Khủng hoảng năng lượng đang sắp xếp lại một trật tự mới ở châu Âu? Trong ảnh: Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng quốc doanh Eni của Italy với lịch trình "ngoại giao khí đốt" dày đặc sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. (Nguồn: Reuters) |
Ngoại giao khí đốt của Claudio Descalzi
Ngay trong những tuần sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (ngày 24/2), Claudio Descalzi, Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng quốc doanh Eni của Italy, đã bắt đầu với lịch trình “ngoại giao khí đốt” dày đặc, gặp gỡ các nhà cung cấp ở châu Phi.
Các chuyến thăm viếng diễn ra liên tục, chuyến này nối tiếp chuyến kia, đó là các cuộc gặp với quan chức Algeria vào tháng Hai, các cuộc đàm phán ở Angola, Ai Cập và Cộng hòa Congo vào tháng Ba... Tất nhiên, cùng chuyến công tác của Giám đốc Descalzi luôn có mặt các quan chức cấp cao từ Rome, theo thông tin từ công ty và chính phủ nước này.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ Eni do nhà nước Italy kiểm soát, nên nó có thể tận dụng triệt để các mối quan hệ quốc gia hiện có, để đảm bảo nguồn cung khí đốt bổ sung, thay thế phần lớn khối lượng khí không còn nhận được từ nhà cung cấp Nga.
Đó là một sự thay đổi nhanh chóng mà nhiều nước châu Âu đã không thể theo kịp, khi chiến dịch quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin với các lệnh trừng phạt và trả đũa đã nhanh chóng đưa lục địa này sang một thực tế khác.
Đức - một cường quốc kinh tế đứng đầu khu vực, từ lâu vẫn nổi tiếng với những kế hoạch thận trọng, bỗng trở nên “mất phương hướng” với bài toán nguồn cung năng lượng để bảo đảm cho toàn bộ nền kinh tế và cuộc sống dân sinh. Thậm chí, đẩy họ đến bên bờ vực suy thoái, xương sống của nền kinh tế là ngành công nghiệp đang trở nên rất bị động với việc sẵn sàng đón nhận lịch phân bổ khí đốt và năng lượng, cũng như buộc phải tính đến các trường hợp quốc hữu hóa các doanh nghiệp lớn.
Italy - một nền kinh tế vốn “quen” với các cuộc khủng hoảng kinh niên, lại đang có vẻ kiên cường. Họ không chỉ đảm bảo được nguồn cung cấp bổ sung cho phần thiếu hụt từ Nga, mà còn tuyên bố “không cần áp dụng khẩu phần năng lượng”. Chính phủ Italy tự tin khẳng định là quốc gia "tốt nhất ở châu Âu" về an ninh năng lượng.
Vai trò của Giám đốc điều hành Eni Claudio Descalzi được đánh giá cao đặc biệt, khi ông này đã ký kết thành công nhiều thỏa thuận trong thời kỳ khủng hoảng nguồn cung
Trên thực tế, Đức và Italy đang ở trong những hoàn cảnh trái ngược nhau, khi cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng diễn ra không đồng đều trên khắp lục địa nơi. Sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga đối với mỗi thành viên cũng rất khác nhau.
Phần lớn châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn cung vào mùa Đông, trong đó, Đức, Hungary và Áo bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các quốc gia khác như Pháp, Thụy Điển, Anh, Italy ít bị ảnh hưởng hơn và vốn không có truyền thống phụ thuộc Nga.
Sai lầm của Đức và bước đi vững vàng của Italy?
Martijn Murphy, một chuyên gia dầu khí tại công ty nghiên cứu Wood Mackenzie, cho biết, dù Italy từ lâu đã coi Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của mình, nhưng họ đã sớm xem đến sự đa dạng hơn về các nhà cung cấp và trong đó có các mối quan hệ lâu dài với châu Phi. Đó là lý do vị thế của họ trở nên tốt hơn nhiều trước áp lực dòng dầu Nga bất ngờ ngừng hoạt động.
"Eni có quan hệ rất chặt chẽ với tất cả các quốc gia nơi nó hoạt động ở Bắc Phi, như Algeria, Tunisia, Libya, Ai Cập - và trong mắt hầu hết các quốc gia này, Eni là nhà đầu tư thượng lưu và nhà sản xuất dầu quốc tế lớn nhất".
Cuộc khủng hoảng quyền lực và cạnh tranh địa chính trị đã khiến các chính phủ phải đối mặt với nguy cơ phụ thuộc quá mức vào một nhà cung cấp. Nó mang âm hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 1970, từng khiến phương Tây phải suy nghĩ lại về sự phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông, để tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế như Venezuela hay Mexico.
"Chúng tôi đã phụ thuộc quá lâu và quá nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói. (Nguồn: Getty Images) |
Chính phủ Italy hiện từ chối bình luận. Trong khi Bộ Kinh tế Đức cho biết, họ muốn độc lập khỏi nhập khẩu khí đốt của Nga càng nhanh càng tốt và đa dạng hóa nguồn cung cấp, bước đầu là việc thuê 5 bến nổi cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Đức hiện không có thiết bị đầu cuối LNG, trong khi Italy có ba nhà máy đang hoạt động và gần đây vừa mua thêm hai nhà máy khác.
Italy đã tiêu thụ 29 tỷ m3 khí đốt của Nga vào năm ngoái, chiếm khoảng 40% lượng nhập khẩu của nước này. Nhưng họ đang dần thay thế khoảng 10,5 tỷ m3, từ các nguồn nhập khẩu khác bắt đầu từ mùa Đông năm nay.
