Khủng hoảng năng lượng đang tác động mạnh đến kinh tế châu Âu. (Nguồn: Reddit) |
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2, giá năng lượng đã tiếp tục tăng cao và liên tục lên mức kỷ lục mới. Điều này khiến các nước châu Âu, hầu hết phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Moscow, rơi vào tình thế khó khăn.
Theo AFP, tại Liên minh châu Âu (EU), hàng trăm tỷ Euro tiếp tục được giải ngân để đối phó với khủng hoảng năng lượng. Các chính phủ đã nỗ lực tung các biện pháp "chưa từng có tiền lệ", từ việc hạn chế giá khí đốt và giá điện, đến việc giải cứu các công ty năng lượng đang gặp khó khăn, hay hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình.
Chi tiêu công vẫn tiếp tục dù EU đã tích lũy một "núi" nợ mới để cứu nền kinh tế khỏi đại dịch Covid-19 vào năm 2020. Kết quả là việc chi hàng trăm tỷ Euro cho khủng hoảng năng lượng đã khiến lạm phát tăng cao, làm tăng chi phí sinh hoạt và dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái.
Chẳng hạn, sau khi Italy công bố khoản tiền trị giá 14 tỷ Euro, Viện Bruegel, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels chuyên theo dõi chi tiêu cho khủng hoảng năng lượng của EU xếp Roma là quốc gia chi tiêu nhiều thứ hai ở châu Âu, sau Đức.
Kể từ tháng 9/2021, Italy đã "hào phóng" chi 59,2 tỷ Euro để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi giá năng lượng tăng, vốn chiếm 3,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Đức đứng đầu danh sách với khoản chi 100,2 tỷ Euro, chiếm khoảng 2,8% GDP. "Đầu tàu" châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga.
Pháp đứng thứ ba với khoản chi 53,6 tỷ Euro được phân bổ cho đến nay, chiếm 2,2% GDP.
Nhìn chung, các nước EU cho đến nay đã chi 314 tỷ Euro cho khủng hoảng năng lượng. "Con số này sẽ tăng lên khi giá năng lượng vẫn ở mức cao", Simone Tagliapietra, một thành viên cấp cao tại Bruegel nhận định.
Theo ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ, hóa đơn năng lượng của các gia đình châu Âu nói chung có thể lên tới 500 Euro một tháng vào đầu năm tới, so với mức 160 Euro năm 2021.
Tuy nhiên, việc "hào phóng" chi tiêu diễn ra sau khi các nước đã tiến hành những chính sách đối phó với đại dịch và làm gia tăng nợ công. Trong quý I/2022, nợ công tương đương tới 189% GDP của Hy Lạp, 153% ở Italy, 127% ở Bồ Đào Nha, 118% ở Tây Ban Nha và 114% ở Pháp.
Tin liên quan |
Khủng hoảng năng lượng: Các biểu tượng ‘đốt’ tiền điện ở châu Âu có còn rực sáng? |
Ông Tagliapietra nhận định: “Ban đầu những khoản hỗ trợ như một phản ứng tạm thời. Tuy nhiên, khủng hoảng năng lượng gia tăng khiến các biện pháp này đã phát triển mạnh mẽ hơn. Điều này rõ ràng là không bền vững từ góc độ tài chính công. Quan trọng là các chính phủ phải tìm cách tập trung hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất".
Trong khi đó, chi tiêu cao hơn cũng đi kèm với chi phí đi vay tăng. Tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập niên để chống lại lạm phát bỏ chạy, nguyên nhân là do giá năng lượng tăng vọt.
Lợi tức của Kho bạc Pháp kỳ hạn 10 năm cũng đạt mức cao nhất trong 8 năm là 2,5%, trong khi trái phiếu Đức hiện có mức lợi suất 1,8%
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định: “Cần phải tránh một cuộc khủng hoảng nợ có thể gây mất ổn định lớn và khiến chính EU gặp rủi ro”.
Ngày 26/9, trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo, việc tiếp tục gián đoạn nguồn cung năng lượng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và đẩy lạm phát tăng cao, đặc biệt là ở châu Âu.
Tình trạng này có thể kéo lùi tăng trưởng của khu vực đến 1,25 điểm phần trăm và khiến lạm phát tăng thêm 1,5 điểm phần trăm, đẩy nhiều quốc gia vào suy thoái trong cả năm 2023.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng thừa nhận, châu Âu đang đối mặt tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn mức dự kiến trong khi lạm phát tiếp tục tăng cao.
Bà Christine Lagarde nhấn mạnh: "Xung đột Nga-Ukraine sẽ tiếp tục phủ bóng lên châu Âu, đẩy giá năng lượng lên cao và làm giảm chi tiêu của người dân. Điều này khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Triển vọng đang dần u ám. Dự báo, tăng trưởng kinh tế trong khu vực sẽ chậm lại đáng kể trong giai đoạn còn lại của năm 2022 và tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 đạt 3,1%. Bước sang năm 2023, tăng trưởng sẽ thấp hơn nhiều và chỉ đạt 0,9%".
| Khủng hoảng năng lượng: Các biểu tượng ‘đốt’ tiền điện ở châu Âu có còn rực sáng? Trong một cuộc khủng hoảng năng lượng, không phải là thời điểm để “đốt” tiền điện, dù đó là những công trình mang tính biểu ... |
| Kim cương Nga vào 'tầm ngắm' của EU, có gì trong gói trừng phạt thứ 8? 5 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Ba Lan, Ireland, Litva, Estonia và Latvia đã đề nghị EU ngừng nhập khẩu kim ... |
| Nga-EU: ‘Ván bài’ khí đốt phản tác dụng, châu Âu lao đao trong vòng xoáy kinh tế Một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có trong nhiều thập niên đang diễn ra trên khắp thế giới. Dường như cuộc khủng hoảng ... |
| Ngân hàng Nga là mục tiêu trong gói trừng phạt thứ 8 của EU? Trong các cuộc đàm phán về gói trừng phạt thứ 8 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga, các quốc gia bao gồm ... |
| Khủng hoảng năng lượng không phải lý do duy nhất khiến kinh tế châu Âu 'khốn đốn' Cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát là hai vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp, tác động mạnh đến túi tiền người dân ... |