📞

Khủng hoảng năng lượng ở châu Á: Ấn Độ, Pakistan không thể dùng điều hòa; Sri Lanka phải đóng cửa trường học

Việt An 17:52 | 29/06/2022
Ở Sri Lanka, mọi người xếp hàng dài hàng km để đổ đầy một thùng nhiên liệu. Tại Bangladesh, các cửa hàng đóng cửa lúc 8 giờ tối để tiết kiệm năng lượng. Còn người dân Ấn Độ và Pakistan không thể dùng điều hòa trong cái nóng 37 độ.
Các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đang vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất nhiều năm qua. Hình ảnh một người bán quần áo tại Pakistan tự chế đèn thắp sáng khi mất điện. (Nguồn: Bloomberg)

Ngày 27/6, người phát ngôn của chính phủ Sri Lanka Bandula Gunewardena thông báo, chỉ bán xăng dầu cho các dịch vụ thiết yếu, như y tế, tàu hỏa, xe bus trong 2 tuần, đồng thời đóng cửa trường học ở thành thị và thúc giục người dân làm việc từ xa.

Ở Ấn Độ và Pakistan, mất điện buộc các trường học, doanh nghiệp phải đóng cửa.

Các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đang vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất nhiều năm qua.

Ở các nước giàu hơn, như Australia, mối lo kinh tế cũng đang nảy sinh khi người tiêu dùng cảm nhận sức nóng từ hóa đơn năng lượng tăng cao.

Giá bán buôn điện tại đây trong quý I/2022 đã tăng 141% so với năm ngoái. Các hộ gia đình được chính phủ thúc giục giảm tiêu thụ điện.

Ngày 28/5, Ấn Độ thông báo, công ty than Coal India sẽ nhập khẩu than lần đầu tiên kể từ năm 2015, do tình trạng thiếu hụt điện trên diện rộng.

Dù vấn đề của các quốc gia là khác nhau, nhưng tất cả đều chịu chung tác động kép từ đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine. Đây là hai sự kiện diễn ra bất ngờ, khiến các kế hoạch kinh tế bị đảo lộn.

Trong 2 năm, đại dịch khiến nhu cầu năng lượng trên ở giới ở mức thấp chưa từng có. Tiêu thụ điện toàn cầu giảm hơn 3% trong quý I/2020 do các lệnh phong tỏa. Nhưng đến thời điểm hiện tại, khi các nước bắt đầu mở cửa, nhu cầu nhiên liệu tăng vọt, kéo giá than, dầu và khí đốt lên cao.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine khiến vấn đề này càng thêm trầm trọng.

Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ ba và xuất khẩu dầu lớn nhì thế giới. Khi Mỹ và các đồng minh áp lệnh trừng phạt dầu khí Nga, nhiều nước vội vàng tìm nguồn cung thay thế, khiến cung càng thiếu hụt.

Theo ông Samantha Gross, Giám đốc Sáng kiến an ninh năng lượng và khí hậu tại Viện nghiên cứu Brookings, nhu cầu năng lượng đã hồi phục khá nhanh sau đại dịch và nhanh hơn nhiều so với nguồn cung. Giá đã tăng từ trước xung đột tại Ukraine và chiến dịch quân sự của Nga sau đó là một cú sốc với nguồn cung năng lượng.

(theo CNN)