Động thái lạ của ‘nhà giàu’ Trung Đông với giá dầu- bất tuân quy luật cung-cầu? (Nguồn: AP) |
Saudi Aramco - Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Saudi Arabia tiếp tục giảm giá dầu vào tháng 1/2023, ghi nhận tháng thứ ba giảm liên tiếp. Đây là động thái lạ, dường như không theo luật cung-cầu thông thường, xét trong bối cảnh, nhiều yếu tố đang rục rịch đẩy nhu cầu năng lượng tăng mạnh ở nhiều nơi trên thế giới.
Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã trở lại, ngay cả những người hoài nghi nhất về việc nới lỏng chính sách mở cửa của Bắc Kinh cũng buộc phải thừa nhận rằng, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng mạnh vào năm 2023.
Và trên thực tế, Trung Quốc đã phân bổ hạn ngạch xuất khẩu và nhập khẩu khổng lồ, thúc đẩy các nhà máy lọc dầu của họ hết sức có thể.
Trong bối cảnh các chỉ số kinh tế Mỹ tăng nhanh hơn dự kiến và làm tăng khả năng hạ cánh mềm đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới; châu Âu sớm thực hiện lệnh hạn chế nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt Nga xuất khẩu qua đường biển (từ ngày 5/12/2022) và chuẩn bị áp lệnh giá trần đối với dầu Nga từ ngày 5/2 tới, có thể sẽ sớm đẩy nhu cầu đối với dầu của Trung Đông tăng mạnh trong thời gian tới.
Thêm vào đó là một đợt mua vào dầu lớn nhất kể từ tháng 11/2020, với việc các nhà đầu tư nhiệt tình chuyển sang các vị thế mua ròng đẩy tỷ lệ mua bán ngắn hạn tăng lên gần 6 mua :1 bán, nhưng điều đặc biệt là vẫn không nhìn thấy một phản ứng rõ rệt nào từ thị trường.
Theo lý thuyết thị trường, cung giảm cầu tăng mạnh, đáng ra sẽ phải đẩy giá dầu lên cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều so với mức hiện tại.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, cầu tăng cung giảm, nhưng giá vẫn giảm - trong bối cảnh, nguồn cung toàn cầu không thực sự tăng, nếu không muốn nói là giảm khi nguồn cung năng lượng lớn từ Nga đang giảm dần, trong khi nhu cầu toàn cầu có tiềm năng tăng rất mạnh.
Lý do gì khiến các nhà cung cấp Trung Đông vẫn tiếp tục phải giảm giá trong nhiều tháng liên tiếp?
Giới quan sát cho rằng, việc Saudi Aramco giảm giá dầu xuất khẩu trong lúc này báo hiệu sự bất an về triển vọng nhu cầu dầu ở các khu vực nhập khẩu chính.
Trên thực tế, “ông lớn” Saudi Aramco cho thấy mình bị mắc kẹt khi thiết lập giá bán chính thức vào tháng 2 này.
Một mặt, kể từ khi phương Tây tung các đòn trừng phạt nhằm vào dầu mỏ và khí đốt Nga, Saudi Arabia và các nhà cung cấp Trung Đông được cho là các đối tượng tiềm năng có thể đáp ứng nhu cầu tìm kiếm nguồn cung mới cho châu Âu. Kết hợp với khả năng kinh tế Trung Quốc đang quay trở lại sau khi chính thức mở cửa sau đại dịch Covid-19 – lẽ ra nhu cầu sẽ tăng vọt đối với dầu thô của Saudi Arabia và khu vực này.
Nhưng ở một mặt khác, động lực thị trường một lần nữa vẫn bất lợi đối với Riyadh – đại diện nhà cung cấp quan trọng ở Trung Đông, hợp đồng tương lai đã sụt giảm mạnh trong tháng 12/2022. Do đó, Saudi Aramco đã phải quyết định hạ giá bán dầu trong tháng thứ ba liên tiếp, với dầu Arab Light giảm 1,45 USD/thùng so với tháng Một, giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua (kể từ tháng 11/2021), chỉ 1,80 USD/thùng so với chuẩn Oman/Dubai (tiêu chuẩn của khu vực).
Như vậy, chỉ trong 6 tháng kể từ tháng 9/2022, giá dầu trung bình ở châu Á đã giảm mạnh 8 USD/thùng, trong khi ở châu Âu cũng giảm, nhưng mức giảm có nhẹ hơn, chỉ 5-6 USD/thùng.
Việc cắt giảm giá dầu của Saudi Arabia không phải là một bất ngờ đối với thị trường hoặc các nhà phân tích, khi xem xét những lo ngại ngày càng tăng về nhu cầu hiện tại ở Trung Quốc và thế giới.
Theo 4 nhà phân tích được Reuters khảo sát, "Triển vọng thị trường năng lượng trong ngắn hạn là ảm đạm. Châu Á đã trở thành điểm đến chính cho các thùng dầu của Nga sau khi nguồn cung Nga bị EU, Anh và Mỹ cấm vận. Nhiều thùng dầu của Nga dự kiến sẽ được chuyển đến châu Á, nhưng nhu cầu ở đây hiện chưa tăng".
Châu Á cũng là thị trường lớn nhất của dầu Saudi Arabia và khu vực này hiện đang chuyển hướng sang các nhà khai thác Trung Đông để thay thế dầu Nga. Nhu cầu từ châu Á được dự báo sẽ tăng lên khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nhưng những kỳ vọng này dường như đã quá lạc quan. Trên thực tế, bất kỳ sự phục hồi nhu cầu nào cũng cần nhiều thời gian hơn, mọi vấn đề rồi sẽ rõ ràng hơn trong thời gian tới.