📞

Khủng hoảng năng lượng: Thoát khỏi ‘vòng kim cô’ khí đốt Nga, chông gai vẫn rải đầy con đường phía trước

Minh Anh 09:55 | 19/01/2023
Thế giới không chỉ phụ thuộc khí đốt Nga, vậy nếu thoát khỏi “vòng kim cô” đó, triển vọng năng lượng toàn cầu cho năm 2023 là gì?
Khủng hoảng năng lượng: Thoát khỏi ‘vòng kim cô’ khí đốt Nga, chông gai vẫn rải đầy con đường phía trước. (Nguồn :iea.org)

Tương lai của ngành năng lượng tiếp tục là một trong những vấn đề nóng tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2023 đang diễn ra tại Davos, Thụy Sỹ (16-20/1).

Mục tiêu của Thỏa thuận Paris quá xa vời?

Thế giới đang ở giữa một "cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự" đầu tiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong Báo cáo Triển vọng Năng lượng toàn cầu, công bố hồi tháng 10/2022.

Theo báo cáo của IEA, lần đầu tiên sau một thập kỷ, số người không được tiếp cận với năng lượng hiện đại ngày càng tăng. Khoảng 75 triệu người - những người chỉ mới được tiếp cận với điện, có thể không còn đủ khả năng chi trả. Trong khi đó, 100 triệu người có thể cần quay lại nấu ăn bằng năng lượng sinh khối.

Hồi tháng 4/2022, Hội đồng Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã phát hiện ra rằng, việc đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris dường như quá xa vời. Để đạt được mục tiêu hạn chế nhiệt độ nóng lên trong phạm vi 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, thế giới cần lượng khí thải đạt “đỉnh điểm muộn nhất trước năm 2025” và giảm 43% vào năm 2030.

Trong một bài phát biểu đặc biệt tại WEF, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo, cam kết trong Thỏa thuận Paris đang “tan thành mây khói”. Ngưỡng nhiệt độ 1,5 độ C là mục tiêu đầy tham vọng, được công nhận là rất quan trọng, bởi đây là ngưỡng mà tại đó những thay đổi nhỏ có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong toàn bộ hệ thống hỗ trợ sự sống của Trái đất. “Hậu quả sẽ rất tàn khốc. Một số phần của hành tinh chúng ta sẽ không thể ở được. Và đối với nhiều người, đây là bản án tử”, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh.

Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại cũng vượt ra ngoài lĩnh vực dầu mỏ và do đó có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế trên phạm vi rộng lớn hơn. Tất cả các nguồn năng lượng đều có nguy cơ bị gián đoạn bởi tình trạng hỗn loạn.

Kể từ khi xung đột quân sự bùng nổ ở Ukraine, thị trường năng lượng đã biến động nhiều hơn. Thị trường tín dụng thắt chặt, thanh khoản không còn nhiều để hỗ trợ việc mua bán dầu, cả cung và cầu đều trải qua những cú sốc lớn.

Trong khi đó, tình trạng hỗn loạn trên thị trường khí tự nhiên hóa lỏng đang ngày càng đổ dồn về phía châu Âu vì giá cả ở đây cao hơn, khiến châu Á phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế.

Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại một lần nữa hướng sự chú ý của thế giới vào các rủi ro năng lượng mang tính địa chính trị, buộc các bên phải tính toán giữa tham vọng khí hậu của ngày mai và nhu cầu năng lượng của ngày hôm nay, đưa ra góc nhìn dự báo về kỷ nguyên hỗn loạn phía trước.

Cách các chính phủ ứng phó với những thách thức này - điều đã trở thành vấn đề nổi bật trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine, sẽ định hình trật tự năng lượng mới trong nhiều thập kỷ tới.

Làm chủ kinh tế năng lượng mới

Giám đốc điều hành IEA, Fatih Birol, dẫn dắt Phiên tọa đàm chủ đề 'Làm chủ kinh tế năng lượng mới', tại WEF Davos 2023. Theo đó, thách thức đối với ngành năng lượng ngày nay là làm thế nào để thiết kế lại toàn bộ hệ thống trong khi vẫn duy trì nguồn cung cấp linh hoạt, giá cả phải chăng và bền vững cho hành tinh.

Ngành năng lượng thế giới hiện đa chiều - không chỉ là sự phụ thuộc của thế giới vào khí đốt tự nhiên từ Nga. Đó còn là an ninh năng lượng toàn cầu, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch bảo vệ khí hậu và giải quyết hợp lý mối liên hệ giữa khủng hoảng năng lượng và an ninh lương thực.

