Khủng hoảng năng lượng có thể đẩy châu Âu rơi vào suy thoái sâu. (Nguồn: Getty Images) |
Theo ông Sikela, sau cuộc họp tại Prague, Ủy ban châu Âu (EC) đã có ý tưởng rõ ràng về các biện pháp được mong đợi và gói các biện pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ được cơ quan này trình bày vào tuần tới.
Quan chức Czech chia sẻ: “Khi bạn mua số lượng lớn, bạn thường mua được với giá rẻ hơn”. Theo ông, châu Âu nên đàm phán với các nhà cung cấp khí đốt lớn nhất và đạt được mức giá tốt nhất có thể.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công Thương Czech - quốc gia đang giữ ghế Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU - thừa nhận, mỗi nước thành viên trong khối đều có những ý tưởng riêng về các biện pháp ứng phó và có điều kiện cũng như lợi ích khác nhau. Tuy nhiên, điều cần làm hiện nay là giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng.
Ngoài ra, ông Sikela thông báo, các Bộ trưởng năng lượng EU cũng nhất trí về sự cần thiết phải điều chỉnh chỉ số thiết lập giá chủ chốt để chống lại các hành vi đầu cơ trên thị trường.
Trong khi đó, Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson cho rằng, giá khí đốt vẫn chưa bền vững khi nguồn cung từ Nga giảm xuống dưới mức 10% nhu cầu tiêu thụ của khối.
Do đó, EC đang nghiên cứu một gói giải pháp để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng - bao gồm giảm tiêu thụ khí đốt hơn nữa và trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng biện pháp bắt buộc tiết kiệm 15% lượng tiêu thụ khí đốt.
Cũng theo bà Simson, việc mua khí đốt chung là cần thiết để các nước thành viên EU không cạnh tranh lẫn nhau.
* Cùng ngày, lãnh đạo tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga Alexei Miller cho rằng, khí đốt trong kho dự trữ dưới lòng đất của Đức chỉ đủ dùng trong khoảng từ 2-2,5 tháng.
Phát biểu tại hội nghị Tuần lễ Năng lượng Nga ở thủ đô Moscow, ông Miller đã cảnh báo châu Âu về hậu quả của việc từ bỏ khí đốt Nga. Theo ông, "không có gì đảm bảo" rằng châu Âu sẽ sống sót qua mùa Đông dựa trên khả năng dự trữ khí đốt hiện tại của khối này.
Trong khi đó, phát biểu họp báo cùng ngày ở thủ đô Berlin, người phát ngôn Chính phủ Đức cho biết, không có lệnh cấm vận nào ngăn Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1).
Quan chức này nhấn mạnh: "Không có lệnh cấm vận khí đốt".
* Sau cuộc hội đàm diễn ra ngày 12/10 tại Moscow với người đứng đầu Tập đoàn Năng lượng Nga Gazprom Alexei Miller, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Quan hệ Kinh tế Đối ngoại Hungary Peter Szijjarto công bố, Budapest đã đạt được thỏa thuận cuối cùng với Gazprom về việc hoãn thanh toán tiền mua khí đốt của Nga.
Ông Szijjarto xác nhận: “Để cải thiện điều kiện tài chính, Giám đốc điều hành của Akaszt Meg Sport sẽ ký thỏa thuận trả chậm (tiền mua khí đốt của Nga) vào ngày mai (13/10), để các điều khoản thanh toán của chúng tôi trở nên thuận lợi hơn”.
Nguồn cung khí đốt của Nga cho Hungary sẽ được chuyển từ tuyến phía Tây sang phía Nam thông qua đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turk Stream).