Lượng khí đốt rút từ các cơ sở lưu trữ ngầm tại châu Âu xuống mức thấp kỷ lục. (Nguồn: Epa/Dpa) |
Theo Cơ sở hạ tầng Khí đốt châu Âu (GIE), tính đến ngày 25/12 vừa qua, lượng khí đốt rút ra từ các cơ sở lưu trữ ngầm tại các nước châu Âu chỉ là 89 m³, mức thấp nhất kể từ năm 2011 khi cơ quan này bắt đầu theo dõi, trong khi lượng khí đốt bơm vào là 222 triệu m³.
Lượng khí đốt bơm vào các cơ sở lưu trữ ngầm vẫn cao hơn 2 lần so với lượng khí đốt rút ra. Lượng khí đốt tiêu thụ tại châu Âu giảm đáng kể và giá nhiên liệu này hạ nhanh do nhiệt độ cao hơn so với bình thường. Dự báo, thời tiết tại châu lục sẽ ấm áp trong tuần này.
Tính từ ngày 14/11, thời điểm bắt đầu mùa Đông, các nước trong khu vực đã tiêu thụ 15,31 tỷ m³ khí đốt từ các cơ sở lưu trữ. Tổng lượng khí đốt tiêu thụ từ các cơ sở lưu trữ ngầm vào ngày thứ 42 kể từ thời điểm đạt mức nạp tối đa cao hơn 31% so với mức trung bình của cùng ngày đó 5 năm trước.
Hiện các cơ sở lưu trữ ngầm ở châu Âu đã được lấp đầy tới 83,1%, cao hơn 11,55 điểm phần trăm so với mức trung bình của ngày này 5 năm trước, đạt 89,94 tỷ m³ khí đốt.
Trong diễn biến liên quan vấn đề năng lượng, các công ty Đức đang muốn đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của mình tại châu Phi trong năm 2023, đặc biệt trong các lĩnh vực như hydro xanh và khí tự nhiên hóa lỏng.
Kết quả cuộc khảo sát của các thành viên Hiệp hội doanh nghiệp Đức-châu Phi công bố ngày 27/12 cho biết, có tới 43% công ty Đức lên kế hoạch tăng cường đầu tư vào châu Phi trong khi hơn 39% đặt mục tiêu duy trì hoạt động đầu tư ở mức ổn định trong năm 2023 tại lục địa này.
Người đứng đầu Hiệp hội doanh nghiệp Đức-châu Phi Christoph Kannegiesser nói: “Phần lớn các công ty đang muốn mở rộng hoạt động kinh doanh trong năm tới. Điều đó là hợp lý, bởi vì châu Âu vẫn đang trong quỹ đạo tăng trưởng”.
Trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang tìm cách giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, ông Kannegiesser cho biết đã nhìn thấy những cơ hội lớn trong lĩnh vực năng lượng ở châu Phi.
Lãnh đạo Hiệp hội trên khẳng định: "Lĩnh vực hydro xanh và khí đốt hóa lỏng sẽ tạo ra động lực mới cho nhiều quốc gia. Điển hình như Senegal, Nigeria và Mauritania là những nước có tiềm năng đầu tư trong khi Namibia có thể thu lợi lớn từ việc sản xuất hydro xanh".