói rằng: "Châu Âu sẽ ổn nếu mùa Đông không quá lạnh, nếu LNG tiếp tục chảy sang khu vực này và nếu không có thêm sự phá hoại nào đối với cơ sở hạ tầng quan trọng".
Tin liên quan |
'Bơ' khí đốt Nga nhưng EU vẫn mạnh tay mua LNG, Moscow lại có cớ chơi trò 'mèo vờn chuột' |
Điều gì có thể xảy ra trong trường hợp xấu nhất?
Nhà nghiên cứu Sharples cho biết, tại châu Âu, khí đốt được tiêu thụ chủ yếu trong khu vực công nghiệp, sản xuất điện và sưởi ấm không gian.
Ông nhận định: "Điều đó có nghĩa là nếu thời tiết lạnh hơn dự báo, khu vực công nghiệp sẽ phải giảm tiêu thụ”.
Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, chẳng hạn như sản xuất thép, sản xuất thủy tinh hoặc lĩnh vực phân bón, có thể phải yêu cầu không tiêu thụ khí đốt hoặc điện vào thời điểm cao điểm. Sau đó, các nhà máy khác có thể phải đóng cửa.
Nhưng theo nhà nghiên cứu Sharples, nếu những yêu cầu trên không có tác dụng làm giảm nhu cầu tiêu thụ thì nguồn cung cấp khí đốt cho các tổ chức thương mại có thể bị cắt giảm, đồng nghĩa với việc các cửa hàng và doanh nghiệp có thể phải đóng cửa.
Các quốc gia cũng có thể kích hoạt một chiến dịch thông tin công khai để giảm nhu cầu của người tiêu dùng. Ví dụ, ở Pháp, người tiêu dùng có thể nhận được thông báo cắt giảm mức tiêu thụ của họ vào giờ cao điểm (vào buổi sáng và buổi tối) thông qua hệ thống EcoWatt đo mức tiêu thụ điện theo thời gian thực.
Cũng có nhiều cách để các công ty truyền tải điện tiết kiệm điện, chẳng hạn như giảm điện áp.
Ông Loffredo giải thích: "Các thiết bị điện sẽ hoạt động kém hơn bình thường, nhưng về nguyên tắc, chúng sẽ tiếp tục hoạt động".
Việc giảm điện áp sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp hơn là người tiêu dùng. Công ty điện lực công cộng Enedis của Pháp cho biết, việc giảm điện áp 5% sẽ làm giảm nhẹ công suất của các thiết bị điện. Điện thoại di động có thể sạc chậm hơn và bóng đèn sẽ giảm độ sáng.
Trong trường hợp xấu nhất, người tiêu dùng có thể phải đối mặt với tình trạng mất điện.
Enedis, công ty quản lý 95% hệ thống phân phối điện của Pháp cho rằng, việc mất điện cục bộ, luân phiên sẽ chỉ được sử dụng như một "phương sách cuối cùng", điều đã không xảy ra trong những thập niên gần đây.
Ủy viên Janez Lenarcic nói với truyền thông Đức rằng, nếu một số nhỏ các quốc gia EU gặp phải tình trạng mất điện, các quốc gia khác có thể cung cấp máy phát điện.
Ông nói thêm: “Nhưng nếu một số lượng lớn các quốc gia bị mất điện, ảnh hưởng đến mức các quốc gia EU phải giới hạn nguồn cung cấp khẩn cấp, thì chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu từ nguồn dự trữ chiến lược".
Tránh điều tồi tệ nhất
Theo các chuyên gia, người tiêu dùng và các ngành công nghiệp có thể thực hiện các hành động để tránh những trường hợp xấu nhất, bao gồm giảm nhu cầu khí đốt và điện trong giờ cao điểm.
Ông Loffredo nói: “Điều quan trọng bây giờ là tất cả các quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp khuyến khích người tiêu dùng và sẽ trả tiền để họ giảm tiêu thụ trong thời kỳ căng thẳng. Điều này sẽ giúp các quốc gia có thể tránh được tình huống xấu nhất".
Giảm nhu cầu là một trong những yếu tố có thể được kiểm soát, không giống như yếu tố thời tiết hoặc Nga cắt giảm thêm nguồn cung.
Theo bà Agata Łoskot-Strachota, thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu phương Đông ở Ba Lan, một trong những thách thức lớn ở châu Âu là "mức độ phối hợp và sự đoàn kết" mà họ có thể duy trì để vượt qua cuộc khủng hoảng.
Mặc dù trong mùa Đông năm nay, tình huống đáng sợ nhất có thể chưa đến, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng này có thể sẽ tồn tại trong nhiều năm.
Bà nhấn mạnh: “Tôi khá chắc rằng đây là một cuộc khủng hoảng có thể kéo dài ít nhất ba năm và năm tới sẽ rất thách thức vì EU có thể phải chứng kiến kho khí đốt không còn đầy ắp, trữ lượng than ở Ba Lan cạn kiệt và dự trữ tài chính của các nước đang thu hẹp lại".
| Nga-châu Âu đáp trả nhau liên quan tới xung đột ở Ukraine đã gây ra những làn sóng chấn động khắp các thị trường năng ... |
| Chuyên gia: Châu Âu ở ‘tâm chấn’ khủng hoảng năng lượng, nhưng Nga cũng 'không thắng' Theo ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), khả năng Nga tìm được một đối tác tiêu thụ ... |
| Việc châu Âu phụ thuộc vào năng lượng Nga trong nhiều thập niên có nghĩa là cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại sẽ còn ... |
| Khủng hoảng năng lượng: Có gì trong gói biện pháp khẩn cấp của EU? Liên minh châu Âu (EU) cần sớm thông qua gói biện pháp khẩn cấp về năng lượng vào cuối tháng 11 nhằm giảm thiểu các ... |
| Ngày 23/10, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết, hiện vẫn chưa rõ, một đợt giảm giá khí đốt đối với người tiêu ... |