Nguyên nhân chính bởi Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên giá rẻ mà lục địa này phụ thuộc trong nhiều năm. Điều đó đã khiến các chính phủ châu Âu phải chạy đua để tìm nguồn cung cấp mới và tìm cách giảm thiểu tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Cuộc khủng hoảng trở nên sâu sắc hơn khi mới đây, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga tuyên bố, Dòng chảy phương Bắc 1 - đường ống chính “chở” khí đốt đến Đức sẽ đóng cửa vô thời hạn do sự cố và tuyên bố vấn đề không thể khắc phục do các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Bên trong cơ sở cung cấp khí đốt Bovanenkovo trên bán đảo Yamal, Nga. (Nguồn: AFP) |
Châu Âu cần sẵn sàng cho việc vắng khí đốt Nga vào mùa Đông
Việc dừng hoàn toàn hoạt động của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 có nghĩa là các lô hàng khí đốt của Nga đã giảm 89% so với một năm trước. Nga từng cung cấp 40% lượng khí đốt tự nhiên cho châu Âu và thậm chí với khối lượng nhiều hơn cho Đức.
Hiện tại, khí đốt Nga vẫn chảy đến châu Âu thông qua một đường ống đi qua Ukraine vào Slovakia và một đường ống khác băng qua Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó đến Bulgaria.
Moscow bắt đầu cắt giảm khí đốt ngay từ mùa Hè năm ngoái, trước khi chiến dịch quân sự ở Ukraine bắt đầu. Điều đó khiến giá xăng tăng mạnh.
Sau đó, Gazprom đã ngừng cung cấp khí đốt cho một số quốc gia châu Âu, khi những quốc gia này cấm nhiều hoạt động giao dịch với các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân của Nga để phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Hành động mới nhất của Nga khiến giá khí đốt tự nhiên tăng vọt và giữ mức kỷ lục trong vài tuần qua.
Với việc nguồn cung khí đốt từ Moscow chậm lại kể từ mùa Hè năm ngoái, các chuyên gia cho rằng, châu Âu cần sẵn sàng cho việc vắng khí đốt Nga vào mùa Đông năm nay.
Vì sao khí đốt Nga lại quan trọng?
Giá năng lượng cao đang đe dọa gây suy thoái nền kinh tế châu Âu trong mùa Đông tới. Lạm phát tại châu Âu kỷ lục, người tiêu dùng phải chi tiêu ít hơn khi chi phí thực phẩm, nhiên liệu và điện nước tăng lên. Việc Điện Kremlin cắt giảm hoàn toàn khí đốt có thể giáng một đòn nặng nề hơn vào nền kinh tế khu vực, vốn đã gặp khó khăn.
Bên cạnh việc sưởi ấm nhà cửa và tạo ra điện, khí đốt còn được sử dụng để vận hành ngành công nghiệp như rèn thép để chế tạo ô tô, làm chai thủy tinh, thanh trùng sữa...
Các công ty cảnh báo rằng, họ không thể nhanh chóng chuyển sang các nguồn năng lượng khác như dầu đốt hoặc điện để tạo ra nhiệt. Và khi mọi người tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế, dầu nhiên liệu và than đá cũng tăng giá.
Bên cạnh đó, giá điện cũng đã tăng chóng mặt vì khí đốt là nhiên liệu chính để sản xuất điện.
Ngoài ra, hạn hán đã làm suy yếu năng lượng thủy điện từ các con sông và hồ chứa. Một đợt nắng nóng tại châu Âu đã hạn chế việc sử dụng nước sông để làm mát các nhà máy nhiệt điện và mực nước sông Rhine của Đức thấp hơn đã làm giảm nguồn cung cấp than cho các máy phát điện.
Các nhà phân tích tại Rystad Energy, công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng độc lập có trụ sở chính tại Oslo (Na Uy) cho rằng, châu Âu có thể đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng ngay trong tháng này.
