Đức bắt đầu tiếp nhận LNG qua nhà ga ở cảng Wilhelmshaven. (Nguồn: EPZ) |
Tập đoàn nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức - Uniper xác nhận một tàu chở dầu với khoảng 165.000 m3 LNG đã cập bến cảng mới Wilhelmshaven từ vài ngày trước đó.
Lượng khí đốt LNG đủ để cung cấp cho khoảng 50.000 hộ gia đình trong một năm.
Trước đó, ngày 17/12, Đức đã khai trương cơ sở tiếp nhận LNG đầu tiên tại cảng Wilhelmshaven.
Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Olaf Scholz khẳng định, đây là một dấu hiệu tốt cho toàn thế giới rằng nền kinh tế Đức sẽ có thể tiếp tục vững mạnh về sản xuất và đối phó với các thách thức.
Nhà lãnh đạo Đức ca ngợi việc hoàn thành dự án trong thời gian rất ngắn; đồng thời khẳng định nước Đức đang tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng.
Theo ông Olaf Scholz, các cảng tiếp theo để nhập khẩu LNG trên bờ biển Biển Bắc và Biển Baltic của đất nước sẽ được triển khai trong những tuần và tháng tới. Kế hoạch là có công suất nhập khẩu hơn 30 tỷ m³ khí đốt vào cuối năm 2024.
Với các cơ sở tiếp nhận LNG đã và đang được triển khai xây dựng, nguồn cung cấp năng lượng của Đức sẽ không còn phụ thuộc vào các đường ống từ Nga.
Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh: "Cơ sở tiếp nhận LNG ở cảng Wilhelmshaven là một 'đóng góp rất, rất quan trọng' cho an ninh năng lượng của nước Đức. Mỗi năm, khoảng 6% nhu cầu khí đốt của Đức sẽ được đáp ứng thông qua cơ sở tiếp nhận này".
* Cũng trong ngày 21/12, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo, cơ quan này đã thông qua kế hoạch trị giá 28 tỷ Euro (29,69 tỷ USD) của chính phủ Đức nhằm hỗ trợ năng lượng tái tạo, qua đó tăng cường mở rộng việc sử dụng năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời.
Kế hoạch hỗ trợ sẽ kéo dài đến năm 2026 với mục tiêu sản xuất 80% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.
EC cho biết, kế hoạch này là cần thiết và phù hợp để thúc đẩy năng lượng tái tạo cũng như giảm lượng khí thải đang làm Trái Đất ấm dần lên. Bên cạnh đó, theo EC, những tác động môi trường tích cực của nguồn năng lượng này lớn hơn so với tác động tiêu cực có thể gây ra.
Trong một tuyên bố, Ủy viên phụ trách cạnh tranh EU Margrethe Vestager khẳng định: “Đạo luật năng lượng tái tạo năm 2023 của Đức sẽ góp phần nhiều hơn vào việc khử carbon trong sản xuất điện”. Theo kế hoạch trên, các nhà sản xuất năng lượng tái tạo sẽ được trả cao hơn mức giá thị trường mà họ nhận được khi bán điện”.