📞

Khủng hoảng năng lượng: LNG của Ai Cập 'phủ sóng' EU, giá khí đốt châu Âu lập đỉnh

Việt An 08:54 | 01/12/2022
Ngày 30/11, Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập Tarek al-Mulla cho biết, xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của nước này sang thị trường châu Âu dự kiến sẽ đạt 8 triệu tấn trong năm 2022, với 90% nhà nhập khẩu là các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Khủng hoảng năng lượng: Giá khí đốt tại châu Âu lập đỉnh. (Nguồn: AP)

Theo số liệu chính thức, giá trị xuất khẩu khí đốt tự nhiên và LNG của Ai Cập đã tăng mạnh từ 177,2 triệu USD năm 2017 lên 3,9 tỷ USD năm 2021 và 5,08 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1-8/2022.

Tháng 9/2022, công ty Egyptian Natural Gas Holding Company (EGAS) của Ai Cập thông báo đã phát hiện 5 mỏ khí đốt mới trên Địa Trung Hải và khu vực đồng bằng sông Nile, với tổng trữ lượng khoảng 317 tỷ foot khối.

Bên cạnh đó, giếng Bashrush 3 trên Địa Trung Hải sau khi khoan được xác định có trữ lượng tới 471 tỷ foot khối.

Giám đốc điều hành công ty EGAS Magdy Galal cho biết, trong tài khóa 2021-2022, 84 chuyến hàng LNG đã được xuất khẩu từ các nhà máy hóa lỏng khí đốt ở Idku và Damietta.

Theo ông Galal, Ai Cập đã triển khai hai gói thầu quốc tế mới để tìm kiếm dầu khí, theo đó 3 khu vực thăm dò đã được giao cho tập đoàn Eni của Italy và tập đoàn BP của Anh, với tổng vốn đầu tư 278 triệu USD.

Ai Cập đặt mục tiêu trở thành trung tâm thương mại dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trong khu vực và đang nỗ lực thúc đẩy các dự án dầu khí. Nước này đang hợp tác với một loạt công ty năng lượng nước ngoài như Eni của Italy, BP (Anh), Apex International (Mỹ), United Energy (Mỹ), Enap Sipetrol (Chile), Ina (Đức) và một doanh nghiệp đến từ Qatar để tiến hành thăm dò dầu khí tại các lô trên Địa Trung Hải, khu vực Sa mạc phía Tây và Vịnh Suez.

Công ty dầu mỏ Dragon Oil của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hồi đầu năm nay đã phát hiện một mỏ dầu mới có trữ lượng khoảng 100 triệu thùng tại Vịnh Suez của Ai Cập.

Đây là một trong những mỏ dầu có trữ lượng lớn nhất được phát hiện tại Vịnh Suez trong vòng 20 năm qua. Ai Cập cần nguồn vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD cho các hoạt động thăm dò dầu khí trong năm 2022.

Trước đó, Ai Cập đã phát hiện một loạt mỏ dầu khí trong những năm gần đây, trong đó nổi bật nhất là mỏ khí khổng lồ Zohr ở ngoài khơi Địa Trung Hải. Mỏ ước có trữ lượng khoảng 30 nghìn tỷ foot khối khí đốt.

Với mỏ khí Zohr, Ai Cập đã có thể tự cung tự cấp khí đốt và theo đuổi mục tiêu trở thành trung tâm xuất khẩu khí đốt trong khu vực. Ai Cập hiện sản xuất khoảng 66 tỷ m³ khí đốt tự nhiên mỗi năm, trong đó 62 tỷ m³ được tiêu thụ trong nước.

* Theo dữ liệu từ Sàn giao dịch ICE, có trụ sở tại London, giá khí đốt kỳ hạn ở châu Âu đã tăng tới 9%, giá khí đốt kỳ hạn giao vào tháng 1/2023 tại phiên giao dịch ngày 30/11 đã vượt quá 1.600 USD/1.000 m³ lần đầu tiên kể từ hôm 13/10.

Tính đến 13h56 ngày 30/11 theo giờ GMT (20h56 cùng ngày giờ Hà Nội), giá của hợp đồng giao sau trên trung tâm giao dịch TTF ở Hà Lan tăng 9,2% lên 1.598,4 USD. Vài phút trước đó, giá đạt 1.604,5 USD (+9,6%).

(theo Sputnik News, Reuters)