Đầu tháng, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành đạo luật mới về các biện pháp trừng phạt tăng cường với Iran, tập trung phong tỏa mọi tài sản và giao dịch tại Mỹ của 18 cá nhân và thực thể Iran được cho là ủng hộ chương trình tên lửa đạn đạo của quốc gia Trung Đông này.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran đã dẫn tới khả năng thỏa thuận hạt nhân mà Iran và các cường quốc (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) ký kết tháng 7/2015 có thể bị phá vỡ. Nếu điều này xảy ra, Iran sẽ phản ứng và tình hình Trung Đông dễ xảy ra xáo trộn. Tuy nhiên, hệ lụy của nó còn có thể lan xa hàng nghìn dặm, ảnh hưởng tới bán đảo Triều Tiên.
Hiện Mỹ không có nhiều lựa chọn và giải pháp hiệu quả để đối phó với thách thức hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Các lệnh trừng phạt không đem lại hiệu quả và Washington cũng không thể siết chặt hơn nữa. Trong khi đó, các cuộc đàm phán ngoại giao khó thành công vì những khác biệt của các bên về việc cho phép Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong thời gian tranh cử đã gọi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 là điều tồi tệ và dọa sẽ lật ngược điều này. Việc thỏa thuận này bị vi phạm sẽ gây ra hệ lụy xấu với các cơ hội đàm phán ngoại giao nhằm ngăn chặn hoặc đảo ngược chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên. Bên cạnh đó, viễn cảnh này chắc chắn sẽ làm suy yếu lòng tin của các quốc gia tại khu vực Đông Bắc Á, nơi đang rất cần sự hợp tác để giải quyết thách thức hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Nghị quyết mới đây của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Triều Tiên đã thể hiện hai điều. Thứ nhất, cách tiếp cận đơn phương của Mỹ là không khả thi. Thứ hai, Trung Quốc và Nga là những đối tác quan trọng trong việc thúc ép Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Tổng thống Mỹ Donald Trump có lẽ nên chú trọng vào việc khôi phục lòng tin và sự hợp tác từ phía Triều Tiên thay vì đưa ra những tuyên bố như đe dọa đáp trả mọi hành động của Bình Nhưỡng bằng “hỏa lực và sự giận dữ” ngày 9/8.
Trước mắt, việc đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên gặp rất nhiều bất lợi, đặc biệt là trong bối cảnh quốc gia này vừa tuyên bố “xem xét” kế hoạch tấn công tên lửa vào đảo Guam của Mỹ trước đó cùng ngày. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa cộng đồng quốc tế sẽ sớm từ bỏ việc tìm kiếm giải pháp hòa bình. Trong tuyên bố mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đưa ra đề xuất Mỹ hoan nghênh các cuộc đàm phán với Triều Tiên và bảo đảm không tìm cách thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng. Chắc chắn, cả ông Tillerson và nhiều người trong chính quyền Mỹ đều hiểu rằng, tất cả những tuyên bố trên sẽ không còn đáng tin nếu họ không thuyết phục được Tổng thống Trump tuân thủ thỏa thuận với Iran.
Mới đây, Tehran cho biết sẽ đệ đơn lên cơ quan giám sát thỏa thuận giữa Iran và Nhóm P5+1 để đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cảnh báo trên kênh truyền hình quốc gia: “Thỏa thuận hạt nhân đã bị vi phạm và chúng tôi sẽ phản ứng một cách phù hợp và tương xứng đối với vấn đề này”.
Một số chuyên gia nhận định, nếu tình hình trở nên xấu hơn, viễn cảnh về một cuộc khủng hoảng từ hai phía, gồm Iran và Triều Tiên, mà Mỹ phải đương đầu không còn quá xa xôi.