Mùa Đông năm nay, trường hợp xấu nhất là thời tiết lạnh giá, lượng gió ít và lượng khí đốt bị cắt giảm 15%. Các nhà phân tích nhận định: "Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với hệ thống điện châu Âu và có thể dẫn đến việc phân bổ năng lượng và mất điện".
Carlos Torres-Diaz, người đứng đầu Rystad Energy cho hay: “Bất kể kịch bản chính xác là gì, mùa Đông sắp tới chắc chắn là thách thức lớn nhất mà châu Âu từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ và người tiêu dùng hoặc chính phủ dự kiến sẽ phải trả giá".
Châu Âu đã nỗ lực tìm kiếm tất cả các nguồn cung cấp khí đốt thay thế Nga. (Nguồn: 24tv) |
Cách châu Âu giảm bớt khủng hoảng
Châu Âu đã tìm kiếm tất cả các nguồn cung cấp khí đốt thay thế mà họ có thể, bao gồm: mạnh tay mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, nhận khí đốt từ nhiều đường ống từ Na Uy và Azerbaijan.
Đức đang duy trì hoạt động của các nhà máy than và có kế hoạch hoãn đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng để đảm bảo nguồn cung năng lượng.
27 quốc gia EU đã thông qua kế hoạch giảm sử dụng khí đốt 15% vào tháng 3/2023 để bù đắp cho lượng khí đốt của Nga bị thất thoát. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ theo hình thức tự nguyện ở các nước thành viên.
Các chính phủ châu Âu cũng đã thông qua một loạt các biện pháp như hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình khó khăn và giảm thuế...
Ví dụ, Đức đã thông qua gói hỗ trợ thứ 3 trị giá 65 tỷ Euro (tương đương 64,3 tỷ USD) để viện trợ cho người tiêu dùng. Gói hỗ trợ này sẽ làm tăng thêm thâm hụt quốc gia nhưng cũng làm giảm nguy cơ suy thoái kinh tế.
Mới nhất, ngày 7/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất 5 biện pháp khẩn cấp mà EU có thể thực hiện để giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng cao và bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp dễ bị tổn thương của châu Âu.
Các biện pháp được EC đề xuất gồm: Tiết kiệm điện một cách thông minh; giới hạn doanh thu của các công ty sản xuất điện; giới hạn giá khí đốt của Nga; thiết lập một cơ chế đoàn kết để phân phối lại lợi nhuận quá mức của các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch; cung cấp thanh khoản cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là trong ngắn hạn, châu Âu đã xoay sở để lấp đầy 82% kho dự trữ cho mùa Đông, với sự trợ giúp của LNG và nhu cầu giảm. Mức lưu trữ đã tiếp tục tăng, ngay cả sau khi Dòng chảy phương Bắc 1 ngừng hoạt động.
"Đòn" khí đốt đã giảm trọng lượng?
Dù lượng khí đốt sang châu Âu giảm mạnh, Nga vẫn duy trì doanh thu bởi giá tăng. Ban đầu, dầu và khí đốt Nga xuất khẩu được miễn các lệnh trừng phạt vì châu Âu phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Nhưng đến cuối năm nay, khối này sẽ cấm hầu hết dầu Nga.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch có trụ sở tại Helsinki (Phần lan), từ tháng 2 đến tháng 8, doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga đạt 158 tỷ Euro. Tuy nhiên, dầu mỏ có xu hướng là nguồn "kiếm tiền" chính của Điện Kremlin. Không giống như khí đốt, dầu vẫn có thể được bán cho các thị trường khắp thế giới qua đường biển.
Về phía Đức, quốc gia đang "thoát ly' hoàn toàn khí đốt Nga, Thủ tướng nước này Olaf Scholz nói rằng, Berlin không còn hy vọng vào việc nối lại nguồn cung cấp khí đốt từ Nga và không còn coi nước này là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.
Theo ông Olaf Scholz, kể từ tháng 12 năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt. Vì vậy, nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, Moscow có "quân bài" từ khí đốt thì nước này không còn nhiều thời gian để sử dụng nó.