📞

Khủng hoảng năng lượng không phải lý do duy nhất khiến kinh tế châu Âu 'khốn đốn'

Linh Chi 15:00 | 23/09/2022
Cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát là hai vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp, tác động mạnh đến túi tiền người dân châu Âu. Các nhà kinh tế dự báo, đây cũng là lý do khiến kinh tế EU có thể rơi vào suy thoái sâu.
Khủng hoảng năng lượng chỉ là một trong những lý do khiến kinh tế châu Âu lao đao. (Nguồn: Shutterstock)

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, “gói trừng phạt khổng lồ" dành cho Nga trong những tuần đầu tiên khi chiến dịch quân sự tại Ukraine bắt đầu, là một "vũ khí" được thiết kế để làm suy thoái nền kinh tế Moscow.

Đáp lại, mục tiêu Tổng thống Nga Vladimir Putin là gây ra thiệt hại tương tự cho Liên minh châu Âu (EU) bằng cách đánh mạnh vào nguồn cung năng lượng cho khu vực này.

Hiện tại, giá điện tại châu Âu đã tăng gấp 10 lần so với mức trung bình 5 năm.

Hàng chục nhà máy thuộc nhiều ngành công nghiệp khác nhau như thép, nhôm, phân bón và cả ngành điện đã buộc phải đóng cửa hàng do giá khí đốt và điện cao ngất ngưởng, khiến hoạt động kinh doanh thua lỗ.

Sự đình trệ ngành công nghiệp nặng của châu Âu đã và đang đè nặng lên các nền kinh tế trong khu vực và các nhà kinh tế dự báo rằng EU sắp rơi vào một cuộc suy thoái sâu.

Lạm phát leo đỉnh

Lạm phát đang tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm gần như ở khắp châu Âu. Tại Moldova, lạm phát ở mức hơn 30% và Ukraine đã lên đến 23% vào tháng 8.

Ở hầu hết các nước Trung Âu, lạm phát đã ở mức hai con số và có thể sẽ tiếp tục tăng.

Theo dữ liệu từ cơ quan thống kê châu Âu Eurostat công bố ngày 31/8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của lục địa này trong tháng 8 đã tăng tới 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã vượt mức dự báo tăng 9% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện.

Chỉ số lạm phát ở châu Âu đã lập kỷ lục tăng 9 tháng liên tiếp, bắt đầu từ tháng 11/2021.

Eurostat cho hay, giá năng lượng tháng này vẫn tăng tới 38,3%, đóng góp nhiều nhất vào lạm phát toàn phần, mặc dù mức tăng này đã giảm nhẹ từ 39,6% trong tháng 7.

Ngoài ra, nhóm lương thực thực phẩm và đồ uống cũng tăng 10,6%, nhiều hơn gần 1% so với mức tăng 9,8% trong tháng 7.

Một số mặt hàng khác như quần áo, thiết bị gia dụng hay ô tô đã tăng giá 5% so với năm ngoái và tăng 0,5% so với tháng trước. Cùng lúc đó giá dịch vụ cũng nhích lên khoảng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Oxford Economics nhận định, giá năng lượng và lương thực tăng cao vẫn là động lực chính khiến lạm phát gia tăng tại châu Âu.

Công ty này dự đoán: "Lạm phát sẽ tiếp tục ở mức rất cao trong những tháng tới và chỉ bắt đầu điều chỉnh vào năm 2023. Italy là nước đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi sự biến động của giá khí đốt".

Mạnh tay chi tiền có giải quyết vấn đề?

Năm 2021, theo nghiên cứu của nhà nghiên cứu Bruegel, các chính phủ châu Âu đã dành gần 500 tỷ Euro (496 tỷ USD) trong năm ngoái để bảo vệ người dân và công ty khỏi giá khí đốt và giá điện tăng cao.

Mới đây, Đức quốc hữu hóa công ty năng lượng Uniper. Với thỏa thuận vừa đạt được, chính phủ Đức sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của Uniper, với 98,5% cổ phần. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck khẳng định: "Nhà nước sẽ làm việc có thể để luôn giữ cho các công ty hoạt động ổn định trên thị trường".

Pháp cũng đã dành 9,7 tỷ Euro để mua số cổ phiếu còn lại nhằm kiểm soát hoàn toàn EDF, tập đoàn điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Pháp muốn quốc hữu hóa hoàn toàn EDF nhằm kiểm soát giá điện của các hộ gia đình, cũng như giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

Tại Anh, quốc gia này thông báo sẽ áp mức trần hóa đơn tiền điện và khí đốt đối với doanh nghiệp từ tháng 10 tới để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Dự kiến, kế hoạch này có quy mô hàng chục tỷ Bảng Anh.

Cụ thể, giá bán buôn điện sẽ được giới hạn ở mức 211 Bảng Anh (239,17 USD) mỗi megawatt giờ (MWh), trong khi giá bán buôn khí đốt giới hạn ở mức 75 bảng Anh/MWh.

Tuần trước, EU đã đề xuất huy động 140 tỷ Euro bằng cách đánh thuế một số công ty năng lượng có lợi nhuận "khủng" để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp trả hóa đơn điện và khí đốt trong mùa Đông.

Nhận định về các gói hỗ trợ đẩy lùi khủng hoảng năng lượng của châu Âu, ông Simone Tagliapietra, đồng nghiệp cấp cao của Bruegel cho hay: "Các chính phủ có nhiều không gian tài chính hơn chắc chắn sẽ quản lý tốt hơn cuộc khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, điều này không bền vững từ góc độ tài chính công".

Nicholas Farr, nhà kinh tế tại Capital Economics nhận thấy: "Các gói hỗ trợ tài chính của khu vực Trung và Đông Âu có thể chiếm khoảng 2-3% GDP. Điều này sẽ tác động lên hoạt động kinh tế. Đó là lý do tại sao chúng tôi nhận thấy, có sự suy giảm tăng trưởng mạnh trong khu vực và một số nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái".

(theo Reuters, Intelli News)