Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu diễn ra trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bùng phát (từ tháng 2/2022) chứng minh rằng, năng lượng có thể được sử dụng làm vũ khí. (Nguồn: iStock Photo) |
Trong bài viết mới đây đăng trên clingendael.org, hai chuyên gia Louise van Schaik (*) và Giulia Cretti (**) cho rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Âu không chỉ quan trọng để chống lại biến đổi khí hậu mà đã trở thành một nhu cầu cần thiết để đảm bảo an ninh chính trị.
Rủi ro từ việc phụ thuộc
Vai trò đảm bảo an ninh năng lượng và địa chính trị của việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch chiếm vị trí trung tâm tại Hội nghị An ninh Munich tổ chức ở Đức trong tuần qua.
Rủi ro từ việc phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch của các quốc gia giàu dầu mỏ, nguyên liệu thô quan trọng và chuỗi giá trị điện hạt nhân là những mối lo ngại không thể phủ nhận. Sự phụ thuộc có thể và đã được vũ khí hóa.
Để tăng cường quyền tự chủ chiến lược trong lĩnh vực năng lượng, Liên minh châu Âu (EU) cần tăng tốc vai trò dẫn đầu về công nghệ xanh, phát triển thị trường hydro đáng tin cậy và hợp tác cùng có lợi với nhiều quốc gia hơn.
Trong nhiều thập niên, người châu Âu đã nuôi dưỡng mối quan hệ với các quốc gia giàu nguồn dầu mỏ, đồng thời cho rằng, năng lượng có thể thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước sản xuất và tiêu thụ. Thỏa thuận về đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Đức và Nga là một trong những ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu diễn ra trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine bùng phát (từ tháng 2/2022) chứng minh rằng năng lượng có thể được sử dụng làm vũ khí. Mặc dù vậy, trách nhiệm này vượt ra ngoài phạm vi nước Nga kể từ khi EU nhập khẩu năng lượng hóa thạch từ nhiều quốc gia khác.
Sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch có thể nhanh chóng chuyển thành những điểm yếu nghiêm trọng khiến châu Âu dễ bị tổn thương hơn trước đòn bẩy và các cú sốc bên ngoài.
Gần đây, an ninh năng lượng châu Âu đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ, khiến gần như giảm một nửa lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Qatar sang thị trường lục địa già. Điều này có thể tác động đến giá khí đốt.
Phong trào áo vàng ở Pháp và tình trạng hỗn loạn ở Kazakhstan vào đầu năm 2022 cũng là những minh họa cho thấy giá nhiên liệu cao có thể trở thành chất xúc tác cho các cuộc biểu tình rộng lớn.
Nhưng người ăn xin không thể được lựa chọn!
EU giữa nhiều mối lo ngại
Để thoát khỏi nguồn cung cấp khí đốt của Nga, châu Âu đã phải tham gia vào các thỏa thuận năng lượng hóa thạch mới vốn bị ràng buộc bởi sự phụ thuộc. Các lựa chọn ở mức hạn chế, trong đó nhà cung cấp được ưu tiên là Na Uy không thể đáp ứng nhu cầu.
Hơn nữa, EU đã thúc đẩy các chính sách và ngân sách về khí hậu cũng như công nghiệp xanh. Tuy nhiên, các kế hoạch này đã bị chỉ trích vì quá tốn kém và không thực tế trong quá trình triển khai, chẳng hạn như so với Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ.
Mặc dù mệnh lệnh an ninh được châu Âu và các quốc gia thành viên của EU, như Đức, sử dụng để thúc đẩy quan hệ đối tác năng lượng xanh với các nước thứ ba, nhưng nó cũng được sử dụng để biện minh cho hoạt động thăm dò dầu khí trong nước, chẳng hạn như ở Anh.
Đồng thời, Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu hóa thạch quan trọng hơn sang EU, đặc biệt là LNG. Tuy nhiên, độ tin cậy của nguồn cung này có thể được xem xét lại sau cuộc bầu cử tổng thống ở nền kinh tế số 1 thế giới vào tháng 11 năm nay.
Một mối lo ngại khác là nguồn cung nguyên liệu thô quan trọng (CRM) cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Âu, trong đó đáng lưu ý là sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây lại là một sự phụ thuộc khác vì vật liệu không chỉ được sử dụng một lần để sản xuất năng lượng (như nhiên liệu hóa thạch) mà thay vào đó được sử dụng cho các sản phẩm tạo ra, lưu trữ và vận chuyển năng lượng.
Tuy nhiên, mức độ phụ thuộc dự kiến tăng lên và việc thiếu động lực để tìm giải pháp thay thế hoặc tái chế CRM là những thách thức to lớn.
Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới, cuộc khủng hoảng năng lượng có phần ít được chú ý hơn. Công dân châu lục này lại coi việc có sẵn năng lượng hóa thạch rẻ hơn là điều hiển nhiên.
Thay vì xem xét những rủi ro vẫn đang tiếp diễn của việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tổng chi phí khổng lồ liên quan việc nhập khẩu dầu và khí đốt, các cuộc tranh luận lại nêu bật chi phí của chính sách khí hậu và chuyển đổi năng lượng.
Gần đây nhất, nông dân nhiều nước châu Âu đã đổ xuống đường biểu tình, bày tỏ lo ngại về các chính sách khí hậu của EU. Mặc dù nỗi lo sợ về việc không thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu là điều dễ hiểu, nhưng họ cũng có thể tìm kiếm sự phối hợp để liên kết đầu tư công nghiệp xanh với đổi mới sản xuất thực phẩm ở châu lục mình.
Giống như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon đang tạo sân chơi bình đẳng cho ngành bằng cách buộc những người gây ô nhiễm nước ngoài phải trả tiền khi vào thị trường châu Âu, những cách thức mới có thể được đưa ra để giảm sự cạnh tranh không bền vững trong nông nghiệp. Giống như các vùng khai thác than, khu vực nông thôn và nông dân có thể được hỗ trợ nhiều hơn trong lĩnh vực bền vững.
Nhìn chung, châu Âu tốt hơn nên đi theo con đường năng lượng sạch thay vì trông cậy vào một hệ thống nhiên liệu hóa thạch tốn kém và gây ô nhiễm do các quốc gia nhiều dầu khí và các nhóm lợi ích thống trị. Quá trình chuyển đổi năng lượng không còn quan trọng để chống lại biến đổi khí hậu mà đã trở thành một nhu cầu đảm bảo địa chính trị và an ninh.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng là chìa khóa để EU đạt được sự độc lập khỏi Nga và các nhà xuất khẩu hóa thạch khác. Đẩy mạnh tốc độ chuyển đổi sẽ tăng cường an ninh năng lượng và làm nổi bật vị thế của khối 27 quốc gia thành viên với tư cách là một chủ thể địa chính trị, lãnh đạo công nghệ xanh và là người đặt ra tiêu chuẩn cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
(*) Louise van Schaik là người đứng đầu bộ phận Liên minh châu Âu (EU) và các vấn đề toàn cầu tại Viện Quan hệ quốc tế Clingendael ở Hà Lan.
(**) Giulia Cretti là nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế Clingendael.