Phiên thảo luận về tương lai ngành năng lượng tại WEF Davos 2023. (Nguồn: weforum.org)

Ngoài ra, giải quyết vấn đề khí thải cũng là cơ hội cho nền kinh tế xanh. Theo Công ty Tư vấn phát triển bền vững Arup và Công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics, những ngành công nghiệp giúp thế giới chuyển sang mức phát thải ròng bằng không (net Zero) có thể có trị giá 10,3 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2050.

Các nhà lãnh đạo trong ngành năng lượng thế giới đều có một niềm tin rằng, an ninh năng lượng sẽ thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo. "Thế giới của chúng ta chưa bao giờ chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng sâu và phức tạp như thế này". CEO IEA Fatih Birol dẫn dắt phiên họp bằng cách khẳng định lại thách thức mà tất cả chúng ta phải đối mặt. Khủng hoảng năng lượng đã bị kích động bởi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và bị suy yếu thêm bởi sự phụ thuộc của thế giới vào xuất khẩu dầu mỏ của Nga, cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên nghiêm trọng.

Tuy nhiên, giữa “đêm tối” có một số tin tức tích cực – sự phát triển vượt bậc về năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, ô tô điện.... Nguồn năng lượng tái tạo đã nhận được sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ. Nhưng không phải chỉ vì lý do môi trường, "động lực lớn nhất của tăng trưởng năng lượng tái tạo ngày nay là an ninh năng lượng", CEO Birol chỉ ra.

Martin Wolf, Phó Tổng biên tập, kiêm Trưởng ban bình luận kinh tế của tờ Financial Times, đồng ý rằng "mở rộng ồ ạt các dự án năng lượng tái tạo là ưu tiên về khí hậu và an ninh". Nhưng ông cảnh báo rằng, để hạn chế nhiệt độ nóng lên trong phạm vi 1,5 độ C và đáp ứng các mục tiêu về khí hậu vào năm 2030, sẽ cần "giảm thiểu rủi ro đầu tư trên toàn thế giới". Quy mô đầu tư, nhất là đối với các nước đang phát triển là một vấn đề cấp bách.

Vậy làm thế nào để quá trình chuyển đổi năng lượng phù hợp với một thế giới bị phân mảnh như hiện nay? chuyên gia Adam Tooze từ Đại học Columbia, đã mô tả "quá trình chuyển đổi năng lượng thực sự là một tập hợp các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau". Ví dụ, hầu hết các vi mạch mà phương Tây cần cho công nghệ năng lượng sạch sẽ đến từ Trung Quốc, do đó quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ là động lực hướng tới "một loại cocktail mới của toàn cầu hóa".

Khi chúng ta bước vào năm 2023, các chiến lược năng lượng sẽ cần đẩy nhanh đầu tư và xây dựng khả năng phục hồi, trong khi giải quyết vấn đề chi trả và tính bền vững.

Di sản của cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ là một trật tự năng lượng mới, bắt nguồn từ châu Âu nhưng sẽ mở rộng đến những nơi xa xôi nhất của nền kinh tế toàn cầu. Những đòi hỏi cấp thiết về an ninh năng lượng và hành động chống biến đổi khí hậu sẽ định hình trật tự đó.

Việc đồng thời theo đuổi các mục tiêu trên mà không để cho chúng làm tổn hại lẫn nhau sẽ đòi hỏi phải khai thác sức mạnh thị trường. Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ đòi hỏi các chính phủ phải đảm nhận vai trò rộng lớn hơn nhiều để tận dụng, định hình và chỉ đạo thị trường, sửa chữa những thất bại mà cuộc khủng hoảng hiện nay đã tạo ra.

Các nhà lãnh đạo ngành năng lượng thế giới đều nhất trí rằng, nếu không có sự can thiệp của chính phủ - một sự can thiệp được điều chỉnh và kiềm chế nhưng chắc chắn sẽ gia tăng - thế giới sẽ phải đối mặt với sự sụp đổ an ninh năng lượng hoặc những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu - hoặc cả hai.

Vai trò của các chính phủ - nếu được giới hạn và điều chỉnh phù hợp sẽ trực tiếp giải quyết những thất bại cụ thể của thị trường - sự can thiệp này có thể ngăn ngừa các tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro an ninh năng lượng và giúp quản lý các cách thức địa chính trị lớn nhất của quá trình chuyển đổi năng lượng sắp tới.