EU tăng nhập khí đốt của Azerbaijan. Trong ảnh: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Tổng thống Azerbaijani Ilham Aliyev tại Baku, ngày 18/7. (Nguồn: AFP) |
Azerbaijan - đối tác năng lượng mới của EU
Trong nhiều năm, Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ và khí đốt của Nga nhằm cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp và điện để sưởi ấm cho các hộ gia đình.
Năm 2021, 40% lượng khí đốt đến châu Âu có nguồn gốc từ Nga và khối này mang đến doanh thu khoảng 108 tỷ USD cho Điện Kremlin.
Tuy nhiên, chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành tại Ukraine vào tháng 2 đã buộc EU phải "đại tu" hoàn toàn chiến lực năng lượng, nỗ lực loại bỏ sự phụ thuộc vào Moscow.
Trong 6 tháng qua, khối bắt đầu "ngó lơ" dần việc nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, đồng thời tìm kiếm các nhà cung cấp khác.
Tháng 12 tới, EU sẽ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga và đến tháng 2/2023, khối này sẽ cấm các sản phẩm dầu mỏ của Moscow được vận chuyển bằng đường biển. Liên minh gồm 27 thành viên cũng đã tuyên bố rằng, sẽ loại bỏ hoàn toàn khí đốt Nga vào cuối thập niên này.
Nhưng để thực hiện được những tham vọng nói trên, EU phải tìm được một nhà cung cấp dầu và khí đốt thay thế Moscow. Và Azerbaijan, một quốc gia tương đối nhỏ nằm giữa dãy núi Caucasus và biển Caspi đang được châu Âu kỳ vọng sẽ trở thành sự thay thế quan trọng cho năng lượng của Nga.
Tháng 7/2022, EU và Azerbaijan đã ký một thỏa thuận tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ quốc gia này vào châu Âu. Hai bên nhất trí mở rộng "Hành lang khí đốt phía Nam" chạy qua Azerbaijan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, nhằm nâng công suất lên 20 tỷ m³/năm trong vài năm tới.
Theo đó, EU sẽ tăng gấp đôi nguồn cung cấp khí đốt từ Azerbaijan để bù đắp cho việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt của Moscow.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen nhận định, thỏa thuận đánh dấu một chương mới trong hợp tác năng lượng của EU với Azerbaijan - đối tác quan trọng trong nỗ lực của EU nhằm rời bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Đối tác không hoàn hảo?
Azerbaijan - quốc gia có biên giới với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia và Nga - sẽ chuyển khí đốt đến châu Âu qua Đường ống dẫn khí xuyên Adriatic (TAP).
Dòng khí đốt từ Azerbaijan sang EU đã tăng mạnh trong 8 tháng qua. Vào cuối năm nay, khối dự kiến sẽ nhập khẩu 11,6 tỷ m³ khí đốt của Azerbaijan - tăng 40% so với 8,2 tỷ m³ vào năm ngoái.
TAP được thiết kế có thể mở rộng. Điều đó có nghĩa là đường ống này có thể tăng gấp đôi khả năng vận chuyển khí đốt lên mức 20 tỷ m³, như được nêu trong thỏa thuận giữa EU và Azerbaijan.
Dù vậy, nhà phân tích khí đốt cao cấp Tom Purdie tại công ty dịch vụ hàng hóa S&P Global Commodity Insights nhận định, khối lượng khí đốt của Azerbaijan (tổng cộng 155 tỷ m³/năm) không đủ để "thế chân" Nga tại EU. Khối 27 thành viên phải có các nguồn khác để bù đắp vào sự thiếu hụt này.
Ông Julian Bowden, Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford cũng nhận thấy, thỏa thuận của EU ký với Azerbaijan không thực sự mang lại "cứu trợ" cho EU “trong mùa Đông này hoặc mùa Đông tới…”.
Vị chuyên gia nói: "Đây chủ yếu là một động thái để cho công dân EU thấy rằng, các nhà hoạch định chính sách 'đang làm điều gì đó'. Khí đốt của đường ống TAP đến từ hai dự án tại Shah Deniz - mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất của Azerbaijan. Hiện tại, các nhà khai thác đang tăng cường sản lượng tối đa.
Trong khi đó, hai nguồn khí đốt tiềm năng lớn nhất của Azerbaijan - một mỏ khác tại Shah Deniz và một ở tầng sâu bên dưới mỏ dầu Azeri Chiraq Guneshli - lại phức tạp về mặt kỹ thuật… Cho dù đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với EU, Azerbaijan cũng phải mất nhiều năm để khai thác triệt để nguồn khí đốt tiềm năng".
Song song với đó, việc tiêu thụ khí đốt trong nước của Azerbaijan đang tăng lên.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ Total của Pháp đang lên kế hoạch cho một dự án mới ở Azerbaijan, dự kiến sẽ sản xuất 1,5 tỷ m³ khí đốt. Nhưng dự án đó dành cho tiêu dùng trong nước.
Ông Julian Bowden nhấn mạnh: "Từ nay đến năm 2027, Azerbaijan không có triển vọng về sự phát triển khí đốt quy mô lớn. Điều này khiến EU và Baku khó thực hiện các điều khoản được nêu trong thỏa thuận hồi tháng 7".
Còn theo nghiên cứu viên cao cấp Gubad Ibadoghlu tại Trường Kinh tế London (LSE), chi phí vận chuyển từ Azerbaijan sang châu Âu quá cao có thể khiến "dòng chảy" khí đốt đến châu lục này bị hạn chế.
Ông Gubad Ibadoghlu khẳng định: "Về lý thuyết, Azerbaijan có thể mua khí đốt từ các nước như Turkmenistan, Iran và Nga để đáp ứng nhu cầu trong nước và sau đó bán lại khí đốt cho châu Âu. Nhưng quốc gia này vẫn cần phải cải thiện và mở rộng cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến việc mua hàng từ Nga trở nên bất khả thi".