Hầu hết lượng khí đốt bổ sung sẽ đến từ Algeria, quốc gia này cho biết vào ngày 21/9 đã tăng tổng lượng giao hàng tới Italy gần 20% lên 25,2 tỷ m3 trong năm nay. Họ sẽ trở thành nhà cung cấp hàng đầu của Italy, khi cung cấp khoảng 35% khí đốt nhập khẩu. Trong khi đó, thị phần của Nga đã giảm xuống mức rất thấp, Descalzi cho biết.
Theo Eni, từ mùa Xuân 2023, dòng LNG sẽ ngày càng tăng từ các nguồn, bao gồm Ai Cập, Qatar, Congo, Nigeria và Angola, cho phép Italy thay thế thêm 4 tỷ m3 khí đốt khác của Nga.
Đức, nước nhập khẩu 58 tỷ m3 khí đốt của Nga vào năm ngoái, chiếm 58% lượng tiêu thụ, đã chứng kiến nguồn cung thông qua đường ống Nord Stream 1 bị giảm kể từ tháng 6, rồi tạm dừng vào tháng 8. Không thể đảm bảo đủ nguồn cung cấp thay thế dài hạn từ một nguồn tin cậy, hay từ những quốc gia khác, Berlin đã buộc phải đi đến thị trường giao ngay và trả bằng tiền mặt, với mức giá cắt cổ - gấp 8 lần.
Thực tế đã cho thấy, các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của con người có thể định hình an ninh năng lượng. Đức từng không thích sự gần gũi của Italy với Bắc Phi, hay sự giàu có ở Biển Bắc của Anh và Na Uy.
Đức không có trữ lượng dầu khí lớn, tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện tại có thể đã diễn biến theo chiều hướng khác. Giới chức nước này đã có tính toán sai lầm trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Trở lại năm 2006, Italy "chạy nhanh nhất" đến với khí đốt của Nga, Eni trở thành nhà nhập khẩu khí đốt thống trị của quốc gia này - vào thời điểm đó đã đồng ý một thỏa thuận khí đốt lớn nhất từ trước đến nay, giữa một doanh nghiệp châu Âu với Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom do Moscow kiểm soát.
Nhưng trong 8 năm qua, hai quốc gia châu Âu đã có sự khác biệt. Đức đã tăng gấp đôi lượng khí đốt của Nga và ngày càng trở nên phụ thuộc vào Moscow.
Trong khi đó, Italy lại tìm hướng đi khác. Rome bắt đầu lập biểu đồ theo một lộ trình khác vào năm 2014, khi nhà lãnh đạo mới thay thế ông Silvio Berlusconi - người bạn lâu năm của Tổng thống Putin và ông Descalzi nắm quyền lãnh đạo Eni.
Khám phá châu Phi, Descalzi - một tay lão luyện trong thăm dò và sản xuất năng lượng, người đã giám sát các dự án ở những nơi như Libya, Nigeria và Congo, tập trung vào những gì ông biết rõ nhất. Và thành công ngoài mong đợi đã đến.
Năm 2015, tại Ai Cập, Eni phát hiện ra mỏ khí đốt lớn nhất Biển Địa Trung Hải - Zohr. Descalzi ráo riết thúc đẩy Eni đến với các dự án có tốc độ phát triển nhanh và Tập đoàn năng lượng này đã thần tốc triển khai sản xuất tại Zohr trong vòng chưa đầy 2 năm rưỡi.
Hay tại Algeria, nơi Eni hiện diện từ năm 1981 và đạt được thỏa thuận nhập khẩu khí đốt từ năm 2019, gia hạn đến năm 2027.
Về phần Đức, Berlin đặt mục tiêu thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga vào giữa năm 2024, dù một số công ty - bao gồm nhà sản xuất điện hàng đầu RWE - cho rằng, có thể phải mất nhiều thời gian hơn thế, do các nguồn thay thế khan hiếm và khó mua. Và tất nhiên, đó sẽ là một "nỗ lực đắt giá".
"Chúng tôi đã phụ thuộc quá lâu và quá nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói.
| Giá xăng dầu hôm nay 13/10: Tiếp tục lao dốc, giảm phiên thứ 3 liên tiếp, dầu Brent còn 93,58 USD/thùng Giá dầu giảm phiên thứ ba liên tiếp khi các nhà đầu tư lo ngại về những tác động rủi ro ngày càng tăng của ... |
| Giá vàng hôm nay 13/10/2022: Giá vàng tạm chững, 'mây đen' treo lơ lửng, khó tăng nhưng có thể giảm không? Giá vàng hôm nay 13/10 ghi nhận thị trường giao dịch trong biên đọ hẹp trước loạt sự kiện rủi ro lớn. Theo giới chuyên ... |
| Giá tiêu hôm nay 13/10, thị trường vẫn đối mặt khó khăn chồng chất, thị phần hồ tiêu Việt Nam tại Trung Quốc tăng Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang tại một số địa phương, giao dịch từ 60.000 - 62.500 đ/kg. |
| Giá cà phê hôm nay 13/10: Giá arabica lao dốc mạnh, xu hướng giá của robusta chưa chắc chắn; cà phê Việt tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng Tháng 9, cả nước xuất khẩu 92.550 tấn cà phê, kim ngạch 226 triệu USD, giảm 17,8% về lượng và giảm 15,1% về kim ngạch ... |