Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, nước này có thể là trung gian giải quyết khủng hoảng năng lượng. (Nguồn: AP) |
Trả lời phỏng vấn TVnet, ông Donmez nói: "Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công trong xử lý cuộc khủng hoảng lương thực và trong trường hợp cần thiết, Ankara sẵn sàng trở thành trung gian hòa giải trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng".
Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, Ankara sẽ mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), kể cả từ Mỹ và quốc gia này "không có vấn đề gì" với các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chính như Azerbaijan, Iran và Nga.
Phương Tây đã gia tăng áp lực trừng phạt đối với Nga trong vấn đề Ukraine, khiến giá điện, nhiên liệu và thực phẩm ở châu Âu và Mỹ tăng cao.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở khu vực đồng Euro (Eurozone) vào cuối tháng 11/2022 lên tới khoảng 10%.
* Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner thừa nhận, quốc gia này đang đối mặt với viễn cảnh năng lượng đắt đỏ hơn trong dài hạn nếu không có khí đốt tự nhiên của Nga.
Bộ trưởng Lindner nói: “Đó sẽ là một điều bình thường mới. Khí đốt nhập khẩu qua các nhà ga khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) đắt hơn so với khí đốt đường ống của Nga chỉ vì lý do hậu cần. Vì vậy, mức giá vẫn cao hơn, nhưng không có những đột biến nguy hiểm”.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đã ngừng nhập khẩu dầu Nga qua đường ống vào ngày 1/1, bất chấp thực tế là lệnh cấm vận mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) đã miễn trừ việc vận chuyển dầu thô qua đường ống từ Nga tới khối này.
Lệnh cấm vận của EU đối với việc nhập khẩu dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga có hiệu lực từ ngày 5/12/2022, nhưng dầu qua đường ống dẫn đến các quốc gia thành viên EU không giáp biển được miễn trừ khỏi lệnh cấm.
Đức và Ba Lan trước đó đã cam kết tránh sử dụng ngoại lệ và ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường ống Druzhba từ đầu năm 2023.