📞

Khủng hoảng ngân hàng: Vị thế ‘thủ quỹ’ của Thụy Sỹ lung lay?

Minh Anh 08:00 | 02/04/2023
Ngày 19/3, cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ lan đến Zurich. Sự thất bại của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã “đánh gục“ Credit Suisse - một trong những cái tên quen thuộc của hệ thống ngân hàng hàng đầu thế giới.
Credit Suisse sụp đổ là sự kết thúc thất bại của nhiều năm cải cách chiến lược và không thể đảo ngược. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 20/3, thương vụ “khẩn cấp” trị giá 3 tỷ Franc (3,2 tỷ USD) hợp nhất hai ngân hàng lớn nhất và nổi tiếng nhất Thụy Sỹ hoàn tất nhanh chóng, UBS tiếp quản Credit Suisse.

Trong đó, dưới sự hậu thuẫn của chính phủ liên bang, các nhà chức trách và cơ quan quản lý Thụy Sỹ đã góp một tay đàm phán giảm giá, cũng như cung cấp các khoản bảo lãnh trong trường hợp việc tiếp quản gây ra thua lỗ, trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan rủi ro sang hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Thương vụ được thực hiện nhanh đến mức mọi quy trình tiếp quản theo luật doanh nghiệp và luật cạnh tranh đều được loại bỏ. Tất cả chỉ với một mục tiêu ngăn chặn sự hoảng loạn của thị trường tài chính.

Sai có hệ thống, tự chuốc bi kịch

Richard Berner, cựu cố vấn của Bộ trưởng Tài chính Mỹ bình luận, “Ngân hàng Thung lũng Silicon không có hệ thống khi còn sống, nhưng lại tỏ ra có hệ thống khi chết”. Ít ai có thể ngờ tới sự sụp đổ của SVB - một ngân hàng non trẻ ở California (Mỹ) lại kéo theo bi kịch của một Credit Suisse – một trong những “cây đa, cây đề” trong hệ thống ngân hàng Thụy Sỹ.

Tình hình khiến người ta hồi tưởng đến “bóng ma” Lehman Brothers. Tuy nhiên, Giáo sư kinh tế Ignazio Angeloni thuộc Viện Đại học châu Âu, cựu thành viên Ủy ban điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong nhiều năm khẳng định, Credit Suisse và SVB là những tình huống khác nhau, có những nguyên nhân đổ vỡ khác nhau.

Theo đó, cuộc khủng hoảng của các ngân hàng Mỹ là kết quả của làn sóng nới rộng tiền tệ kéo dài. Cuộc khủng hoảng Credit Suisse thì khác, theo đánh giá của giới quan sát, “ngân hàng này tự chuốc bi kịch do nhiều năm quản lý không minh bạch và thiếu thận trọng, với các cuộc phiêu lưu sát ranh giới, nằm ngoài các quy tắc, cùng khả năng giám sát yếu kém…”.

Bởi vậy, vụ Credit Suisse nghiêm trọng hơn vụ SVB không chỉ vì nó có nguy cơ gây ra các hậu quả ở châu Âu, do quy mô và mối liên hệ của ngân hàng đó với hệ thống châu Âu (một ngân hàng có hệ thống toàn cầu theo phân loại quốc tế), mà bởi vì nó báo hiệu rằng, cuộc cách mạng cải cách hệ thống tài chính toàn cầu sau Đại khủng hoảng tài chính năm 2008 đã không thành công. Các ngân hàng một lần nữa sụp đổ, trong khi đáng lẽ bi kịch này đã có thể được ngăn chặn.

Trong chớp mắt, Credit Suisse không còn nữa, kết thúc một lịch sử đáng tự hào kéo dài 167 năm. Tuy nhiên, đó không phải là hiện tượng “trong cơn bão” một tia chớp bất ngờ đánh trúng Credit Suisse, mà là sự kết thúc thất bại của nhiều năm cải cách chiến lược và không thể đảo ngược.

Không giống như UBS, Credit Suisse không có được trải nghiệm cận kề sự sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nên thay vì đưa ra một chiến lược phát triển an toàn, Credit Suisse tiếp tục “chơi lớn” trong lĩnh vực đầu tư như thể không có chuyện gì xảy ra.

Nguyên do sự kết thúc của Credit Suisse bắt đầu từ năm 2021, khi ngân hàng này vướng vào một loạt vụ bê bối, thua lỗ, gây ra khó khăn về tài chính và giảm sút về uy tín. Các vụ việc không minh bạch, thậm chí liên quan hoạt động hối lộ, rửa tiền của tội phạm... bộc lộ những khiếm khuyết trong quản trị rủi ro.

Credit Suisse đã bị xác định trong nhiều tháng qua là mắt xích yếu nhất trong chuỗi các ngân hàng quan trọng có hệ thống toàn cầu. Đó có thể sẽ không phải là vấn đề trong thời kỳ bình yên trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, nó thực sự trở nên nguy hiểm khi thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn như trong thời gian này.

Hồi chuông cảnh tỉnh

Một nghiên cứu của Deloitte năm 2021, Thụy Sỹ quản lý 2.600 tỷ USD tài sản quốc tế, đưa nước này trở thành trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, vượt qua Anh và Mỹ. Tuy nhiên, Thụy Sỹ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các trung tâm tài chính nổi tiếng khác, đang phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, như Luxembourg, Singapore…

Vì thế, các chuyên gia cảnh báo sự sụp đổ của Credit Suisse giáng một đòn nghiêm trọng vào uy tín của Thụy Sỹ với tư cách là trung tâm quản lý tài sản hàng đầu thế giới, đồng thời đặt ra câu hỏi đối với danh tiếng của quốc gia này về sự ổn định tài chính, bảo vệ các quy định và khả năng quản trị doanh nghiệp.

Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sỹ (SBA) đã cố gắng trấn an rằng, việc chính phủ, các ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý giải cứu một ngân hàng “ốm yếu” là dấu hiệu của sức mạnh. Nhân vụ việc lần này, Chủ tịch SBA và cũng là cựu CEO của UBS Marcel Rohner quảng bá rằng, ngành tài chính Thụy Sỹ đã giải quyết gọn một vấn đề lớn cho một “người chơi quan trọng”.

Ông Rohner khẳng định, Trung tâm tài chính này vẫn có triển vọng thịnh vượng, bởi Thụy Sỹ có hàng trăm ngân hàng được vốn hóa rất tốt và các ngân hàng quản lý tài sản thành công. Tuy nhiên, thực tế, số lượng ngân hàng tại quốc gia này đã giảm xuống còn 239 ngân hàng trong năm 2021 so với con số 356 ngân hàng trong năm 2002. Số lượng nhân viên ngành ngân hàng kể từ năm 2011 đã giảm từ 108.000 người xuống 91.000 người.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), sự đóng góp của ngành tài chính cho nền kinh tế Thụy Sỹ cũng giảm từ 9,9% GDP năm 2002 xuống 8,9% GDP vào năm 2022, do các ngành như dược phẩm trở nên quan trọng hơn ở quốc gia có GDP bình quân đầu người cao thứ ba thế giới.

Trong khi đó, chuyên gia Stefan Legge thuộc Viện Nghiên cứu tài chính IFF cảnh báo, sự sụp đổ của Credit Suisse là hồi chuông cảnh tỉnh, đòi hỏi các thay đổi toàn diện trong lĩnh vực tài chính ngân hàng Thụy Sỹ và cải thiện cách quản trị doanh nghiệp.

Quay lại tháng 10/2008, các nhà chức trách Thụy Sỹ đã phải chấp nhận những rủi ro lớn để cứu UBS chỉ trong một ngày cuối tuần, vì họ không thể để thị trường tài chính mở cửa vào thứ Hai với sự hỗn loạn. Rõ ràng là đến nay tình trạng này không có gì thay đổi.

Mục đích của tất cả các biện pháp được thực hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 là gì... để “không bao giờ xảy ra trường hợp như thế này nữa”. Sau gần 15 năm, đích cuối cùng được đặt ra đã “phá sản”.